Những cây chè cổ thụ ở đây có độ tuổi hàng chục đến cả trăm năm, cao tới 3 - 5 mét, tán rộng, thân xù xì rêu phủ. Không chỉ mang giá trị về sinh thái, văn hóa, mà còn là tiềm năng kinh tế to lớn.
Theo ông Vừ A Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa thì cây chè cổ thụ từng bị bỏ quên, mọc hoang hóa trong rừng. Nhưng hơn 10 năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm của chính quyền và nhận thức thay đổi của người dân, cây chè đã được “đánh thức”.
Những búp chè được thu hái, sao chế cẩn thận bằng phương pháp thủ công truyền thống, tạo nên hương vị đậm đà, thanh mát, được giới sành trà đánh giá là “chất lượng hiếm có”.
Hiện nay Tủa Chùa có trên 10.000 cây chè cổ thụ cùng với trên 100ha chè Shan Tuyết được trồng cách đây trên 40 năm. Từ nguồn lợi cây chè đem lại, người dân đã biết cách chăm sóc cây chè. Một số hộ dân còn trồng, mở rộng diện tích chè.
Gia đình ông Hạng A Chứ, bản Hấu Chua, xã Sín Chải từng là hộ nghèo nhiều năm. Nhưng từ khi bắt tay vào việc chăm sóc những cây chè cổ trên nương và thu hái chè bán cho các tổ hợp tác, gia đình ông có thu nhập ổn định trên 150 triệu đồng/năm.
“Cây chè giúp nhà tôi có tiền nuôi con ăn học, sửa nhà, mua xe máy. Không còn đói ăn như trước nữa. Hiện tại gia đình tôi khá giả nhờ trên 500 cây chè cổ thụ có tuổi đời trên 100 năm” ông Chứ phấn khởi chia sẻ.
Tại xã Tả Sìn Thàng, các hộ dân đang khai thác hàng trăm héc-ta chè Shan tuyết được trồng từ những 70 – 80 của thế kỷ trước. Nhờ biết cách thu hái, chế biến truyền thống và kết hợp tiêu chuẩn sạch, chè Tủa Chùa ngày càng được thị trường ưa chuộng. Hiện mỗi kilôgam chè khô bán ra thị trường dao động từ 400.000 đến 800.000 đồng, có loại đặc biệt lên đến 1,5 triệu đồng/kg.
Đây là nguồn thu lớn, giúp người dân từng bước nâng cao đời sống, nhiều hộ đã thoát nghèo, xây nhà kiên cố, con cái được học hành đến nơi đến chốn.
Người có vườn chè cổ thụ lớn nhất Tủa Chùa là ông Hạng A Chứ, bản Hấu Chua, xã Sín Chải. Hiện gia đình ông Chứ có trên 500 gốc chè cổ thụ đem lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình.
Đặc biệt, không chỉ dừng lại ở việc trồng, chăm sóc, người dân Tủa Chùa đang từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè cổ thụ. Một số hợp tác xã tại xã Tả Phìn, Sín Chải, Tả Sìn Thàng đã đầu tư máy móc chế biến, đóng gói bao bì, kết hợp quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, hội chợ OCOP. Chè cổ thụ Tủa Chùa hiện đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng và mùi vị.
Chính quyền huyện Tủa Chùa cũng đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng để quy hoạch, bảo tồn và phát triển vùng chè cổ, đồng thời hỗ trợ người dân kỹ thuật chăm sóc, thu hái, chế biến, hướng tới sản xuất theo chuỗi giá trị và đạt chuẩn OCOP.
Chị Nguyễn Mỹ Linh, Giám đốc Công ty TNHH Hương Linh, người tiên phong đưa chè cổ thụ Tủa Chùa đến với người tiêu dùng cả nước với các sản phẩm chè chất lượng cao.
Hiện trên địa bàn huyện đã có nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác thu mua và chế biến chè như HTX Nông nghiệp Sinh thái Tả Phìn, HTX Chè cổ thụ Sín Chải…Các đơn vị này đóng vai trò quan trọng trong liên kết “4 nhà” và là đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho hàng trăm hộ dân.
Chị Nguyễn Mỹ Linh, Giám đốc Công ty TNHH Hương Linh cho biết: “Công ty chúng tôi hiện đang thu mua chè búp tươi với giá cao từ người dân, bình quân 15.000 – 20.000 đồng/kg, sau đó chế biến thành chè Shan tuyết cao cấp.
Nhờ đảm bảo chất lượng và giữ được hương vị đặc trưng, sản phẩm của công ty được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng. Chúng tôi đang từng bước xây dựng thương hiệu ‘Chè cổ thụ Tủa Chùa’ để đưa sản phẩm vươn xa hơn nữa”.
Cây chè cổ thụ, một phần hồn cốt của núi rừng Tủa Chùa, giờ đây đang mang lại giá trị kinh tế bền vững. Từ những gùi chè bồng bềnh trong sương núi, người dân nơi đây đã biết làm kinh tế, biết giữ gìn và phát huy “vàng xanh” giữa đại ngàn. Hành trình thoát nghèo của đồng bào Tủa Chùa bắt đầu từ những búp chè thơm ngát, và đang ngày càng nở hoa kết trái.
LINH LINH