Chính phủ yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 61/CĐ-TTg ngày 22/6/2024 gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.

Trong thời gian vừa qua, Chính phủ và Thủ tướng đã cùng Ban Chỉ đạo điều hành giá thực hiện các biện pháp quyết liệt và kịp thời để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo các cân đối quan trọng. Những chính sách hỗ trợ như giảm lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối, tái cơ cấu lại thời hạn trả nợ, triển khai gói tín dụng cho các ngành và lĩnh vực kinh tế, cùng việc giảm thuế giá trị gia tăng và bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, cùng những chiến lược miễn, giảm và gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao từ dư luận, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Ngày 22/6/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 61/CĐ-TTg nhằm tăng cường quản lý và điều hành giá, đồng thời yêu cầu thực hiện chính sách linh hoạt và kịp thời để đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Công điện số 61/CĐ-TTg nêu rõ:

Đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi sát tình hình sản xuất, biến động giá các yếu tố đầu vào, nhu cầu tiêu dùng của thị trường các mặt hàng nông sản thiết yếu như lúa gạo, thịt lợn, các vật tư nông nghiệp để kịp thời điều hòa cung cầu các mặt hàng phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng, địa phương và nhu cầu xuất khẩu để ổn định giá cả thị trường; không để thiếu, khan hiếm lương thực, thực phẩm trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Đối với mặt hàng xăng dầu: Chính phủ yêu cầu trong mọi tình huống không để thiếu xăng dầu và điều hành giá xăng dầu theo quy định. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, trong mọi tình huống không để thiếu xăng dầu và điều hành giá xăng dầu theo quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu; kiểm tra chuyên đề về việc thực hiện hóa đơn điện tử.

Chính phủ yêu cầu: Ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý. Ảnh minh họa
Chính phủ yêu cầu: Ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý. Ảnh minh họa

Đối với vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường vật liệu xây dựng, đặc biệt là các vật liệu chủ yếu, chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp bảo đảm cung cầu, bình ổn giá vật liệu xây dựng.

Đối với dịch vụ vận tải hàng không, Bộ Giao thông vận tải thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp nhằm bảo đảm, ổn định năng lực vận tải hàng không để cung ứng phù hợp, cân đối tải trên các đường bay và thị trường nội địa/quốc tế, đáp ứng tốt nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không của hành khách, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm hè 2024.

Đối với dịch vụ giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động nắm bắt thông tin về mức điều chỉnh học phí của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập năm học 2024-2025 để có đánh giá tổng thể về mức độ tăng và tình hình triển khai thực hiện; kiểm soát và điều hành không để tăng giá sách giáo khoa và các dịch vụ giáo dục bất hợp lý gây hậu quả lạm phát giá tiêu dùng.

Đối với mặt hàng điện, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và các mặt hàng xem xét điều chỉnh giá, các Bộ, cơ quan theo chức năng nhiệm vụ được giao rà soát kỹ các yếu tố hình thành giá, phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá kỹ tác động đối với kinh tế - xã hội, mặt bằng giá để chủ động có phương án điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét phương án điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt hàng giá thị trường theo đúng quy định với mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.

Đối với công tác điều hành giá mặt hàng quan trọng, thiết yếu khác, các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ động tổ chức theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp, kịp thời, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch, trung thực thông tin về giá. Thực hiện hiệu quả, kịp thời công tác truyền thông, thông tin rộng rãi tới công chúng trước khi điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý để tránh các thông tin không chính xác, gây hoang mang dư luận, thiệt hại cho Nhà nước và người tiêu dùng.

Công khai minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá, các bộ, ngành, địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp tung tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường để ổn định tâm lý người dân, doanh nghiệp, kiểm soát lạm phát kỳ vọng.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các Bộ, cơ quan, địa phương việc thực hiện Công điện này. Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.