Điện Biên: Đánh thức vùng chè Xuân Lao giúp người dân thoát nghèo ở vùng đất khó

Xã Xuân Lao, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Nơi đây trồng chè lâu đời, đến nay chính quyền địa phương đã tạo điều kiện chính sách phù hợp để phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ, trà hữu cơ, vùng đất này mới thực sự khởi sắc từ cây chè.

Lãnh đạo huyện Mường Ảng thăm mô hình trà sạch hữu cơ tại bãi Pháy Váng, xã Xuân Lao.
Lãnh đạo huyện Mường Ảng thăm mô hình trà sạch hữu cơ tại bãi Pháy Váng, xã Xuân Lao.

Anh Phan Trọng Nhất, chủ cơ sở sản xuất chè Phan Nhất. Đây là mô hình nông nghiệp hữu cơ đạt chuẩn quốc gia đầu tiên trên địa bàn tỉnh Điện Biên (trà sạch hữu cơ). Anh Nhất vừa trò chuyện. Sinh ra, lớn lên trong gia đình có truyền thống gắn bó với cây chè, gần 30 năm kinh nghiệm anh Phan Trọng Nhất đã dành nhiều thời gian đi khắp các vùng chè trong cả nước; nghiên cứu sâu về đặc điểm sinh học, môi trường, khí hậu, thổ nhưỡng tác động đến sự sinh trưởng và phát triển của cây chè. Với mong muốn tìm ra nơi có chất đất, khí hậu tốt nhất để nâng cao giá trị cây chè; sau nhiều lần trăn trở, đi lại “đếm nắng, đo mưa” anh Nhất nhận thấy Mường Ảng là nơi phù hợp nhất để trồng chè.

Năm 2019 anh Phan Trọng Nhất cùng gia đình đưa cây chè về trồng trên đất Mường Ảng. Và giống chè HP.14, chè lai F1, chè shan tuyết PH.14 được lựa chọn trồng, bởi theo anh là giống phù hợp nhất. Gia đình anh Nhất đã quyết định đầu tư gần 10 tỷ đồng mua cây giống chè, đầu tư hệ thống nước tưới tự động, nhà xưởng, máy móc cơ sở sản xuất và đóng gói chè. Hiện nay gia đình anh Nhất đã có 18ha chè (trong đó, 13ha tại bãi Pháy Váng, xã Xuân Lao; 5ha tại bản Huổi Hỏm, xã Ẳng Tở). Sau hơn 3 năm trồng, hiện nay diện tích chè của gia đình anh đã cho thu hoạch năm thứ 2.

Ngoài ra, anh Phan Trọng Nhất, cho biết thêm: Hiện nay, đây là mô hình nông nghiệp hữu cơ đạt chuẩn quốc gia đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Với phương châm “Sạch từ đồi chè đến ấm trà” toàn bộ quá trình trồng và chăm sóc cây chè được gia đình thực hiện theo hướng hữu cơ. Từ việc sử dụng phân bón, làm cỏ; quá trình sản xuất trà cũng được thực hiện hoàn toàn bằng phương pháp thủ công bằng đôi bàn tay của người lao động. Búp chè sau khi hái, hong khô được sấy trên bếp lửa ở nhiệt độ cao để giữ được hương vị thơm ngon của chè. Tùy từng loại trà và từng đối tượng khách hàng mà có cách chế biến, mẫu mã cụ thể khác nhau. Hiện cơ sở đã hình thành được 7 loại sản phẩm với mẫu mã bao bì, chất lượng khác nhau, bao gồm: Trà shan tuyết PH.14 hữu cơ Phan Nhất; trà xanh hữu cơ Phan Nhất; trà xanh hữu cơ; Nhất đinh Bạch trà PH.14 hữu cơ… Với giá bán trung bình từ 300 nghìn đồng - 3 triệu đồng/kg. Trung bình mỗi năm xưởng chế biến trên 22 tấn chè búp tươi thu được 5 tấn chè khô, chủ yếu phục vụ thị trường nội địa.

Đặc biệt, thời gian tới cơ sở sản xuất chè Phan Nhất tập trung xây dựng thương hiệu trà trên đất Mường Ảng, đưa hương trà Mường Ảng vươn xa, sang các thị trường nước ngoài khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Bên cạnh việc nâng cao chất lượng, cho ra nhiều sản phẩm trà mới mang đặc trưng của Mường Ảng đáp ứng nhu cầu thị trường; cơ sở tiếp tục đưa sản phẩm trà Phan Nhất đạt sản phẩm OCOP 4 sao vào năm 2023. Đồng thời, đăng ký với Hiệp hội Chè Việt Nam, các cơ quan chức năng hoàn thiện thủ tục, quy trình đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm trà sạch hữu cơ Phan Nhất.

Ông Lò Văn Sết, Chủ tịch UBND xã Xuân Lao, cho biết: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã đã có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân thực hiện các chương trình dự án trên địa bàn. Các hình thức hỗ trợ như: Trưng bày sản phẩm chè đã qua chế biến của cơ sở tại các chương trình thương mại, hội chợ do xã, huyện tổ chức. Đồng thời, phối hợp với chủ cơ sở đưa sản phẩm trà Phan Nhất đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao của địa phương. Hiện sản phẩm đã đến được với nhiều người tiêu dùng, tiêu thụ ở nhiều địa phương trong tỉnh. Nhiều khách hàng sau khi sử dụng đã khẳng định trà Phan Nhất có nước xanh và vị đậm hơn nhiều loại trà khác. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để cây chè tiếp tục phát triển và trở thành sản phẩm thế mạnh của địa phương trong thời gian tới.

PHI LONG/VPTB