Cơ hội xuất khẩu chè sang Ấn Độ cho doanh nghiệp Việt

Ngành sản xuất chè Ấn Độ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề và thách thức. Điều này có thể mang đến cơ hội cho ngành sản xuất và xuất khẩu chè Việt Nam.

Ngành chè Ấn Độ đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong đó bao gồm việc sản lượng ngành chè trong năm 2021 dự kiến giảm 40-45 triệu kg so với năm 2019. Xuất khẩu sụt giảm mạnh do ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19 và nhập khẩu các loại chè giá rẻ gia tăng.

Cụ thể, theo số liệu của Tea Board of India, tổng sản lượng chè của Ấn Độ trong năm 2019 đạt 1390 triệu kg. Trong đó sản lượng chính tập trung ở khu vực Bắc Ấn Độ (bao gồm Assam và Tây Bengal) chiếm gần 84% tổng sản lượng chè trong nước với 1171 triệu kg, trong khi còn lại (218 triệu kg) đến từ các khu vực Nam Ấn Độ. 

Vụ mùa (tính đến tháng 10/2021) sản lượng thu hoạch chè đã giảm gần 40 triệu kg, theo Thư ký Hiệp hội Chè Ấn Độ (ITA). Trong đó, sản lượng thu hoạch ở khu vực Bắc Ấn Độ ước tính thấp hơn khoảng 65 triệu kg, trong khi ở phía Nam Ấn Độ tăng khoảng 25 triệu kg. Vào tháng 11, sản lượng vụ mùa ở phía Bắc Ấn Độ ước tính sẽ thấp hơn khoảng 20-25% so với cùng kỳ năm 2019.

Cơ hội xuất khẩu chè sang Ấn Độ cho doanh nghiệp Việt - Ảnh 1

Bên cạnh đó, hệ quả của hiện trạng trên tại Ấn Độ là hoạt động xuất khẩu suy giảm đang ở mức thấp nhất kể từ trước tới giờ. Nguyên nhân được giới chuyên môn nước này cho biết, là do nhiều nguyên nhân bao gồm chi phí vận chuyển cao hơn, cuộc khủng hoảng thanh toán tại Iran đang chờ giải quyết và các vấn đề liên quan tới sự thiếu hụt container. Theo dữ liệu của Tea Board, xuất khẩu chè trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9 giảm gần 10% xuống 137,97 triệu kg so với 153,27 triệu kg trong năm trước đó. Tuy nhiên, đơn giá xuất khẩu tăng gần 15% lên mức 272,86 Rs/kg (so với mức 237,30 Rs/kg) trong cùng thời gian.

Thêm vào đó, việc tăng nhập khẩu chè giá rẻ từ Việt Nam và Sri Lanka cũng gây tác động tới hoạt động của nhà sản xuất và xuất khẩu chè Ấn Độ. Mặc dù phần lớn chè nhập khẩu là để tái xuất khẩu, nhưng một lượng lớn chè cũng theo đó được hấp thụ vào thị trường nội địa. Nhập khẩu chè từ tháng 1 đến tháng 8/2021 đã tăng 34% lên 16,97 triệu kg so với mức 12,65 triệu kg trong cùng kỳ năm ngoái. Tổng nhập khẩu chè năm 2020 đã tăng 50% ở mức 23,79 triệu kg so với 15,85 triệu kg vào năm 2019. Giá trung bình của các loại chè ở khu vực Bắc Ấn tại tất cả các trung tâm đấu giá đã tăng gần 10% ở mức 188,27 Rs/kg trong năm nay so với mức 171,65 Rs/kg năm ngoái. Giá đã tăng gần 26% so với mức 149,48 Rs/kg trong năm 2019.

Là nước sản xuất chè lớn thứ 2 thế giới nhưng do sản xuất gặp khó khăn, trong khi nhu cầu thị trường vẫn ở mức cao, nên Ấn Độ vẫn tăng mạnh nhập khẩu chè để tiêu thụ và tái xuất khẩu. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp chè Việt Nam đẩy mạnh sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Giới chuyên môn cũng dự báo xuất khẩu hàng Việt sang Ấn Độ sẽ có những bước tiến lớn trong năm 2022 khi hàng hóa của chúng ta đang được ưa chuộng bởi người dân nước này bởi chất lượng và vị trí địa lý cùng ở 1 châu lục.

Bảo An