Tại Tọa đàm “Nâng cao chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu - gắn kết hiệu quả với hệ thống Logistics’’ do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) phối hợp tổ chức ngày 23/6 tại TP.HCM, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp và các chuyên gia đã trao đổi và chia sẻ những đánh giá và giải pháp thúc đẩy sự gắn kết của hệ thống logistics với ngành hàng nông sản nói chung và nông sản xuất khẩu nói riêng, nhằm góp phần nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt Nam để thích ứng trước xu thế phát triển mới trong nước và quốc tế.
Theo đánh giá của các chuyên gia, những năm gần đây, logistics Việt Nam đã có sự đầu tư và phát triển, tăng trưởng hàng năm từ 14-16%, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, với giá trị 40-42 tỷ USD/năm. Logistics phát triển đã góp phần khắc phục hạn chế của ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản và giảm đáng kể tổn thất sau thu hoạch so với trước đây. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, logistics phục vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản của Việt Nam do mới phát triển nên còn nhiều hạn chế, nhất là so với yêu cầu của một nước sản xuất nông sản hàng đầu, khối lượng nông sản tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đều lớn như ở nước ta.
Thống kê từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, hiện nay 95% số doanh nghiệp logistics đang hoạt động là doanh nghiệp trong nước. Số lượng doanh nghiệp nhiều song chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế. Các doanh nghiệp dịch vụ logistics cũng chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Do vậy, ở cả chiều mua và bán doanh nghiệp logistics trong nước đang đứng trước nhiều hạn chế về sân chơi. Đây cũng là thực tế của các doanh nghiệp logistics trong nông nghiệp.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Chủ tịch danh dự Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) cho biết: Hệ thống logistics với một số yếu tố về thể chế chính sách, cơ sở hạ tầng, năng lực doanh nghiệp logistics đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chuỗi giá trị hàng nông sản, đặc biệt là nông sản xuất khẩu.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, yêu cầu cấp thiết cần đạt những tiêu chuẩn quốc tế như ISO-HACCP-BRC-Global G.A.P. nhằm đáp ứng hàng rào kỹ thuật ngày càng nghiêm ngặt của các thị trường xuất khẩu quan trọng trên thế giới chính là động lực có ý nghĩa thúc đẩy sự gắn kết chặt chẽ giữa hệ thống logistics với lĩnh vực xuất khẩu nông sản nhằm nâng cao hiệu quả đối với khâu thu hoạch, vận chuyển, bảo quản sau thu hoạch qua đó góp phần quan trọng gia tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường khu vực và quốc tế hướng tới nâng cao chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch VINAFRUIT - cho biết mặc dù rau quả Việt Nam có sản lượng lớn, hơn 34,7 triệu tấn (trong đó, rau các loại hơn 16,1 triệu tấn; quả các loại 18,6 triệu tấn) nhưng tỉ lệ sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thấp, nhiều loại sản phẩm sản xuất chưa đáp ứng đúng nhu cầu thị trường. Hạ tầng cơ sở vừa thiếu vừa không thích hợp, tổn thất sau thu hoạch rất cao, khoảng 30-35%.
Là một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sử dụng phương tiện đường hàng không ngay từ đầu, ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty T&T Vina, cho rằng logistics chiếm hơn 30% doanh thu của doanh nghiệp, đó là chưa kể các chi phí nhập trái cây, chiếu xạ… Vì thế, doanh nghiệp còn lời rất ít.
Ông Tùng dẫn thực trạng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản phụ thuộc hãng hàng không nước ngoài, giá cả nâng hạ tùy phía các hãng. Còn vận chuyển đường sắt, đường bộ, đường thủy… trái cây rất dễ bị hư hỏng, sức cạnh tranh đã thấp lại càng thấp hơn.
Bên cạnh đó, bà Lê Thị Thanh Thảo, Đại diện quốc gia Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) thông tin: Trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn và chất lượng chuỗi cung ứng xoài đồng bằng sông Cửu Long” do UNIDO phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện, thời gian qua đã có nhiều hoạt động hỗ trợ nâng cao hạ tầng chất lượng, xây dựng phần mềm đăng ký mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói, hệ thống truy xuất nguồn gốc, các bộ tài liệu Quy trình thao tác chuẩn trong toàn chuỗi và áp dụng tại một số mô hình xuất khẩu để duy trì chất lượng, tăng thời gian bảo quản, giá trị xoài với hơn 1500 tấn xoài đã được xuất khẩu sang các thị trường như Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ…. Dự án cũng phối hợp với Hiệp hội Rau quả cũng như các cơ quan liên quan thuộc các tỉnh trong vùng dự án tại ĐBSCL tổ chức nhiều buổi đào tạo, tập huấn hội thảo cho các thành viên trong chuỗi.
Tuy nhiên, với thách thức về cạnh tranh trong khu vực, quốc tế ngày càng gay gắt, biến đổi khí hậu và tình hình chính trị thế giới có nhiều biến động, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải cố gắng rất lớn, nhất là bảo đảm sự tăng trưởng xuất khẩu hàng nông sản- một mặt hàng đòi hỏi sự quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hơn các hàng hóa tiêu dùng thông thường khác, trong đó vai trò của các doanh nghiệp xuất khẩu phải được kết nối chặt chẽ hơn với hệ thống logistics được coi không chỉ là cầu nối, mà còn phải được xem như đòn bẩy để thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt.
Tiến Hoàng