Chủ tịch Saigonbank nói gì về việc không chia cổ tức và góp vốn vào các bên nhưng không hiệu quả?

Ông Vũ Quang Lãm cho biết trong 5 khoản đầu tư vào tổ chức khác của Saigonbank chỉ có hai khoản đầu tư mang lại lợi nhuận, còn lại là không hiệu quả, có khoản phải trích lập rủi ro toàn bộ do mất vốn.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 tổ chức mới đây, Chủ tịch HĐQT Saigonbank Vũ Quang Lãm đã có những chia sẻ chi tiết về nhiều vấn đề quan trọng trong hoạt động của ngân hàng với các cổ đông. 

Tại sao lại chưa chia cổ tức?

Về vấn đề không chia cổ tức năm nay, trong vòng 3 năm gần đây, tình hình hoạt động của ngân hàng đều cải thiện rất rõ, các chỉ số phát triển tín dụng đều tăng và chỉ số đảm bảo an toàn vốn đều đạt theo yêu cầu của NHNN. 

Ông Vũ Quang Lãm - Chủ tịch HĐQT Saigonbank. (Ảnh: Saigonbank).  
Ông Vũ Quang Lãm - Chủ tịch HĐQT Saigonbank. (Ảnh: Saigonbank).  

"Năm nào chúng tôi cũng đề xuất chia cổ tức cho cổ đông nhưng theo yêu cầu của các cấp có thẩm quyền thì phải giữ lại để tăng cường khả năng tài chính, vượt qua đại dịch. Do vậy, cũng như mọi năm, chúng tôi đã đề xuất chia cổ tức năm nay là 5% bằng tiền mặt, đã chuẩn bị bằng tiền để chia cho cổ đông nhưng rất tiếc là trước tình hình dịch, các cấp thẩm quyền vẫn chưa cho phép", ông nói.

Ông cho biết mãi tới sát ngày hôm qua ngân hàng mới nhận được văn bản nên phải điều chỉnh trong tờ trình là cổ đông cho phép HĐQT làm việc với cấp thẩm quyền, báo cáo tình hình tài chính lành mạnh của Saigonbank để được phép chia cổ tức như đề nghị của cổ đông. HĐQT sẽ thông tin tới cổ đông chi tiết về việc này khi có kết quả.

Tuy nhiên, ông cho rằng cổ tức không chia thì vẫn tích lũy nằm đó, trong mục lợi nhuận giữ lại của bảng cân đối kế toán. "Không có chuyện ai dám đụng đến một đồng của ngân hàng", ông nhấn mạnh. 

Chỉ hai khoản đầu tư mang lại lợi nhuận, sẽ thoái vốn khỏi VietCapitalBank trong năm nay

Đối với việc góp vốn 125 tỷ đồng vào các đơn vị, tổ chức khác nhưng không có hiệu quả, Chủ tịch Vũ Quang Lãm cho biết thật ra ngân hàng chỉ có góp vốn vào 4 đơn vị bao gồm CTCP du lịch khách sạn Sài Gòn Hạ Long (18 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Bản Việt (72 tỷ đồng), CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam - Napas (2 tỷ đồng), quỹ bảo lãnh tín dụng (500 triệu đồng), CTCK Saigonbank Berjaya (3,3 tỷ đồng). 

Trong đó, có hai doanh nghiệp cho kết quả hiệu quả chia cổ tức cho ngân hàng là Napas (cổ tức 10%, tương đương 200 triệu đồng) và CTCP du lịch khách sạn Sài Gòn Hạ Long (cổ tức năm 2019 là 6%, tương ứng số tiền là 1,21 tỷ đồng).

Còn ba đơn vị còn lại tương ứng vốn góp 3,3 tỷ đồng. CTCK Saigonbank Berjaya có liên quan đến vụ án bà Huyền Như cách đây 2 năm. Do đó hiện nay không có hiệu quả và thậm chí năm ngoái Saigonbank đã trình ĐHĐCĐ thông qua việc lợi nhuận là phải trích 23 tỷ đồng dự phòng rủi ro cho khoản này vì khả năng mất vốn do người chịu trách nhiệm là bà Huyền Như phải bồi thường cho CTCK Saigonbank Berjaya nhưng bà hiện nay đang ở trong tù, khả năng trả vốn không có.

Thứ hai là Ngân hàng Bản Việt với mức góp 72 tỷ đồng, HĐQT đã trình và được phép làm thủ tục thoái vốn ngay trong năm nay. Ông đánh giá việc thoái vốn khỏi Bản Việt là có hiệu quả nhưng HĐQT phải làm đầy đủ trình tự thủ tục theo quy định pháp luật mới được phép bán.

Sẽ đóng cửa một số chi nhanh không có hiệu quả, chưa có kế hoạch tăng vốn

Tại đại hội, ngân hàng đã trình kế hoạch kinh doanh năm 2021 với mức tăng trưởng tín dụng là 4,5%, lợi nhuận 135 tỷ đồng là lợi nhuận sau khi trích dự phòng rủi ro tín dụng 227 tỷ đồng. 

Chia sẻ thêm về những con số này, Chủ tịch Vũ Quang Lãm cho biết trước đó HĐQT quyết tâm tăng trưởng dự nợ khoảng 10-12%, tuy nhiên NHNN giao cho Saigonbank chỉ tiêu bắt buộc là 4,5%. 

Nhiều khả năng ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng cao hơn, do đó trình đại hội đồng cổ đông uỷ quyền cho HĐQT quyết định điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh để phù hợp với tình hình thực tế.

Cùng với đó, mức kế hoạch lợi nhuận ban đầu của ngân hàng vào khoảng 362 tỷ đồng, tuy nhiên do tình hình chung khiến xu thế phát sinh nợ xấu rất lớn. Do đó, hàng năm đều phải trích lập nợ xấu theo đúng quy định của NHNN. Trong năm 2020, tỷ lệ nợ xấu của Saigonbank đã giảm về 1,41%, dưới ngưỡng NHNN đặt ra.

"Năm nay kế hoạch lợi nhuận rất thận trọng, bởi vì thực chất mà nói thì hiện nay đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp nên kế hoạch của chúng ta phải đặt ở mức thận trọng nhất, bảo đảm hoạt động của ngân hàng ổn định, an toàn, có lợi nhuận", ông nói.

Ban lãnh đạo ngân hàng cũng chia sẻ Saigonbank chưa có kế hoạch tăng vốn trong năm nay, đồng thời đang chuẩn bị đóng cửa 1 số chi nhánh được đánh giá là không có hiệu quả để mở một số chi nhánh có triển vọng, nhưng chỉ là trong nước. 

"Saigonbank không đủ nguồn lực để phát triển thị trường nước ngoài vì còn là ngân hàng nhỏ", ông Lãm cho biết.

Diệp Bình

Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết