Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn

OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025; xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Vừa qua, Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 919/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Theo đó, xác định thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, gia tăng giá trị sản xuất, thời gian qua huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp và đã một số kết quả bước đầu.

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, trong những năm qua, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) đã chủ động phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn người dân tham gia chương trình, tăng cường mở các lớp tập huấn xây dựng các sản phẩm OCOP; tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm đã được công nhận. Cùng với đó, lồng ghép các chương trình dự án chính sách nhằm hỗ trợ các chủ thể sản xuất phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của địa phương và xây dựng ý tưởng sản phẩm, phương án sản xuất kinh doanh.

Lạc nhân của Hợp tác xã nông, lâm nghiệp Thổ Bình được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao
Lạc nhân của Hợp tác xã nông, lâm nghiệp Thổ Bình được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Từ việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, toàn huyện đã có 19 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó 3 sản phẩm chất lượng 4 sao, 16 sản phẩm chất lượng 3 sao, tập trung chủ yếu vào các sản phẩm là đặc sản của địa phương. Thông qua chương trình đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân và thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; góp phần thúc đẩy chất lượng, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của địa phương đến người tiêu dùng gắn với phát triển du lịch trên địa bàn.

Hợp tác xã nông, lâm nghiệp xã Thổ Bình hiện có 4 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao gồm lạc nhân, lạc củ, dê núi và sản phẩm dầu lạc đạt tiêu chuẩn 4 sao.

Ông Ma Văn Thành, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Để duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm, Hợp tác xã không chỉ chủ động liên kết với bà con nông dân thực hiện sản xuất theo hướng sạch, an toàn, mà còn kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị, nhà hàng, hay sử dụng các sàn giao dịch điện tử để quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm đến với người tiêu dùng. Hiện nay, các sản phẩm OCOP của HTX đã có mặt ở nhiều nơi trên thị trường và tại các hộ làm dịch vụ du lịch Homestay trên địa bàn huyện, được khách hàng đánh giá cao.

Được biết, năm 2022 huyện Lâm Bình đăng ký 3 sản phẩm đưa vào đánh giá, phân hạng OCOP gồm: Đặc sản thịt trâu Bình An; Rượu ngô men lá Lâm Bình chất lượng cao; Da trâu Duy Vượng.

Năm 2022, huyện Lâm Bình phấn đấu đưa sản phẩm Rượu ngô men lá Lâm Bình chất lượng cao đạt tiêu chuẩn OCOP.
Năm 2022, huyện Lâm Bình phấn đấu đưa sản phẩm Rượu ngô men lá Lâm Bình chất lượng cao đạt tiêu chuẩn OCOP.

Để đạt được mục tiêu này, huyện Lâm Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia sản xuất an toàn, chất lượng và truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, quảng bá, xúc tiến thương mại để sản phẩm đủ điều kiện tham gia chương trình OCOP. Qua đó, góp phần tăng thêm các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện được sản xuất  theo chuỗi giá trị gắn liền với thị trường tiêu thụ, tạo ra sản phẩm đặc trưng phục vụ du lịch phát triển.