Cho đến vài năm trở lại đây, món quà quê dân dã ấy bắt đầu quay lại, trở thành đặc sản của Phú Thọ bên cạnh thịt chua, rau sắn, cá thính, cọ ỏm, trám kho cá… Bánh sắn ngày nay không còn là loại nhân “đũa” ngày trước mà có hai loại mặn và ngọt, cho người tiêu dùng có sự lựa chọn tùy theo sở thích. Hộ kinh doanh của chị Hà Thị Thanh Bình ở thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê đã phát triển thành công sản phẩm bánh sắn Sơn Bình nhân chay và nhân thịt. Sản phẩm giữ được hương vị truyền thống của quê hương, giúp thương hiệu đứng vững trong lòng khách hàng, nâng tầm thành sản phẩm OCOP 3 sao. Với xưởng sản xuất gần 100m2, chị Bình đầu tư thêm máy trộn, máy hút chân không, mỗi khi khách đặt hàng đông, chị còn thuê thêm các gia đình trong khu cùng sản xuất nhằm đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng.
Chị Hà Thị Thanh Bình, chia sẻ: Trước kia gia đình còn nhiều khó khăn nên thường hay làm bánh sắn ăn thay cơm, sau này kinh tế phát triển nên tôi quyết định làm các loại bánh sắn nhân chay và nhân thịt để bán. Bánh sắn nhân chay thường được làm từ các loại nguyên liệu như đỗ xanh dừa, nhân đậu đen, đậu đỏ, nhân chuối hoặc nhân lạc vừng,...
Đặc biệt, bánh sắn nhân thịt thì cầu kỳ hơn, có thể biến tấu từ nhiều nguyên liệu khác như thịt lợn với đậu xanh, nhân thịt băm và mộc nhĩ. Mỗi kiểu nhân sẽ mang lại hương vị khác nhau cho món ăn nhưng phổ biến và được yêu thích nhất vẫn là bánh sắn nhân thịt băm mộc nhĩ. Bánh sau khi làm nếu khách ăn tại chỗ sẽ được hấp chín, còn bánh sống sẽ được đóng 6 chiếc/hộp, hút chân không để tiện cho việc bảo quản và vận chuyển đi xa.
Hiện nay, giá của bánh sắn là 5.000 đồng/chiếc. Cơ sở của chị sản xuất quanh năm, nhưng thường tiêu thụ mạnh nhất từ tháng 8 âm lịch đến hết tháng 4 âm lịch năm sau, lúc này nguồn nguyên liệu dồi dào cũng như là mùa cao điểm người dân tổ chức cưới hỏi, lễ hội. Cao điểm trung bình mỗi ngày cơ sở của chị cung cấp cho thị trường khoảng 6.000 chiếc, không chỉ bán tại chỗ mà đã có mặt ở thị trường nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Yên Bái, Lào Cai...
Năm 2023, UBND huyện Cẩm Khê đã giao cho các cơ quan chuyên môn hỗ trợ hướng dẫn xây dựng và hoàn thiện hồ sơ và đã công nhận sản phẩm bánh sắn Sơn Bình - Nhân Chay và bánh sắn Sơn Bình - Nhân Thịt là sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, góp phần đa dạng hóa sản xuất ở khu vực nông thôn, giúp bà con nơi đây có thêm nguồn thu nhập. Đồng thời thu hút thêm các hộ cùng làm nghề phát triển, đưa sản phẩm bánh sắn là sản phẩm có tính chất đặc thù của địa phương
Cùng với đó, một trong những vùng đất có truyền thống và hiện có tới hàng chục hộ đang hành nghề làm bánh sắn, mỗi tháng cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh vài chục nghìn chiếc bánh sắn là xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa. Chị Lăng Thị Minh Tú, chủ cơ sở sản xuất bánh sắn ở xã Hiền Lương chia sẻ: Khoảng bốn, năm năm trở lại đây, nhiều người khi về viếng thăm đền Mẫu thường hay hỏi và muốn mua bánh sắn để làm quà. Vốn gia đình tôi có nghề làm bánh sắn nên tôi quyết định làm các loại bánh sắn nhân mặn và ngọt để bán.
Ngoài ra, chị Tú chia sẻ thêm, bánh sắn nhân ngọt thường được làm từ các loại nguyên liệu như đỗ xanh dừa, nhân đậu đen, đậu đỏ, nhân chuối hoặc nhân lạc vừng,… Còn bánh sắn nhân mặn thì cầu kỳ hơn, có thể biến tấu từ nhiều nguyên liệu khác như thịt lợn với đậu xanh, nhân thịt băm và mộc nhĩ. Mỗi kiểu nhân sẽ mang lại hương vị khác nhau cho món ăn nhưng phổ biến và được yêu thích nhất vẫn là bánh sắn nhân thịt băm mộc nhĩ. Bánh sau khi làm nếu khách ăn tại chỗ sẽ được hấp chín còn bánh sống sẽ được đóng 20 chiếc/hộp, hút chân không để tiện cho việc bảo quản và vận chuyển đi xa. Giá của bánh sắn nhân ngọt là 2.000 đồng/chiếc; nhân mặn là 5.000 đồng/chiếc.
Nhận thấy đây là một sản phẩm đặc trưng riêng của vùng đất Hiền Lương, còn rất nhiều tiềm năng để mở rộng sản xuất, nguồn nguyên liệu dồi dào và sẵn có ngay tại địa phương, UBND huyện Hạ Hòa đã giao cho các cơ quan chuyên môn hỗ trợ cơ sở Chiến Tú thành lập HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Chiến Tú, hướng dẫn họ xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận bánh sắn là sản phẩm OCOP. Đồng thời thu hút thêm các hộ cùng làm nghề để thuận tiện trong quản lý, sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Văn Thanh Quân, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Hạ Hòa, cho biết: So với các sản phẩm OCOP khác như chè, trái cây… thì sản phẩm bánh sắn là sản phẩm có tính chất đặc thù của địa phương; nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào; cơ hội mở rộng thị trường rất lớn. Xây dựng thành công OCOP cho bánh sắn góp phần đa dạng hóa sản xuất ở khu vực nông thôn, giúp bà con có thêm nguồn thu nhập, góp phần xây dựng thành công xã Nông thôn mới nâng cao.
PHI LONG