Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Với diễn biến thị trường rung lắc và điều chỉnh sau khi tạo đỉnh lịch sử mới, diễn biến các cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị cũng không được như kỳ vọng, thậm chí nhiều mã quay đầu giảm.

Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua - Ảnh 1

Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu TPB

Khuyến nghị OUTPERFORM với giá mục tiêu 1 năm theo phương pháp thu nhập thặng dư là 33.968 đồng/ cp (Upside: 20%), định giá ngân hàng ở mức P/B hợp lý năm 2021 là 1,66x.

Mặc dù TPB đã vừa có tuần giao dịch khởi sắc trong những phiên cuối tháng 3 – đầu tháng 4, nhưng với thông tin tích cực về kế hoạch kinh doanh năm 2021 được đưa ra trong tài liệu họp ĐHCĐ thường niên năm 2021 vừa công bố, đặc biệt là chỉ tiêu lợi nhuận tăng trưởng 25% lên 5.500 tỷ đồng, cổ phiếu này vẫn duy trì đà tăng điểm trong tuần này dù biên độ khá hẹp.

Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TPB tăng 500 đồng (+1,77%) từ mức giá 28.300 đồng/CP lên 28.800 đồng/CP.

* Theo BSC, mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu TNG nằm tại mức 27.8

Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Đường MACD vừa cắt lên trên đường tín hiệu đồng thời chỉ báo động lượng RSI vẫn chưa đi vào vùng quá mua nên cổ phiếu có tiềm năng duy trì đà tăng trong ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của TNG nằm tại khu vực xung quanh 23. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 27.8, cắt lỗ nếu ngưỡng 21.3 bị xuyên thủng.

Sau đợt tăng giá mạnh và lập đỉnh vượt mức giá 26.000 đồng/CP vào cuối tháng 1, thị trường đã quay đầu và hiện đang biến động quanh vùng giá 24.x. Trong tuần vừa qua, cổ phiếu TNG vẫn duy trì đà tăng nhẹ khi đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm vào đầu tuần. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TNG tăng 1.100 đồng (+4,58%) từ mức giá 24.000 đồng/CP lên 25.100 đồng/CP. Như vậy, so với mức giá mục tiêu mà BSC đưa ra là 27.800 đồng, thì thị giá hiện tại của TNG còn thấp hơn 9,7%.

* VCSC khuyến nghị mua cho SAB với giá mục tiêu 224.000 đồng/CP

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua dành cho SAB với giá mục tiêu 224.000 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 29,8%, bao gồm lợi suất cổ tức 3,4%, dựa theo giá đóng cửa hôm nay.

Bên cạnh những thách thức khó khăn đối với ngành, mới đây, Sabeco đã đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2021 dự kiến sẽ trình tại ĐHCĐ thường niên diễn ra ngày 28/4 tới đây với chỉ tiêu doanh thu tăng trưởng 20% và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 7%, tuy nhiên cổ phiếu đã có tuần giao dịch không mấy thuận lợi do áp lực chốt lời tăng mạnh.

Thống kê với việc đón nhận 4 phiên giảm và chỉ 1 phiên đứng giá tham chiếu vào vào cuối tuần ngày 9/4, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SAB giảm 6.000 đồng (-3,33%) từ mức giá 180.000 đồng/CP xuống 174.000 đồng/CP.

* Theo BSC, mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu VRE nằm tại mức 39

Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Đường EMA12 vừa cắt lên trên đường EMA26 đồng thời chỉ báo động lượng RSI vẫn chưa đi vào vùng quá mua nên cổ phiếu có tiềm năng duy trì đà tăng trong ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của VRE nằm tại khu vực xung quanh 34.5. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 39, cắt lỗ nếu ngưỡng 33.5 bị xuyên thủng.

Mặc dù có những phiên đầu tuần khá thuận lợi với giao dịch sôi động, nhưng sau đó áp lực bán đã gia tăng vào cuối tuần khiến VRE rung lắc và chuyển đỏ. Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VRE tăng 1.150 đồng (+3,4%) từ mức giá 33.850 đồng/CP lên 35.000 đồng/CP. So với mức giá mục tiêu mà BSC đưa ra là 39.000 đồng/CP, thị giá hiện tại của VRE còn thấp hơn 10,26%.

* VCSC khuyến nghị khả quan cho BMP với giá mục tiêu là 66.200 đồng/CP

Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan cho BMP với giá mục tiêu 66.200 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 17.8%, bao gồm lợi suất cổ tức 7,5%). Tại giá cổ phiếu hiện tại, BMP đang giao dịch tại P/E dự phóng năm 2021 là 10,8 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi.

Với kế hoạch dự kiến sẽ trình tại ĐHCĐ thường niên tới đây các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận năm 2021 đều tăng trưởng nhẹ, cùng kế hoạch chia cổ tức năm 2020 bằng tiền với tỷ lệ khá cao là 63,2%, nhưng diễn biến cổ phiếu BMP tuần qua không được như kỳ vọng.

Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày cuối tuần 9/4, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BMP tăng 1.500 đồng (+2,5%) từ mức giá 60.000 đồng/CP lên 61.500 đồng/CP. So với mức giá mục tiêu mà VCSC đưa ra là 66.200 đồng/CP, thị giá hiện tại của BMP còn thấp hơn 7,1%.

* VCSC khuyến nghị mua cho MSN với giá mục tiêu là 121.600 đồng/CP

Chúng tôi đánh giá đây là thông tin tích cực cho MSN khi củng cố giá trị của VCM cũng như cung cấp cho MSN lượng tiền mặt để cân bằng vị thế tài chính. Hiện chúng tôi đang có khuyến nghị mua cho MSN với giá mục tiêu là 121.600 đồng/CP.

Vừa qua, Masan đã tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên năm 2021 với nhiều điểm khác biệt so với những mùa trước, nhưng về mục tiêu kinh doanh vẫn duy trì sự tăng trưởng mạnh với doanh thu thuần dự kiến tăng trưởng 19 - 32%, lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của công ty tăng trưởng từ 103 - 224%. Tuy nhiên, diễn biến cổ phiếu MSN tuần qua không mấy thuận lợi, trái với khuyến nghị của VCSC. Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MSN giảm 600 đồng (-0,65%) từ mức giá 92.700 đồng/CP xuống 92.100 đồng/CP.

* Theo BSC, mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu ANV nằm tại mức 26.5, PHS khuyến nghị mua

BSC cho rằng, ngưỡng hỗ trợ gần nhất của ANV nằm tại khu vực xung quanh 22.5. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 26.5, cắt lỗ nếu ngưỡng 21.7 bị xuyên thủng.

Bên cạnh đó, theo PHS, bằng phương pháp định giá DCF và EV/EBITDA, mức giá hợp lý cho cổ phiếu ANV khoảng 26.000 đồng/cổ phiếu (tăng 12% so với giá hiện tại). Do đó đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu này.

Thông tin tích cực từ việc chốt quyền tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 8% vẫn không giúp ANV giữ được phong độ sau phiên khởi sắc đầu tuần do áp lực bán gia tăng. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu ANV tăng 1.250 đồng (+7,44%) từ mức giá 16.800 đồng/CP lên 18.050 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị khả quan dành cho GAS với giá mục tiêu 91.000 đồng/CP

Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan dành cho GAS với giá mục tiêu 91.000 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 6,3%, bao gồm lợi suất cổ tức 4.5%). Theo giá đóng cửa hôm nay, GAS hiện đang giao dịch với P/E 2021 đạt 19,3 lần và P/E 2022 đạt 18 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi.

Không nằm ngoài xu hướng chung của nhóm cổ phiếu dầu khí, cổ phiếu lớn GAS cũng đã có tuần giao dịch không mấy tích cực. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng duy nhất ngày 6/4 và 4 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GAS giảm 1.500 đồng (-1,66%) từ mức giá 90.300 đồng/CP xuống 88.800 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho PPC với giá mục tiêu 30.800 đồng/CP

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua dành cho PPC với giá mục tiêu 30.800 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời dự phóng 21%, bao gồm lợi suất cổ tức 9%.

Mặc dù chịu áp lực bán chốt lời sau khi tạo đỉnh lịch sử ở mức giá 29.100 đồng/CP, nhưng thông tin tích cực từ việc tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 58,94%, cổ phiếu PPC vẫn giữ được đà tăng điểm trong tuần qua. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PPC tăng 1.900 đồng (+7,28%) từ mức giá 26.100 đồng/CP lên 28.000 đồng/CP.

* Theo BSC, mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu VCB nằm tại mức 112.5

Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Đường EMA12 vừa cắt lên trên đường EMA26 đồng thời chỉ báo động lượng RSI vẫn chưa đi vào vùng quá mua nên cổ phiếu có tiềm năng duy trì đà tăng trong ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của VCB nằm tại khu vực xung quanh 100. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 112.5, cắt lỗ nếu ngưỡng 97 bị xuyên thủng.

Sau phiên tăng mạnh đầu tuần ngày 5/4, cổ phiếu VCB đã rung lắc và quay đầu giảm về ngưỡng 97. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên tăng, 1 phiên đứng giá và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VCB giảm nhẹ 300 đồng (-0,31%) từ mức giá 97.800 đồng/CP xuống 97.500 đồng/CP.

* Theo BSC, mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu CTS nằm tại mức 19

Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Đường MACD vừa cắt lên trên đường tín hiệu đồng thời chỉ báo động lượng RSI vẫn chưa đi vào vùng quá mua nên cổ phiếu có tiềm năng duy trì đà tăng trong ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của CTS nằm tại khu vực xung quanh 16. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 19, cắt lỗ nếu ngưỡng 15 bị xuyên thủng.

Sau tuần tăng khá mạnh vào cuối tháng 3 – đầu tháng 4, cổ phiếu CTS đã bị chốt lời và có những phiên giảm điểm trong tuần qua. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CTS giảm 300 đồng (-1,73%) từ mức giá 17.300 đồng/CP xuống 17.000 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị khả quan dành cho PTB

PTB sẽ thanh toán cổ tức tiền mặt 2020 là 2.000 đồng/CP (lợi suất cổ tức 2,4%), thấp hơn dự phóng hiện tại của chúng tôi là 2.500 đồng/CP. Chúng tôi kỳ vọng thời gian thanh toán là trong trong quý 2/2021. Do đó, chúng tôi có khuyến nghị khả quan dành cho PTB.

Cổ phiếu PTB đã có tuần giao dịch không mấy tích cực khi đón nhận tới 4 phiên mất điểm, nhưng phiên tăng khá mạnh vào giữa tuần ngày 7/4 đã giúp cổ phiếu này giữ thăng bằng. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PTB tăng nhẹ 200 đồng (+0,24%) từ mức giá 84.800 đồng/CP lên 85.000 đồng/CP.

N.T

Theo Đầu tư Chứng khoán