Dựa theo các chỉ báo tâm lý và kỹ thuật, KTDU xin trích lược lại nhận định của một số công ty chứng khoán trong ngày 23/7.
Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC)
Theo quan điểm của BVSC, sau khi xuyên thủng xuống dưới vùng hỗ trợ quanh mốc 860 vào phiên giao dịch 22/7, nhiều khả năng VnIndex sẽ tiếp chịu áp lực giảm điểm về vùng hỗ trợ quanh mức 825-830.
Trong giai đoạn này, VnIndex được dự đoán sẽ chịu ảnh hưởng bởi yếu tố liên quan đến kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp – vốn được cho là chịu ảnh hưởng tương đối tiêu cực do tác động của dịch Covid-19.
Ngoài ra, việc tái cơ cấu các danh mục của các quỹ ETFs tracking theo các chỉ số như Vn30, VnDiamond và VnFinLead cũng có thể sẽ tạo ra những biến động khó lường trên thị trường.
Chiến lược đầu tư được BVSC đưa ra: Duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 25-50% cổ phiếu. Ưu tiên nắm giữ các vị thế trung, dài hạn; Đối với các vị thế ngắn hạn, nhà đầu tư có thể xem xét mở các vị thế mua tại các vùng hỗ trợ chúng tôi đề cập.
Công ty chứng khoán MB (MBS)
Thị trường giảm qua vùng hỗ trợ 860 điểm chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu VN30 dưới áp lực bán từ khối ngoại. Nhìn chung, chứng khoán toàn cầu cũng đang bước vào phạm vi khó lường khi một loạt các tài sản khác đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư như: Vàng.
Về kỹ thuật, chỉ số VNIndex đã đánh mất ngưỡng hỗ trợ MA50 và đóng cửa thấp hơn vùng tích lũy vừa qua, nhà đầu tư nên chú ý diễn biến của thị trường ở vùng hỗ trợ 840 - 850 điểm.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
VN-Index lùi bước dưới mức 860 điểm và dừng chân ở vùng 855 điểm. Mặc dù đang được hỗ trợ tại vùng 855 điểm nhưng thị trường đang chuyển động theo hướng tiêu cực sau giai đoạn thăm dò xu hướng ở vùng 860-878 điểm.
Do vậy, theo VDSC, nhà đầu tư nên thận trọng và đưa tỷ trọng danh mục về mức an toàn cho đến khi thị trường có tín hiệu hỗ trợ đủ mạnh hoặc đạt vùng hỗ trợ tốt.
Công ty Chứng khoán BIDV (BSC)
VNIndex chủ yếu giằng co trong phần lớn thời gian giao dịch vào phiên sáng (22/7) với dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, sang phiên chiều (22/7), áp lực bán tăng cao đã đẩy chỉ số mất điểm nhưng vẫn chưa xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 855. Dòng tiền đầu tư giảm mạnh so với phiên hôm trước khi không có nhóm ngành nào tăng điểm.
Trong khi đó, khối ngoại tiếp tục bán ròng trên cả 2 sàn HSX và HNX. Thanh khoản thị trường không chênh lệch nhiều so với phiên hôm trước, độ rộng thị trường ở trạng thái tiêu cực cho thấy lực cầu tại khu vực hiện tại là không cao.
Theo BSC, nếu không thể giữ được vùng hỗ trợ trong những phiên tới, VNIndex nhiều khả năng sẽ trở lại khu vực xung quanh 840 điểm.
Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS)
Thị trường điều chỉnh trở lại trong phiên ngày 22/7 với thanh khoản vẫn ở mức thấp hơn trung bình 20 phiên, nhưng chỉ số VN-Index đã đánh mất ngưỡng hỗ trợ quan trọng quanh 860 điểm (MA20, 50) khiến cho tín hiệu kỹ thuật của VN-Index trở nên xấu đi. Sóng 5 của chu kỳ tăng từ quanh ngưỡng 650 điểm có lẽ đã kết thúc để bước vào chu kỳ điều chỉnh mới với các sóng a-b-c.
Khối ngoại tiếp tục duy trì đà bán ròng với khoảng gần 155 tỷ đồng trên hai sàn tiếp tục là điểm tiêu cực trong bối cảnh vốn đã ảm đạm.
Bên cạnh đó, trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 8 giảm mạnh hơn so với chỉ số cơ sở VN30, qua đó chuyển từ basis dương sang basis âm 5,85 điểm, cho thấy nhà đầu tư phái sinh đang tiêu cực về xu hướng ngắn hạn của thị trường.
SHS dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 23/7, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm điểm với ngưỡng hỗ trợ tâm lý gần nhất quanh ngưỡng 850 điểm. Nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu nên quan sát thị trường và có thể canh những nhịp hồi phục trong phiên để giảm dần tỷ trọng.
Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư cầm tiền mặt nên tiếp tục đứng ngoài thị trường và chưa nên vội giải ngân ở thời điểm hiện tại do thị trường có thể đang nằm trong sóng điều chỉnh a-b-c.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải.
Tạ Thành