Chương trình có sự tham dự của đông đảo lãnh đạo trung ương và địa phương. Tại điểm cầu Hà Tĩnh, tham dự sự kiện có ông Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; ông Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh Hà Tĩnh. Tại điểm cầu Nghệ An, chương trình vinh dự đón tiếp ông Nguyễn Đức Trung, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, cùng nhiều đại biểu cấp cao khác. Sự kiện quy tụ không chỉ các nhà quản lý văn hóa mà còn các nghệ sĩ, nghệ nhân, và đông đảo người dân yêu mến dân ca Ví, Giặm.
Phát biểu khai mạc, ông Lê Ngọc Châu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, khẳng định dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là dòng sữa ngọt nuôi dưỡng tinh thần của bao thế hệ, góp phần hình thành tâm hồn và cốt cách của người dân vùng đất Nghệ - Tĩnh. Từ di sản này, các danh nhân văn hóa kiệt xuất như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Hồ Chí Minh, Xuân Diệu đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử văn hóa dân tộc. Ngày 27/11/2014, tại Paris, Pháp, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trở thành niềm tự hào không chỉ của nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh mà còn của cả dân tộc Việt Nam. Từ đó, Ví, Giặm đã vượt ra khỏi không gian văn hóa của vùng Nghệ Tĩnh, lan tỏa tới các cộng đồng người Việt ở nhiều quốc gia trên thế giới như Lào, Thái Lan, Nhật Bản và các nước Đông Âu.
Trong 10 năm qua, chính quyền và nhân dân hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Các liên hoan dân ca từ cấp huyện đến cấp tỉnh được tổ chức định kỳ; hàng loạt câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm được thành lập và phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, dân ca Ví, Giặm được đưa vào giảng dạy trong trường học, tạo nền tảng vững chắc cho thế hệ trẻ tiếp nối và gìn giữ di sản quý báu này. Nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ đã được vinh danh và tri ân vì những đóng góp không ngừng nghỉ trong việc gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật độc đáo này.
Chương trình nghệ thuật Đôi bờ Ví Giặm được thực hiện dưới hình thức cầu truyền hình trực tiếp từ hai điểm cầu Hà Tĩnh và Nghệ An, với sự phối hợp giữa Đài PT-TH Hà Tĩnh (HTTV) và Đài PT-TH Nghệ An (NTV). Chương trình được phát sóng trên nhiều kênh truyền hình trong nước và các nền tảng số, tạo cơ hội để đông đảo công chúng thưởng thức. Chương trình gồm ba phần chính: Trầm tích xứ Nghệ, hành trình di sản và để mạch nguồn chảy mãi. Mỗi phần là một lát cắt nghệ thuật đặc sắc, được dẫn dắt bởi những phóng sự ngắn và các tiết mục biểu diễn của các nghệ nhân, nghệ sĩ nổi tiếng đến từ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An, cùng các ca sĩ như Đinh Thành Lê, Bùi Lê Mận, Thanh Tài và Thu Hà.
Phần đầu tiên, Trầm tích xứ Nghệ, khắc họa truyền thống văn hóa, lịch sử và con người vùng đất Nghệ Tĩnh, với điểm nhấn là các không gian diễn xướng dân ca như Đêm trăng hò hẹn và Gửi tình ta vào đất. Phần hai, Hành trình di sản, tập trung vào hành trình 10 năm Ví, Giặm được UNESCO vinh danh, phản ánh nỗ lực bảo tồn và phát huy di sản của các thế hệ nghệ nhân, những người đã không ngừng trao truyền giá trị dân ca cho lớp trẻ. Phần cuối cùng, Để mạch nguồn chảy mãi, hướng đến tương lai, với các tiết mục nêu bật ý chí đoàn kết và tinh thần trách nhiệm của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh trong việc tiếp tục bảo tồn và phát huy Ví, Giặm, biến di sản này thành động lực phát triển văn hóa, du lịch của vùng.
Chương trình nghệ thuật Đôi bờ Ví, Giặm không chỉ là dịp để tri ân di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh mà còn là lời khẳng định mạnh mẽ về giá trị bền vững của loại hình nghệ thuật này trong đời sống văn hóa đương đại. Những nỗ lực bảo tồn và phát triển di sản của hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An chắc chắn sẽ góp phần làm cho mạch nguồn Ví, Giặm chảy mãi, đồng hành cùng sự phát triển của quê hương trong bối cảnh mới.
Diễm Phước