Theo đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, góp phần đóng góp vào tăng trưởng GDP cả nước. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.
Mặc dù vậy, vẫn theo số liệu NHNN công bố, tăng trưởng tín dụng các lĩnh vực rủi ro lại tăng mạnh hơn các lĩnh vực ưu tiên.
Tính tới cuối tháng 2/2023, tín dụng đối với ngành nông, lâm, thủy tăng 0,74%, tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng tăng 1,79%, tín dụng đối với ngành thương mại dịch vụ tăng 0,5%.
Đối với các lĩnh vực ưu tiên: Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giảm 0,09%; Dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khoảng 0,73%; Dư nợ tín dụng xuất khẩu (không bao gồm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) tăng 3,15%; Tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 6,08%; Tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 3,31%.
Trong khi đó, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 2,19% (riêng tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 6,45%, phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 0,25%). Đặc biệt, tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng 13,39%, tuy nhiên, dư nợ cho vay chứng khoán chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ tại các ngân hàng thương mại.
Do nhu cầu vốn của doanh nghiệp giảm sút nên thanh khoản hệ thống trong quý I/2023 dư thừa. Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trong quý I/2023 là 12,34 triệu tỷ đồng, bằng 101% tín dụng.
Ngày sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, một số ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động. Cụ thể, ngày 5/5, BacA Bank điều chỉnh giảm 0,2-0,3% lãi suất huy động ở các kỳ hạn trên 5 tháng. Trước đó, ngày 4/5, có 3 ngân hàng giảm lãi suất huy động các kỳ hạn trên 5 tháng gồm: NamA Bank, KienLong Bank và Saigonbank.
Theo đó, NamA Bank giảm lãi suất huy động từ 0,1-0,2% đối với các kỳ hạn; KienLong Bank giảm 0,2%; trong khi Saigonbank giảm từ 0,2-0,4%.
Lãi suất huy động 6 tháng hiện nay cao nhất là ABBank, OCB, VietBank với 8,5%/năm.
Tiến Hoàng