Với dân số gần 86 triệu người, Iran là thị trường có dung lượng tiêu thụ lớn trong số các nước khu vực Trung Đông. Nhu cầu nhập khẩu nông sản của Iran lớn do hạn hán, mất mùa thường xuyên. Dư địa xuất khẩu sang thị trường Iran được nhận định còn rất lớn, nhưng giá trị kim ngạch đang ở mức rất khiêm tốn, cần đẩy mạnh khai thác thị trường này.
Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Iran cho biết, lâu nay thị trường Iran chưa được doanh nghiệp Việt Nam quan tâm nhiều, trong khi thực tế đây là thị trường rất tiềm năng. Mỗi năm Iran sản xuất được khoảng 125 triệu tấn hàng hoá nông sản, trong đó xuất khẩu 8,8 triệu tấn, còn lại là phục vụ nhu cầu nội địa. Trong khi đó, thị trường này cũng nhập khẩu khoảng 10 tỷ USD nông sản/năm. Iran luôn theo đuổi chính sách thương mại bảo hộ cho nông nghiệp; khuyến khích sản xuất trong nước; áp mức thuế cao đối với hàng nhập khẩu với tỷ lệ thuế tăng dần tuỳ thuộc mức độ gia công của hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, trong thời gian thiếu hụt hàng hoá, quy định về thuế quan cũng có thể bị dỡ bỏ. Thị trường Iran cũng có các sản phẩm nông sản khá nổi tiếng như: nhuỵ hoa nghệ tây, hạt dẻ cười, táo, mơ, hạt óc chó, chà là…
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại Việt Nam – Iran chỉ dừng ở mức trên 100 triệu USD. Đây là con số hết sức khiêm tốn so với tiềm năng tiêu thụ của thị trường Iran đối với nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam.Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Iran gồm: chè, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, gạo, hoa quả, thuỷ sản… Trong cơ cấu hàng hóa, Việt Nam xuất khẩu sang Iran, chủ yếu các loại nông thủy sản như: Hạt tiêu, hạt điều, chè, cà phê, hải sản, ngoài ra là một số mặt hàng cao su tự nhiên, rau củ quả, thủy hải sản, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm gỗ...Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Iran các mặt hàng như sản chất dẻo, phẩm dầu mỏ, cao su, kim loại thường, tân dược... Trong đó, hạt điều, hạt tiêu, cà phê và chè chiếm phần lớn kim ngạch nông sản xuất khẩu sang Iran. Cụ thể, năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu sang Iran 30 triệu USD hạt điều, 17 triệu USD cà phê, 14 triệu USD hạt tiêu, 7 triệu USD chè.
Thực tế, hàng Việt Nam tương đối được ưa chuộng ở Iran do chất lượng đảm bảo, ưa chuộng hơn hẳn hàng Trung Quốc. Đáng chú ý, qua khảo sát người dân và một số nhà nhập khẩu tại Iran cho thấy, phần lớn người Iran khi được hỏi cho biết họ có cảm tình với Việt Nam do cũng từng phải chịu sự cấm vận của Mỹ. Hơn nữa, nông sản Việt Nam và Iran có nhiều sự bổ trợ cho nhau và không có nhiều sự cạnh tranh trong cùng một mặt hàng. Đây cũng là lợi thế để hàng Việt Nam thâm nhập vào thị trường này.
Không những vậy, người Iran thích ăn trái cây, với mức tiêu thụ trung bình 120 kg/người/năm.Hàng năm, Iran nhập khẩu 470 nghìn tấn trái cây nhiệt đới, trị giá 700 triệu USD. Những loại trái cây nhiệt đới nhập khẩu chính là chuối, dừa và xoài do sản lượng nội địa thấp hoặc không sản xuất được. Ngoài ra, người Iran còn thích ăn những loại quả mọng nước. Nếu làm thị trường tốt, chúng ta hoàn toàn có thể xuất khẩu thanh long, chanh leo, ổi, đu đủ, măng cụt, bưởi sang Iran.
Cùng với đó, Việt Nam và Iran đã ký một số thỏa thuận hợp tác như: Thỏa thuận chung về hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật”; Hiệp định về thương mại và lập Ủy ban hỗn hợp; Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư… Đây cũng là những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy giao thương đôi bên.
Để tăng cường xuất khẩu sang Iran, các chuyên gia khuyến nghị dành cho các doanh nghiệp Việt Nam là phải tìm hiểu, thẩm định kỹ đối tác; yêu cầu mức đặt cọc cao đối với khách hàng mới; sử dụng phương thức thanh toán bằng điện chuyển tiền T/T theo thông lệ quốc tế. Bởi Iran là đất nước hồi giáo nên cấm nhập khẩu sản phẩm có nguồn gốc từ thịt lợn, khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu thô, hàng hoá nhập khẩu yêu cầu một số chứng chỉ như GMP, PHYTO , HACCP riêng với thực phẩm chế biến cần thêm chứng chỉ Halal. Đối tác Iran ưu tiên kết nối trực tiếp, vì vậy doanh nghiệp muốn làm ăn lâu dài nên tiếp cận đối tác bằng cách tham gia hội chợ, hội thảo, chương trình kết nối giao thương hàng năm tại Iran.
Bảo Anh