Để hiểu hơn về trà và văn hóa trà

Trà, một trong những thức uống được ưa chuộng trên khắp thế giới, không chỉ đơn thuần là một đồ uống quen thuộc mà còn là một nghệ thuật, thể hiện văn hóa và mang trong mình giá trị của dòng chảy lịch sử. Hành trình khám phá về trà không chỉ đơn thuần là việc nghiên cứu lịch sử và các loại trà khác nhau, mà còn là một cuộc phiêu lưu sâu sắc vào thế giới của hương vị, mùi thơm và tinh hoa văn hóa.

Trong nền văn hóa phương Đông, thưởng trà còn được coi là cách để lắng nghe và đánh thức sự tinh tế bên trong mỗi con người. Yêu trà không chỉ đơn thuần là yêu vị ngon mà là yêu cái bình yên mà nó mang lại. Đó là những giây phút chiều lòng bên ly trà, những kỉ niệm về trà và kí ức về thứ thức uống bình dị gắn bó với tuổi thơ của nhiều người.

Trà đàm: Gia đình Việt dùng trà Việt

Trà đàm "Gia Đình Việt Dùng Trà Việt" góp phần gắn kết các thành viên trong gia đình, tạo nên những khoảnh khắc đáng nhớ.
Trà đàm "Gia Đình Việt Dùng Trà Việt" góp phần gắn kết các thành viên trong gia đình, tạo nên những khoảnh khắc đáng nhớ.

Trà Việt từ lâu đã là một nét văn hóa không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt. Trong mỗi chúng ta, luôn có những ký ức về thời trẻ khi đun nước, khi pha trà cho ông bà. Trà gắn bó với tuổi thơ của nhiều người, từ đó trở nên gần gũi trong mỗi câu chuyện của người Việt. Trà trở thành một chất dẫn để kết nối từ lúc nào không hay? Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, trước những bộn bề của cuộc sống, áp lực về công việc, con người ta dần mất đi những thói quen gặp gỡ uống trà.

Đề có thể gìn giữ và tiếp nối những giá trị của Trà, nhân dịp 28/6 - Ngày Gia đình Việt, Ban Dự án Chợ Phiên Tinh Hoa Trà Việt tổ chức tiệc trà đêm trăng với chủ đề "Gia Đình Việt Dùng Trà Việt" tại tại phố sách Hà Nội 19/12 vào tối ngày 20/6/2024. Thông qua sự kiện này, Ban tổ chức hi vọng văn hóa trà sẽ tiếp tục được phát huy và lan tỏa, góp phần gắn kết các thành viên trong gia đình, tạo nên những khoảnh khắc đáng nhớ.

Đến dự với buổi tọa đàm, có sự hiện diện của bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung – Chủ dự án Phiên chợ tinh hoa trà Việt; ông Kiều Phúc Quý – Trưởng ban quản trị Cộng đồng Yêu Trà Việt; ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế & Đồ uống... Ngoài ra còn có sự tham gia của các doanh nghiệp, nhà trà, nghệ nhân, trà nhân, trà nương, trà nô và những người yêu trà. 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung – Chủ dự án Phiên chợ tinh hoa trà Việt
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung – Chủ dự án Phiên chợ tinh hoa trà Việt

Mở đầu buổi Trà đàm,bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung – Chủ dự án Phiên chợ tinh hoa trà Việt đã có những chia sẻ về ý nghĩa về hành trình đến với trà, lý do và mục tiêu của dự án.

Bà Nhung chia sẻ: "Đối với nhiều nền văn hóa, trà là một nét đẹp truyền thống lâu đời, thức uống không thể thiếu trong mọi hoạt động thường nhật của con người. Đặc biệt, văn hóa trà đã hiện hữu trong gia đình Việt chúng ta qua bao đời nay. Chén trà không chỉ là một thức uống đơn thuần mà còn là nơi khởi nguồn cho những cuộc trò chuyện, nơi để trao đổi, bàn bạc, thảo luận và dạy dỗ con cháu. Trà không chỉ là thức uống mà còn là cầu nối tình cảm, gắn kết các thế hệ trong gia đình, mang lại sự ấm áp và gắn bó. Chúng tôi mong rằng, những giá trị văn hóa tốt đẹp từ trà Việt sẽ được truyền tải và gìn giữ qua các thế hệ, từ đó xây dựng nên những gia đình hạnh phúc và bền vững. Hãy cùng nhau nâng chén trà và chia sẻ những câu chuyện, những giá trị tinh thần mà trà mang lại.”

Ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế & Đồ uống
Ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế & Đồ uống

Trà được biết như một nét văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam, mang một vẻ đẹp rất riêng biệt, thể hiện rất rõ đời sống sinh hoạt mộc mạc của người Việt. Thưởng trà là một nghệ thuật, tổng hoà được sự tinh tế, tao nhã trong từng thao tác. Chính vì vậy, người Á Đông thường quan niệm rằng thưởng trà chính là đang đào sâu văn hoá để tìm đến sự tĩnh tại và bình yên trong tâm hồn.

Theo thời gian, uống trà còn trở thành một loại hình nghệ thuật đặc trưng trong văn hóa Việt Nam, mang đến cho người uống cảm giác thư thái giữa cuộc sống bộn bề. Người Việt Nam uống trà không chỉ đơn thuần là để giải khát, mà thể hiện một nền văn hóa cao, một biểu hiện của sự thân tình, mong muốn hòa hợp, thiện ý trò chuyện. Uống trà cũng để mở đầu một cuộc hàn huyên, bàn chuyện gia đình, xã hội và chuyện tình cảm, để cảm nhận hương vị của đất trời, cây cỏ, vạn vật trong chén trà.

Để hiểu hơn về trà và văn hóa trà - Ảnh 1

Hầu như ở mỗi gia đình Việt đều có một bộ ấm trà. Mỗi khi có khách đến thăm, bộ ấm trà ấm nồng thể hiện sự tôn trọng, hiếu khách của gia chủ đối với khách. Không những thế, trà còn xuất hiện trong ký ức tuổi thơ của mỗi người, trong những lần đun nước và pha trà cho ông bà hay bố mẹ. Trà đàm “Gia Đình Việt Dùng Trà Việt” là dịp để mọi người cùng nhau ngồi lại thưởng thức những chén trà, lắng nghe những câu chuyện đầy ý nghĩa và chia sẻ những giá trị quý báu mà trà mang lại.

Để hiểu hơn về trà và văn hóa trà - Ảnh 2
Để hiểu hơn về trà và văn hóa trà - Ảnh 3
Hoạt động trải nghiệm làm trà sen từ những bông sen tươi thắm
Hoạt động trải nghiệm làm trà sen từ những bông sen tươi thắm

Đặc biệt, trà đàm đã mang đến một hoạt động vô cùng thú vị và ý nghĩa là trải nghiệm làm trà sen từ những bông sen tươi thắm. Đây không chỉ là nghệ thuật mà còn là cách những người có mặt tại buổi trà đàm thêm yêu và trân trọng văn hóa trà Việt, đồng thời tạo nên những khoảnh khắc đáng nhớ bên gia đình và người thân.

Workshop: Lan tỏa trà Việt đến người Việt

TS Cung Khắc Lược – Một trong tứ trụ thư pháp Hán Nôm Việt, Ông Hoàng Vĩnh Long – Chủ Tịch Hiệp  Chè Việt Nam chụp ảnh cùng BTC và các thương hiệu Trà, Người Yêu trà Việt.
TS Cung Khắc Lược – Một trong tứ trụ thư pháp Hán Nôm Việt, Ông Hoàng Vĩnh Long – Chủ Tịch Hiệp  Chè Việt Nam chụp ảnh cùng BTC và các thương hiệu Trà, Người Yêu trà Việt.

Được sự đồng hành của Không gian An Gia Vị tại địa chỉ 142 Phố Từ Hoa (Hà Nội), Cộng đồng Yêu Trà Việt phối hợp cùng trà chủ An Gia Trà – Ông Trương Lê An để tổ chức Chuỗi sự kiện Workshop Trà Việt. Mục đích của sự kiện là lan tỏa kiến thức về trà đến cộng đồng, đồng thời tôn vinh văn hóa Trà Việt và các doanh nghiệp, thương hiệu, sản phẩm trà Việt chất lượng đến người tiêu dùng. Chuỗi sự kiện Workshop Trà Việt dự kiến 12 buổi, diễn ra vào các buổi chiều thứ 7 hàng tuần tại Không gian An Gia Vị – 142 Phố Từ Hoa, Thành Phố Hà Nội.

Chuỗi sự kiện Workshop sẽ tập trung vào những kiến thức cơ bản về các dòng trà phổ biến tại Việt Nam và trên thế giới, bao gồm Bạch trà, Hồng trà, Hoàng trà, trà Ôlong, trà Xanh, trà bánh (Phổ Nhĩ – Hắc Trà) và trà ướp hương. Đặc biệt, các Workshop sẽ liên kết với Hệ sinh thái Trà Việt như: Ấm chén, Trà Cụ Việt, Tre Việt, Ẩm thực Việt, Thư Pháp Việt, cùng những câu chuyện truyền cảm hứng về Trà Việt. Qua đó giúp nâng cao nhận thức, nâng cao sự tự hào của người Việt Nam nói riêng và thế giới về văn hóa trà Việt và các sản phẩm trà Việt.

BTC Chụp ảnh lưu niệm cùng diễn giả và người yêu trà Việt tham gia Workshop Hồng trà 

BTC Chụp ảnh lưu niệm cùng diễn giả và người yêu trà Việt tham gia Workshop Hồng trà 

Mở đầu Chuỗi Workshop với Số 1: Trà Phổ Nhĩ diễn ra ngày 19/5/2024, Chương trình có sự góp mặt của Ông Trương Hán Văn – Nguyên Tổng Thư ký Hội Văn hóa dân gian truyền thống Trung Quốc, Thành viên thường trực của Hiệp Hội gốm sứ Zisha Trung Quốc, Trà Sư Cao cấp quốc tế. Ông Hoàng Vĩnh Long – Chủ tịch Hiệp Hội Chè Việt Nam cùng đông đảo thương hiệu trà như Trà Bash Tea, Trà Cụ Thành...Chương trình đã giúp quý trà hữu giải đáp nhiều thắc mắc về Trà Phổ Nhĩ. Đặc biệt Chương trình có đưa ra những sản phẩm trà Phổ Nhĩ được sản xuất tại Xưởng Chè Hà Nội những năm 1930 cũng như nhiều sản phẩm trà bánh của Việt Nam từ trước đến nay. Qua đó giúp cho Người Yêu trà Việt hiểu rõ hơn về một dòng trà đặc biệt không chỉ trên thế giới mà còn ở Việt Nam. Buổi Workshop cũng giúp những người yêu trà có thêm nhiều thông tin để đánh giá cũng như lựa chọn được cho mình những phẩm trà Bánh – Trà Phổ Nhĩ tốt nhất.

Trong sự kiện Workshop Trà Việt thứ 2 với chủ đề Trà Xanh diễn ra chiều thứ 7 ngày 25/5/2024, BTC rất vui mừng được đón tiếp rất nhiều nhà trà tại Thái Nguyên. Đặc biệt có sự xuất hiện của bà Nguyễn Thị Hải – HTX Thanh Hải Trà, người mới nhất đã có 1kg chè được đấu giá 68 triệu tại Lễ hội Chè của Huyện Đại Từ Tỉnh Thái Nguyên. Bà đã chia sẻ rất nhiều thông tin bổ ích đến người yêu trà Việt về thực trạng việc trồng, chăm sóc, chế biến chè Thái đã hướng tới người tiêu dùng, đưa ra những sản phẩm trà An toàn. Người làm trà đã có nhiều thay đổi về nhận thức để sản xuất ra những phẩm trà chất lượng từ mẫu mã bao bì đẹp, sản phẩm trà ngon cả về hình, sắc, hương và vị. Người tiêu dùng có thể yên tâm khi sử dụng các sản phẩm trà Thái của các đơn vị sản xuất uy tín, rõ ràng nguồn gốc, không còn thực trạng “vườn chè gia đình uống khác vườn chè sản xuất bán ra thị trường”.

Ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam chia sẻ tại buổi Workshop về chủ đề Hồng trà
Ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam chia sẻ tại buổi Workshop về chủ đề Hồng trà

Workshop Trà Việt thứ 3 với chủ đề Hồng trà diễn ra vào ngày 15/6. Đây là dịp để các đơn vị sản xuất trà và những người yêu thích trà có thể cùng nhau tìm hiểu về lịch sử, quy trình chế biến, và những đặc điểm nổi bật của Hồng trà.

Cộng đồng Yêu trà Việt hy vọng những buổi Workshop sẽ là cầu nối để Cộng đồng có thể chia sẻ và lan tỏa hơn nữa những Giá trị Trà Việt đến Người yêu trà Việt trên cả nước. Qua đó giúp Quý trà hữu có cái nhìn phổ quát về trà Việt, Văn hóa Trà Việt. Từ đó chúng ta thêm tự hào về Trà Việt để Trà Việt thực sự chinh phục người Việt.

Hành trình chia sẻ kiến thức về trà qua những buổi Workshop Trà Việt do Yêu trà Việt và An Gia Trà, An Gia Vị – 142 Phố Từ Hoa sẽ tổ chức vào mỗi thứ 7 hàng tuần. Đến với những buổi Workshop, mọi người không chỉ được hiểu thêm kiến thức về trà mà còn được thưởng thức hương vị của nhiều dòng trà ngon nổi tiếng.