Theo đó, tại dự thảo Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Bình Dương đề ra mục tiêu đầu tư 172.879 căn nhà ở xã hội với tổng diện tích 612 ha, đáp ứng cho 678.307 người. Để đạt được mục tiêu này dự tính cần 92.661 tỷ đồng vốn đầu tư. Các chỉ tiêu Bình Dương đề ra cao gấp 2 lần chỉ tiêu được Chính phủ giao.
Giai đoạn 2026-2030, dự kiến sẽ bố trí khoảng 454ha diện tích đất đầu tư hoàn thành khoảng 130.623 căn NƠXH, với diện tích sàn xây dựng đạt 7,4 triệu m2, đáp ứng cho khoảng 514.831 người.
Để đạt được mục tiêu trên, Đề án đề ra 4 nhóm giải pháp: Tạo quỹ đất, quy hoạch kiến trúc, nguồn vốn đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ để định hướng.
Trong đó giải pháp về quỹ đất được ưu tiên hàng đầu, có 34 khu vực do các doanh nghiệp Nhà nước đang quản lý; 17 khu vực có sẵn quỹ đất của các nhà đầu tư; 20% quỹ đất đã có sẵn từ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị quy hoạch dành cho phát triển NƠXH; quỹ đất chuyển đổi công năng trên các địa bàn Thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và Thị xã Bến Cát để phát triển NƠXH …
Để đạt được mục tiêu đề ra, Bình Dương đã xác định 34 khu đất do các doanh nghiệp Nhà nước đang quản lý hoặc quỹ đất do Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý; 17 khu vực có sẵn quỹ đất của các nhà đầu tư; 20% quỹ đất đã có sẵn từ các dự án nhà ở thương mại và quỹ đất chuyển đổi công năng; 27 khu vực phát triển đô thị trên các tuyến đường Vành đai 3, 4, cao tốc TP.HCM - Chơn Thành.
Về vốn xây dựng, Đề án đề xuất, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không sử dụng nguồn vốn đầu tư công. UBND tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí để đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án nhà ở xã hội.
Đối với chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội sẽ được ưu đãi miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; miễn giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định; được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội hoặc tổ chức tín dụng.
Ông Nguyễn Hoàng Thao – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương nhấn mạnh, toàn tỉnh có hơn 1,2 triệu lao động, trong đó hơn 50% lao động đến từ các tỉnh, thành khác sinh sống và làm việc. Họ chủ yếu sống trong các nhà trọ nhỏ, ẩm thấp, các điều kiện sống tối thiếu nhiều nơi chưa được đảm bảo.
Với tốc độ gia tăng dân số cơ học cao nhất cả nước, tỉnh phải đối diện với nhiều vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, trong đó có thực hiện giải quyết nhu cầu NƠXH, nhà ở công nhân cho các đối tượng được hưởng chính sách về NƠXH theo quy định.
Vì vậy, thời gian qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân nói chung, công nhân nói riêng luôn được Tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về NƠXH cũng đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế.
Được biết, Tổng công ty Becamex IDC là đơn vị tiên phong trong việc phát triển NƠXH tại Bình Dương. Sau 10 năm triển khai xây dựng ở nhiều địa phương như: Thành phố Thuận An, Thành phố Thủ Dầu Một, Thị xã Bến Cát, huyện Bàu Bàng…,
Đề án NƠXH Becamex ban đầu có quy mô 65.000 căn, đã xây dựng hoàn thành trên 47.500 căn. Becamex IDC tiếp tục mở rộng giai đoạn tiếp theo với tổng số 118.234 căn NOXH, tạo cơ hội an cư cho người lao động.
Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương thông tin rằng, tỉnh đang tiến hành kiểm tra 33 dự án đã được bố trí đất để xây dựng nhà ở xã hội liên quan đến các dự án nhà ở thương mại. Tổng diện tích đất của 33 dự án này là khoảng 105 ha, với diện tích sàn xây dựng ước tính là khoảng 2,16 triệu m2. Dự án này dự kiến cung cấp khoảng 30.000 căn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, hiện tại tiến độ thực hiện và triển khai đầu tư trên những dự án này đang gặp khó khăn và trì trệ.
Trong quá trình hình thành Đề án phát triển nhà ở xã hội (NOXH), Sở Xây dựng đã tiến hành gặp gỡ trực tiếp với từng chủ đầu tư của các dự án. Họ đã cùng Sở Tài nguyên và Môi trường thúc đẩy các chủ đầu tư nhanh chóng triển khai và duy trì tiến độ dự án theo kế hoạch đã được phê duyệt.
Tiến Hoàng