Chốt lãi khi cổ phiếu SAB tiếp cận ngưỡng giá 200
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu SAB của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn đang trong quá trình hình thành mô hình 2 đáy tại ngưỡng 173. Thanh khoản cổ phiếu nằm trên ngưỡng giao dịch trung bình 20 phiên, đồng thuận với nhịp tăng giá cổ phiếu.
Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều ủng hộ xu hướng tăng giá cổ phiếu. Đường giá cổ phiếu sắp lên dải mây Ichimoku báo hiệu xu hướng tăng giá trung hạn sắp hình thành.
Nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế quanh ngưỡng giá 180 và chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng giá 200. Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ 173.0.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu GDT
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2021 hiện tại của BVSC cho CTCP Chế biến Gỗ Đức Thành (GDT) lần lượt là 523,7 tỷ (tăng trưởng 30,8% so với năm ngoái) và 112,4 tỷ (tăng trưởng 40,4%).
Với các đơn đặt hàng mới mạnh hơn dự kiến và triển vọng lợi nhuận tài chính ròng lạc quan hơn, chúng tôi sẽ xem xét lại dự báo kết quả kinh doanh năm 2021 đối với GDT sau khi Công ty công bố Báo cáo tài chính quý 1/2021.
Chúng tôi ưa thích GDT nhờ giữa triển vọng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế lạc quan giai đoạn 2021-23, định giá rẻ, khả năng sinh lời cao bền vững, tình hình tài chính lành mạnh, chính sách cổ tức tiền mặt hấp dẫn và ban lãnh đạo tâm huyết.
BVSC dự báo GDT sẽ duy trì tỷ lệ chi trả cổ tức ở mức cao. Cổ tức tiền mặt giai đoạn 2021-23 có thể đạt 6.000-8.000 đồng/CP. Suất cổ tức rất hấp dẫn ở mức 10,9-14,6% so với giá hiện tại.
Đồng thời, duy trì khuyến nghị OUTPERFORM và giá mục tiêu 74.951 đồng/cp (Upside: 40,4%).
Không kỳ vọng LAS chia cổ tức cho năm 2020
CTCK Bản Việt (VCSC)
CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (HNX: LAS) là một trong những nhà sản xuất phân lân và NPK hàng đầu Việt Nam - đặc biệt là ở thị trường miền Bắc và miền Trung.
NPK là phân khúc sản phẩm lớn nhất của công ty (đóng góp 72,2% doanh thu thuần năm 2020), tiếp theo là phân lân (25,2%), axit sunfuric (0,5%) và các loại khác (2,1%).
Năm 2020, LAS thay đổi ban lãnh đạo đồng thời tiến hành tái cơ cấu toàn diện. Nhờ vậy, lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số (trước khi điều chỉnh cho đóng góp quỹ khen thưởng & phúc lợi) tăng 234% YoY lên 8,1 tỷ đồng từ mức rất thấp trong năm 2019 bất chấp tác động tiêu cực của dịch COVID19 và thời tiết không thuận lợi đối với doanh thu của công ty.
Ban lãnh đạo ước tính lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 10 tỷ đồng trong quý 1/2021 (+99% YoY). Do quý 1 và quý 4 thường là mùa cao điểm của LAS, kết quả kinh doanh này cho thấy triển vọng cải thiện trong năm 2021, vốn được hỗ trợ bởi sự phục hồi của thị trường phân bón và hoạt động tái cơ cấu của công ty.
LAS đang giao dịch với P/E trượt là 112,4 lần - cao hơn 179% so với mức trung bình của một số công ty cùng ngành. Chúng tôi cho rằng mức P/E trượt cao này phản ánh mức lợi nhuận thấp nhất của LAS vào năm 2020 và kỳ vọng về sự phục hồi mạnh mẽ trong hoạt động kinh doanh của công ty.
LAS vẫn chưa đưa ra kế hoạch cổ tức cho năm 2020. Chúng tôi không kỳ vọng công ty sẽ chia cổ tức cho năm 2020 do lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2020 khá thấp của công ty.
Yếu tố hỗ trợ: Việc điều chỉnh thuế GTGT có khả năng được thông qua vào năm 2021.
Rủi ro: Dịch COVID-19 tái bùng phát ở Việt Nam có thể làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của LAS.
N.T
Theo Đầu tư Chứng khoán