Trong nửa đầu năm 2021 chè của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu tới thị trường Pa-ki-xtan, thị trường Đài Loan và Nga. Lượng xuất khẩu tới 3 thị trường này chiếm 55,4% tổng lượng chè xuất khẩu. Trong đó, lượng và trị giá xuất khẩu tới Pa-ki-xtan và thị trường Đài Loan tăng trưởng khá, xuất khẩu sang Nga lại giảm.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 6/2021 đạt 11,1 nghìn tấn, trị giá 19,6 triệu USD, giảm 7,8% về lượng và giảm 2,4% về trị giá so với tháng 6/2020. Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 6/2021, đạt 1.761,1 USD/tấn, tăng 5,8% so với tháng 6/2020.
Giải thích về nguyên nhân khối lượng xuất khẩu chè giảm, TS. Nguyễn Hữu Tài – Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng, trong số nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân do dịch bệnh đã cản trở việc lưu thông trong nước và quốc tế, bởi chè xuất khẩu chủ yếu bằng container tàu biển, nhưng giá vận tải biển tăng vọt, nhiều lúc không thuê được tàu vì thiếu vỏ container.
"Chi phí vận tải tiêu tốn và làm kiệt sức các doanh nghiệp xuất khẩu, kéo theo giá chè xuất khẩu bị giảm theo. Nhiều doanh nghiệp tại Nghệ An, Hà Tĩnh và một số thành phố bị đình trệ trong việc xuất khẩu chè bởi rơi vào vùng dịch phải thực hiện việc cách ly xã hội. Bên cạnh đó, khi các hợp đồng xuất khẩu của các doanh nghiệp đã ký kết nhưng do dịch Covid-19 khiến nhiều hợp đồng bị giãn, hoãn, thậm chí một số hợp động còn bị yêu cầu giảm giá, trong khi, các hợp đồng mới gần như không có". TS. Tài cho biết.
Ông Trần Quốc Văn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường xuất khẩu chè trước đây như Châu Âu, Mỹ, Anh... chưa thể thông quan trở lại, hiện công ty còn khoảng 80 tấn chè khô đang tồn kho, chưa thể xuất bán. Mặc dù vậy, công ty vẫn phải duy trì sản xuất, đảm bảo bao tiêu chè búp tươi như đã ký kết với người dân nên số chè tồn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, trước khi thị trường xuất khẩu mở cửa trở lại.
Theo thống kê, hiện nay, các thị trường Việt Nam đã ký các Hiệp định Thương mại CTPPP, EVFTA vẫn chưa tận dụng được ưu thế do các rào cản kỹ thuật và những hậu quả do đại dịch Covid – 19 gây ra. Việc tổ chức xúc tiến thương mại, khảo sát thị trường, giao lưu văn hóa trà... trong và ngoài nước của ngành chè bị cản trở, do không thể tổ chức vào mùa dịch khiến cho việc tiếp cận thông tin thị trường bị chậm trễ. Tuy nhiên, trong khó khăn nhiều doanh nghiệp đã tự điều chỉnh hệ thống tổ chức sản xuất và phân phối phù hợp, sản phẩm ngày càng đa dạng với xu hướng ngày càng nâng cao giá trị.
Bàn về các giải pháp tháo gỡ, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong khi chờ cơ quan nhà nước và ngành giao thông vận tải có giải pháp căn cơ, gỡ khó cho vận tải hàng hóa xuất khẩu thì doanh nghiệp, cần hướng đến và mở rộng tiêu thụ sản phẩm chè trong nước, bởi mặc dù dịch bệnh, nhưng sức tiêu dùng chè trong nước tăng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thay vì phân phối, bán sản phẩm theo cách truyền thống như trước đây, các doanh nghiệp nên liên kết, phân phối qua kênh siêu thị và các cửa hàng bán buôn bán lẻ các tập đoàn, công ty thương mại sẽ đảm bảo được giãn cách xã hội trong quá trình phân phối sản phẩm. Bên cạnh đó, giúp cho người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn về mặt hàng hóa.
Ngoài ra, tích cực xây dựng kênh bán lẻ bằng hình thức thương mại điện tử, bán hàng online để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.
“Đại dịch Covid – 19 chưa biết bao giờ mới kết thúc trong nước và trên thế giới, cho nên các doanh nghiệp, các HTX và các hộ gia đình kinh doanh chè vẫn phải nêu cao cảnh giác, vẫn phải tìm các giải pháp thích ứng để vừa giữ vững được sản xuất, chế biến, tiêu thụ vừa đảm bảo yêu cầu của việc phòng chống dịch", Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam nhấn mạnh và cho biết: Để giúp cho các doanh nghiệp, các HTX và hộ nông dân sản xuất, kinh doanh chè khắc phục những khó khăn và tiếp tục ổn định sản xuất, ổn định việc làm, đời sống cho hàng triệu người làm chè, Hiệp hội Chè Việt Nam đã có văn bản kiến nghị với Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương cần có những phương án hỗ trợ như: Miễn giảm tiền thuê đất chuyên dùng và không thu đất trồng chè năm 2021 cho các doanh nghiệp, gia hạn khoản nợ cũ và không tính lãi quá hạn, vay vốn mới với lãi suất ưu đãi, không thu thuế giá trị gia tăng (VAT) với chè doanh nghiệp đăng ký để xuất khẩu, giảm thu BHXH và kinh phí công đoàn tại các doanh nghiệp, giảm các lệ phí và kiểm dịch chè xuất khẩu,...
Tuy nhiên, ngành chè cũng như các ngành hàng trong ngành nông ngiệp ngoài việc bị dịch bệnh còn chịu tác động lớn của quá trình biến đổi khí hậu cho nên đề nghị nhà nước quan tâm có chính sách hợp lý và cụ thể hơn.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Huy Đức