Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), 7 tháng đầu năm, TTĐN của EVN là 6,4%, thấp hơn kế hoạch năm là 0,1%, thấp hơn 0,22% so với cùng kỳ năm 2019.
Từ Tập đoàn xuống các Tổng công ty, đã tiếp tục chỉ đạo sát sao trong công tác giảm TTĐN. Trong đó, Tập đoàn đã thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, các trung tâm điều độ hệ thống điện miền phối hợp chặt chẽ các đơn vị nguồn điện, truyền tải và phân phối điện trong công tác vận hành, sửa chữa để duy trì cấp điện an toàn, liên tục và giảm TTĐN.
Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, 5 Tổng công ty Điện lực đã phối hợp vận hành kinh tế hệ thống điện, đảm bảo điện áp, ngăn ngừa sự cố, duy trì phương thức vận hành tối ưu.
Trong công tác kinh doanh, các đơn vị tiếp tục thực hiện quản lý, phân tích TTĐN các trạm biến áp và các đường dây, đưa ra các biện pháp giảm TTĐN hợp lý cho từng khu vực. Thực hiện nghiêm quy định kiểm tra định kỳ, thay thế công tơ, TU, TI hư hỏng/không phù hợp với các giá trị sơ cấp. Phối hợp với chính quyền, Sở Công Thương và các cơ quan chức năng địa phương trong kiểm tra xử lý vi phạm sử dụng điện và truy thu điện năng.
Trong công tác đầu tư xây dựng lưới điện, Tập đoàn đảm bảo tiến độ các công trình đầu tư xây dựng cơ bản, sửa chữa lớn, tiếp tục thực hiện lắp đặt vận hành máy biến áp tổn hao thấp (máy biến áp Amophous); iếp tục đầu tư lắp đặt tụ bù/kháng bù, thiết bị đóng để vận hành hiệu quả, giảm thiểu truyền tải công suất phản kháng trên lưới.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo giảm TTĐN Tập đoàn, trong các tháng đầu năm 2020, lưới điện truyền tải vẫn còn đường dây, máy biến áp thường xuyên tải cao trên 80% và quá tải ngắn hạn. Việc quản lý và đề ra giải pháp giảm TTĐN lưới điện truyền tải của EVNNPT và các công ty truyền tải điện các năm gần đây còn bị động, tính toán xây dựng kế hoạch giảm TTĐN chưa sát thực tế.
Đối với lưới điện phân phối, vẫn còn TBA, đường dây vận hành đầy tải; đường dây trung hạ áp dài thiếu thiết bị phân đoạn lưới điện,... Nhiều khu vực đường dây trung áp kéo dài, cũ, quá tải, không có hỗ trợ mạch vòng, mỗi lần công tác phải cắt điện phạm vi rộng.
Ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng Giám đốc EVN cho rằng, thực tế vẫn còn dư địa để giảm TTĐN, thông qua quản lý công tơ đo đếm, qua công tác đầu tư xây dựng để giảm quá tải, đầy tải lưới điện, công tác quản lý vận hành, điều chỉnh điện áp,…
Theo ông Ngô Sơn Hải, khó khăn nhất trong giảm TTĐN từ nay đến cuối năm và các năm sau là lưới điện 500kV tiếp tục truyền tải cao Bắc – Trung và Trung - Nam. Do đó, EVNNPT cần xây dựng kế hoạch cụ thể của từng năm bám sát tình hình thực tế.
Theo Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân, trong 5 năm qua, Tập đoàn đã giảm TTĐN từ 7,94% (năm 2015) xuống còn 6,49% (năm 2019). Mục tiêu trong 5 năm tiếp theo (tức đến năm 2025), Tập đoàn đặt mục tiêu TTĐN chỉ còn 6%. Lãnh đạo Tập đoàn yêu cầu 5 Tổng công ty Điện lực đưa ra giải pháp để đạt được mục tiêu này. Riêng EVNNPT cần tính toán hệ thống trào lưu truyền tải điện, để đưa ra kế hoạch vận hành và TTĐN từng năm, vì TTĐN trên lưới điện truyền tải chủ yếu là tổn thất kỹ thuật.
Huy Đức - Lê Tùng