Trên bản đồ chè Việt Nam, Thái Nguyên từ lâu đã được xem là thủ phủ, nơi hội tụ tinh hoa của đất trời để làm nên những búp trà mang hương vị đặc trưng. Trong đó, huyện Đại Từ vùng đất hữu tình nằm dưới chân dãy Tam Đảo đang vươn lên mạnh mẽ, không chỉ với tư cách là vùng nguyên liệu chè trọng điểm mà còn mang trong mình một khát vọng lớn: trở thành trung tâm sản xuất chè chất lượng cao và điểm đến du lịch đặc sắc, góp phần tạo nên ngành công nghiệp chè tỷ đô.
Đại Từ huy động toàn hệ sinh thái cùng xây dựng chuỗi giá trị chè hoàn chỉnh, bền vững nhằm hiện thực hóa khát vọng “tỷ đô”.
Từ tiềm năng sẵn có đến tầm nhìn chiến lược
Hiếm có nơi nào như Đại Từ nơi khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, độ cao thích hợp và nguồn nước sạch hội tụ đầy đủ các điều kiện tự nhiên lý tưởng để phát triển cây chè. Tính đến hết năm 2024, diện tích chè toàn huyện đã vượt mốc 6.600ha, trong đó có hơn 5.300ha là giống chè lai chất lượng cao. Hơn 1.900ha đã đạt chuẩn VietGAP hoặc sản xuất hữu cơ, sản lượng chè búp tươi lên tới 81.300 tấn mỗi năm, mang lại giá trị khoảng 2.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, như nhiều vùng chè truyền thống khác, Đại Từ vẫn đang đối mặt với những thách thức như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, liên kết chuỗi chưa chặt chẽ, sản phẩm còn nghèo nàn về chủng loại và thiếu hàm lượng công nghệ. Chính vì thế, cuối tháng 3-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/HU với tầm nhìn chiến lược: đưa chè Đại Từ từ nông sản truyền thống lên vị thế của một sản phẩm quốc tế, được định danh bằng công nghệ, du lịch và bản sắc văn hóa.
Hệ sinh thái chè trong thời đại chuyển đổi số
Nghị quyết số 15 không chỉ xác lập mục tiêu rõ ràng như nâng tổng giá trị ngành chè lên 6.500 tỷ đồng, diện tích đạt tiêu chuẩn GAP hoặc hữu cơ lên 70%, hay tăng sản lượng búp tươi lên 90.000 tấn/năm mà còn vạch ra một lộ trình cụ thể để hiện thực hóa điều đó bằng khoa học công nghệ và kinh tế số.
100% doanh nghiệp, hợp tác xã trong ngành chè Đại Từ sẽ được hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, từ giám sát chăm sóc cây trồng, thu hái, chế biến đến truy xuất nguồn gốc và phân phối sản phẩm. Đặc biệt, việc cấp mã số vùng trồng cho 70% diện tích sẽ là "giấy thông hành" để chè Đại Từ tự tin tiến vào các thị trường khó tính như EU, Mỹ hay Nhật Bản. Đây là bước chuyển đổi từ mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống sang mô hình nông nghiệp thông minh, xanh và bền vững.
Du lịch trà, “chìa khóa vàng” nâng tầm giá trị chè Đại Từ
Không chỉ sản xuất, Đại Từ còn xác định du lịch chè là hướng đi chiến lược để gia tăng giá trị toàn diện. Bốn vùng chè du lịch trọng điểm gồm La Bằng, Hoàng Nông, Phú Xuyên và Tân Linh, với tổng diện tích 230ha, sẽ được quy hoạch thành không gian trải nghiệm xanh mát và đầy cảm hứng. Du khách không chỉ được thưởng thức trà tại chỗ mà còn được tham gia các tour “từ nông trại đến tách trà”, tìm hiểu quy trình sản xuất, hái chè cùng người dân, hay thưởng ẩm thực bản địa trong các homestay, farmstay đầy bản sắc.
Mỗi nương chè sẽ là một “sân khấu sống” kể câu chuyện về con người, đất đai và văn hóa trà Việt. Đặc biệt, những cây chè cổ thụ tại La Bằng, Minh Tiến sẽ được đề xuất là “Cây di sản Việt Nam” một biểu tượng sống động cho lịch sử lâu đời và bền bỉ của cây chè nơi đây. Đồng thời, “Lễ hội trà Đại Từ” sẽ được tổ chức định kỳ, vừa là sân chơi văn hóa, vừa là chiến lược quảng bá hình ảnh mạnh mẽ đến du khách trong và ngoài nước.
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý của Nghị quyết là mục tiêu có ít nhất 30 sản phẩm trà OCOP, trong đó 1 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao mức đánh giá cao nhất về chất lượng và khả năng thương mại. Đại Từ không chỉ dừng lại ở trà xanh truyền thống mà hướng đến đa dạng hóa sản phẩm: trà thảo mộc, trà phối vị, trà túi lọc cao cấp, thậm chí các sản phẩm chế biến sâu như mỹ phẩm từ chè hay đồ uống đóng chai nơi mà giá trị gia tăng không chỉ nằm ở nguyên liệu mà còn ở sáng tạo và trải nghiệm người dùng.
Hợp lực – Chìa khóa để chè “vươn xa”
Để hiện thực hóa khát vọng “tỷ đô”, Đại Từ hiểu rằng: cây chè không thể đi xa nếu thiếu sự đồng hành của cả hệ sinh thái. Vì vậy, chính quyền địa phương đang tập trung phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân. Hỗ trợ chính sách, đào tạo nhân lực, mở rộng liên kết vùng tất cả đều hướng đến mục tiêu tạo dựng một chuỗi giá trị chè hoàn chỉnh, hiệu quả và bền vững.
Như lời đồng chí Nguyễn Mạnh Hoạt, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đại Từ: “Nghị quyết số 15 là bước đệm để Đại Từ trở thành trung tâm sản xuất chè chất lượng cao và điểm đến du lịch hấp dẫn. Thương hiệu chè Đại Từ không chỉ nổi tiếng trong nước mà sẽ vươn tầm quốc tế, góp phần đưa chè thành cây ‘tỷ đô’ của Thái Nguyên.”
Từ nụ mầm nhỏ bé ươm mình trong sương sớm, đến những dòng trà xanh mát lành quyện hồn đất trời, cây chè đã, đang và sẽ tiếp tục viết nên câu chuyện phát triển bền vững cho vùng đất Đại Từ. Không chỉ là một sản phẩm nông nghiệp, chè Đại Từ đang trở thành biểu tượng mới của sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc và hội nhập vững vàng trên hành trình chinh phục thế giới.