Ngày nay, câu nói cửa miệng của mọi người khi đón khách đến nhà là "Chén trà là đầu câu chuyện", thay cho câu nói về tục ăn trầu không ngày xưa. Việc chủ nhà mời khách nhâm nhi một ly tách trà thơm nồng là một nét mới trong nếp sống hiện đại ngày nay, cũng là thay cho lời chào nồng hậu của gia chủ.
Ở bất cứ nơi đâu, dù là nông thôn hay thành thị, miền ngược hay miền xuôi thì trà đều là thức uống gần gũi và được dùng để tiếp đãi khách khứa. Bằng cách nào đó, thức uống dung dị, giản đơn như trà lại thể hiện một cách trọn vẹn về sự trang trọng, quý mến và những tình cảm thắm thiết mà mọi người dành cho nhau.
Trong sự giao tiếp ứng xử xã hội của người Việt thì thường dùng trà, trầu cau và rượu để chào mời khách đến thăm hỏi. Từ nông thông đến thành thị, từ miền ngược đến miền xuôi. Hình ảnh chén trà không chỉ thường gặp lúc trà dư hậu tửu khách đến chơi nhà mà còn gắn với hình ảnh những mẹ Việt Nam da nhăn nheo, chít khăn mỏ quạ, miệng bỏm bẻm nhai trầu ngồi bán hàng nước ở gốc đa cổng làng, bát chè xanh thơm nồng làm mát lòng những người đang khát.
“Chè ngon nước chát xin mời
Nước non non nước nghĩa người chớ quên”
Chén trà khởi đầu cho những câu chuyện vui, những câu chuyện mới và cả chuyện buồn, chuyện cũ. Bên chén trà, tình làng nghĩa xóm được gắn kết, không khí gia đình càng ấm cúng, sự kết nối với đối tác thêm đậm sâu, tình cảm giữa những người bạn, người thân lại càng thắm đượm. Cũng chính trên bàn trà, những chủ đề, những câu chuyện dù riêng tư lại dễ dàng được khơi mở và chảy trào.
Với người Việt, trà được dùng để tỏ bày. Lễ cưới hỏi, hai bên gia đình dùng trà thưa chuyện; Lễ Tết cũng dùng trà để giao đãi khách đến nhà; tiệc tùng cũng mời trà khách khứa; và ngay cả trong nhịp sống thường nhật, trà vẫn luôn hiện diện. Trà đã trở thành một phần không thể thiếu, tạo nên cái hồn Việt. Và đến bây giờ, người Việt uống trà bất kỳ thời gian, thời điểm nào. Thưởng trà như một thói quen khó bỏ và không thể thay thế trong đời sống hằng ngày.
“Chén trà là đầu câu chuyện”, không chỉ để dành chỉ cho bàn trà “song ẩm”, “tứ ẩm”, hay “quần ẩm”, mà còn là cả “độc ẩm”. Thưởng trà một mình cũng có thể tạo ra những câu chuyện, sự suy tư và những ý nghĩ mới. Tìm đến trà là tìm đến sự lắng lòng, sống chậm lại để ngẫm nghĩ nhiều hơn. Những người bạn trà - “quần anh” tìm đến chén trà để tâm sự, để sẻ chia, để bàn và luận chuyện. Vậy nên, tìm đến trà chính là tìm đến bên trong của chính mình, cho tâm trí những phút giây thư giãn và an yên.
Vì trà gần gũi, quen thuộc là hương vị đậm đà gói trọn hình ảnh và nét văn hoá của quê hương nên nhiều người rất yêu thích. Trà được dùng hàng ngày, được dùng trong mọi dịp của đời sống, vì lẽ đó mà trà là món quà tặng ý nghĩa thường được người ta biếu tặng, trao gửi vào những ngày Lễ Tết.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử dân tộc, cây trà vẫn gắn bó thắm thiết với con người Việt Nam. Cùng với sự phát triển của thời đại, tục uống trà của người Việt đã tạo nên một bản sắc mà người ta gọi là “hồn trà việt” lưu truyền trong lịch sử đất nước qua những ca dao, tục ngữ và những điệu hò dân gian trữ tình và những áng thi văn bất hủ của các danh nhân văn hoá.
Hoài Anh (t/h)