Đối với các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La và Lạng Sơn, số lượng giao dịch khá khiêm tốn. Trong quý IV/2021 chỉ có 236 giao dịch thành công, thị ờng còn 4480 sản phẩm là hàng tồn kho của các dự án đã mở bán trước đó.
Trong đó, thị trường Sơn La được đánh giá có dư địa về nhu cầu lớn, tuy nhiên mức hấp thụ thực tế lại chậm. Các dự án tiêu biểu như TNR Sơn La, Picenza Sơn La gần như không đạt tỷ lệ hấp thụ kỳ vọng.
Tại TP. Lào Cai, dự án chung cư cao cấp của Bitexco có lượng giao dịch đột biến khi 60% quỹ hàng được giao dịch thành công trong ngày mở bán chính thức. Còn lại, tốc độ tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh phía Tây Bắc khá chậm. Một số khu vực thậm chí còn giảm giá, trong đó có Cao Bằng. Mức giá toàn thị trường dao động từ 16 - 45 triệu đồng/m2.
Ngược lại, tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình... ghi nhận số lượng giao dịch khá lớn. Chỉ riêng quý IV đã có xấp xỉ 2.000 giao dịch tại các địa phương này. Một số dự án có lượng giao dịch đột biến như La Viena Valley Đà Bắc, TMS Wonder World, Mường Khến Heritage, Riverview Lương Sơn, Crow Vilas Thái Nguyên.
Không chỉ có tốc độ giao dịch tốt, giá tại các thị trường này cũng tăng từ 20 - 50%, đặc biệt có những thị trường tăng giá gần 100% so với năm 2020 như Bắc Ninh (từ 40 triệu đồng/m2), Thái Nguyên (từ 25 triệu đồng/m2), Bắc Giang (từ 30 triệu đồng/m2).
Theo ông Lê Đình Chung, phòng Nghiên cứu thị trường bất động sản Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), giá tại TP. Hà Nội trong quý IV/2021 tăng cao, tạo ra đỉnh mới khiến cho cơ hội đầu tư không còn nhiều. Thêm vào đó, nguồn cung khan hiếm khiến cho nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm cơ hội tại vùng ven. Tại các địa phương, sản phẩm đấu giá được sự quan tâm rất nhiều của các nhà đầu tư, mức trúng thường cao hơn từ 50 - 100% so mới mức giá khởi điểm. Đây chính là lý do giá bất động sản tại các địa phương được đẩy lên cao một cách nhanh chóng.
Đối với phân khúc bất động sản khu công nghiệp, hiện có 61 dự án trên địa bàn 8 tỉnh thành: Hoà Bình (7 dự án), Lạng Sơn (1 dự án), Bắc Kạn (1 dự án), Thái Nguyên (6 dự án), Yên Bái (4 dự án), Bắc Giang (7 dự án), Vĩnh Phúc (8 dự án), Bắc Ninh (17 dự án), Phú Thọ (8 dự án), Tuyên Quang (2 dự án).
Tổng diện tích mặt bằng đang cho thuê khoảng 4.000 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt xấp xỉ 75%. Giá thuê trung bình dao động trong khoảng 1,4 - 2,5 triệu đồng/m2 mỗi chu kỳ thuê, đối với các dự án có chủ đầu tư là doanh nghiệp tư nhân và 0,4 – 0,8 triệu đồng/m2 đối với các dự án có chủ đầu tư là Nhà nước.
Giá thuê trong quý IV/2021 đã tăng khoảng 3 - 5% so với quý trước, một số địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh giá tăng khoảng 7% so với quý II.
Trong đợt bùng phát đại dịch Covid-19, nhiều nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp đã phải tạm ngừng hoạt động, nhằm thực hiện công tác chống dịch. Tuy nhiên, bất chấp những tác động từ dịch bệnh, thị trường tiếp tục ghi nhận diễn biến tích cực đến từ hoạt động đầu tư nước ngoài và sự thay đổi trong chính sách của Chính phủ.
Thị trường mới ghi nhận thỏa thuận hợp tác giữa liên danh Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc và Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel) và tập đoàn Quantum (Mỹ) đầu tư chuỗi các dự án trong những lĩnh vực trọng điểm với tổng giá trị 20 - 30 tỷ USD.
Hiện tại, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp khu vực miền Bắc đang duy trì ở mức 75%, trong khi đó nhà xưởng xây sẵn lại chứng kiến tỷ lệ này giảm đi so với quý đầu của năm 2021 do ảnh hưởng từ nguồn cung mới trong thị trường.
Với thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, loại hình này tập trung chính ở Hòa Bình nhưng số lượng còn hạn chế. Trong quý IV/2021 có hai sản phẩm mới ra mặt là Sakana và Culian hồ Hòa Bình nhưng tốc độ tiêu thụ còn chậm. Theo khảo sát trong năm 2022, Hòa Bình sẽ ra mắt 3 - 4 dự án mới với quy mô khoảng 100 ha, chủ yếu tập trung khu vực hồ Hòa Bình.
Ngoài ra, Vĩnh Phúc cũng có một sản phẩm ra mắt năm 2022 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của thị trường là dự án Thanh Lanh Golf & Resort….