Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất chè an toàn tại tỉnh Thái Nguyên

Thái Nguyên là tỉnh trung du miền núi, có nhiều thuận lợi cho việc phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, trong đó có cây chè. Nhưng để có những chén trà xanh, mát, bổ, ngành nông nghiệp Thái Nguyên đang tổ chức lại sản xuất ngành chè theo hướng quy mô lớn tập trung, gắn với bảo quản, chế biến ứng dụng công nghệ cao.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất chè an toàn tại tỉnh Thái Nguyên - Ảnh 1

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, hiện diện tích chè toàn tỉnh đạt gần 21 nghìn ha, cho sản lượng gần 193 nghìn tấn/năm. Mặc dù diện tích và sản lượng chè liên tục tăng, nhưng chủng loại, chất lượng, giá trị sản phẩm chè Thái Nguyên còn thấp, tính cạnh tranh chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của địa phương.

Toàn tỉnh hiện có 34 doanh nghiệp (DN) chế biến chè công nghiệp, trong đó có 17 DN hoạt động thu mua chè búp tươi để chế biến thành chè đen, chè xanh ướp hương liệu xuất khẩu sang các nước Trung Đông, một số nước khu vực châu Á và châu Âu, với sản lượng đạt gần 6.400 tấn/năm, chiếm 17% tổng sản lượng. Số lượng chè còn lại hầu hết được chế biến theo phương pháp thủ công truyền thống cho năng suất thấp, chất lượng sản phẩm không đồng đều. Trong khi chè chế biến bằng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao hầu như chưa được quan tâm đầu tư nhiều, cho nên thị trường tiêu thụ chè Thái Nguyên chủ yếu vẫn là ở các chợ đầu mối, các đại lý trong tỉnh và một số thương lái.

Để khẳng định thương hiệu "chè Thái Nguyên", trên thị trường trong nước và quốc tế, ngành nông nghiệp Thái Nguyên đã từng bước triển khai thí điểm các mô hình sản xuất chè áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGap từ khâu sản xuất đến chế biến thành phẩm cuối cùng. Đến năm 2013 đã có 360 ha chè sản xuất được chứng nhận đủ tiêu chuẩn. Từ kết quả của những mô hình thí điểm, hiện nay tỉnh Thái Nguyên đang triển khai nhân rộng mô hình vùng sản xuất chè an toàn, với quy hoạch tổng diện tích 18.500ha, chiếm hơn 80% diện tích chè toàn tỉnh. 

Được biết, cây chè trồng trong vùng đất quy hoạch được áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap... Theo đó, ngay từ khâu sản xuất giống, tỉnh đã lựa chọn và giao cho một số DN tập trung nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất trồng, thâm canh một số giống chè mới, bảo đảm sạch bệnh, cho năng suất, chất lượng cao, như giống chè LDP1, LDP2, PH8, PH9. Với mục tiêu cụ thể là đến năm 2020 phải có 70% diện tích chè sử dụng giống mới. Đồng thời tiếp tục phát triển một số giống chè có khả năng sinh trưởng phù hợp với chất đất ở địa phương, như Kim Tuyên, Phúc Văn Tiên... làm cơ sở phát triển sản xuất các loại chè ô long, chè xanh cao cấp.

Các nương chè ở vùng sản xuất tập trung được khảo sát, thiết kế phù hợp địa hình, địa vật, và chú ý đến cả yếu tố thời tiết trong khu vực. Nhất là các vườn ươm giống chè được đặc biệt quan tâm, vì thời gian nhân giống cây ở trong vườn từ 8 đến 10 tháng, nếu thời tiết không thuận lợi sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cây giống. Đến nay đã có nhiều dự án nghiên cứu, áp dụng quy trình kỹ thuật tưới, tiêu tiết kiệm, cơ giới hóa khâu làm đất, cũng như bón phân làm tăng hoạt tính sinh học đất, để cây chè có thể "sống khỏe" trên mọi vùng đất được đưa vào áp dụng thành công. 

Công nghệ sau thu hoạch cũng được ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm. Một mặt tỉnh yêu cầu các cơ sở sơ chế, chế biến chè quy mô hộ, trang trại chủ động ứng dụng quy trình kỹ thuật sơ chế và chế biến chè thành phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, mặt khác khuyến khích các doanh nghiệp chế biến công nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến chè, phấn đấu đến năm 2020 hơn 30% sản lượng chè được chế biến bằng công nghệ tiên tiến.

Đại diện Doanh nghiệp tư nhân Linh Lượng, một trong những đơn vị đã tham gia Dự án Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình nhân giống chè trong giai đoạn 2011-2015 cho biết: Mỗi năm doanh nghiệp tạo ra 12 đến 15 triệu cây chè giống đạt chất lượng theo tiêu chuẩn của ngành. Mỗi héc-ta chè giống cũ được thay thế bằng chè giống mới đem lại hiệu quả kinh tế tăng từ 10 đến 20% tổng thu nhập bình quân của năm.

Di An