Ngày 20-12-2024, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 71/2024/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND ngày 31-12-2019. Đây là văn bản quan trọng trong việc quy định và điều chỉnh bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố.
Theo quyết định mới, bảng giá đất hiện hành sẽ được điều chỉnh và tiếp tục có hiệu lực áp dụng từ ngày 1-1-2020 đến ngày 31-12-2025.
Sự điều chỉnh này phản ánh nhu cầu quản lý sát thực tế, nhưng cũng tạo áp lực lớn đối với người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý trong thực hiện nghĩa vụ tài chính, thuế đất và hoạt động kinh doanh liên quan. Đồng thời đặt ra nhiều thách thức trong việc cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, nhất là khu vực ngoại thành, miền núi.
So với bảng giá đất cũ, bảng giá đất điều chỉnh tại Quyết định số 71 ngày 20-12-2024 của UBND thành phố Hà Nội có mức tăng đáng kể, dao động từ 2 đến 6 lần. Đáng chú ý, giá đất cao nhất thuộc quận Hoàn Kiếm, với giá lên tới 695,3 triệu đồng/m². Mức giá này áp dụng cho đất ở vị trí 1 tại các tuyến phố, như: Lê Thái Tổ, Hàng Ngang, Hàng Đào, cao gấp 3,7 lần bảng giá cũ (187,9 triệu đồng/m²).
Một số tuyến phố ghi nhận mức tăng kỷ lục: Đường Trần Hưng Đạo (đoạn Trần Thánh Tông - Lê Duẩn) tăng từ 114 triệu đồng/m² lên 695,3 triệu đồng/m², gấp 6 lần. Đường Nhà Thờ tăng từ 125,4 triệu đồng/m² lên 695,3 triệu đồng/m², gấp 5,5 lần. Đường Hai Bà Trưng (đoạn Lê Thánh Tông - Quán Sứ) có mức cao nhất là 695,3 triệu đồng/m².
Tại quận Ba Đình, giá đất cao nhất thuộc đường Phan Đình Phùng, đạt 450,8 triệu đồng/m², gấp 3,4 lần so với bảng giá cũ. Các tuyến đường: Trần Phú, Độc Lập, Bắc Sơn (đoạn từ Độc Lập – Hoàng Diệu), Điện Biên Phủ cũng vượt ngưỡng 400 triệu đồng/m².
Trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, giá đất cao nhất ghi nhận tại đường Phố Huế (đoạn Nguyễn Du - Nguyễn Công Trứ) và Nguyễn Du (đoạn Quang Trung - Trần Bình Trọng) với giá 368 triệu đồng/m², tăng gần 3,5 lần. Quận Tây Hồ, ở đường Văn Cao có giá cao nhất là hơn 256 triệu đồng/m², tăng gần 3,3 lần so với bảng giá cũ.
Còn ở ngoại thành, bảng giá đất mới cũng ghi nhận sự điều chỉnh mạnh mẽ. Tại huyện Ba Vì, các vị trí trung tâm, như khu vực từ thị trấn Tây Đằng đến trạm điện ngã ba Đồng Bảng, xã Đồng Thái; đoạn từ giáp quốc lộ 32 đến tiếp giáp đường nối cầu Văn Lang - quốc lộ 32 có giá từ hơn 8,5 triệu đồng/m² đến hơn 10 triệu đồng/m2. Các xã miền núi, đất ở khu dân cư có giá hơn 1,2 triệu đồng/m²; các xã khu vực đồng bằng cũng hơn 2 triệu đồng/m2. Tuyến đường quan trọng ở các huyện ven đô đều tăng đáng kể, nhiều nơi có giá từ hơn 30 triệu đồng đến gần 70 triệu đồng/m2...
Việc gia hạn và điều chỉnh bảng giá đất lần này không chỉ bảo đảm tính minh bạch, công bằng mà còn là bước đệm quan trọng cho việc xây dựng bảng giá đất mới giai đoạn 2026-2030, phù hợp với Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ năm 2024. Quyết định số 71/2024/QĐ-UBND sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, và trong thời gian tới, các cơ quan liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã sẽ triển khai thực hiện, đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp nắm rõ, thực hiện đúng các quy định mới.
Điều này không chỉ giúp giảm thiểu tình trạng đầu cơ trái phép mà còn tạo ra môi trường đầu tư minh bạch và lành mạnh hơn. Khi giá đất phản ánh đúng giá trị thực, các dự án bất động sản có thể dễ dàng triển khai hơn, từ đó kích thích tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển hạ tầng đô thị và tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động.
Một cơ hội lớn nữa nằm ở việc tăng thu ngân sách từ nguồn thuế và phí liên quan đến đất đai. Với mức giá đất được điều chỉnh hợp lý, nguồn thu từ đất sẽ trở thành một nguồn lực quan trọng để đầu tư vào các dự án công cộng như giao thông, giáo dục, và y tế. Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ vào quá trình định giá đất có thể hiện đại hóa hệ thống quản lý, từ đó cải thiện hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Đồng thời, việc xây dựng bảng giá đất minh bạch còn giúp củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào chính sách của nhà nước. Các giao dịch bất động sản trở nên dễ dàng hơn, ít xảy ra tranh chấp và góp phần ổn định thị trường. Hơn nữa, sự minh bạch này còn thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt là tại Hà Nội, nơi được coi là trung tâm kinh tế và chính trị của cả nước.
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên, việc điều chỉnh giá đất cũng kéo theo không ít khó khăn và rủi ro. Chi phí đất tăng cao có thể gây áp lực tài chính lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ và những người thu nhập thấp. Điều này có thể dẫn đến sự đình trệ trong các giao dịch bất động sản hoặc làm giảm sức hút của thị trường đối với một số nhà đầu tư.
Quá trình định giá đất đòi hỏi sự chính xác và khoa học cao. Nếu thiếu thông tin đầy đủ hoặc cơ sở dữ liệu không đồng bộ, nguy cơ xảy ra sai sót trong định giá là rất lớn. Những sai lệch này có thể dẫn đến tranh cãi, khiếu kiện hoặc làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng trong xã hội.
Một thách thức khác là khả năng gây bất ổn tạm thời cho thị trường bất động sản. Những thay đổi lớn và đột ngột về bảng giá đất có thể tạo ra làn sóng đầu cơ hoặc khiến giá bất động sản tăng vọt ngoài tầm kiểm soát. Điều này đặc biệt nguy hiểm tại các khu vực đô thị đang phát triển nhanh, nơi mà sự biến động về giá đất có thể làm suy yếu sự ổn định kinh tế.
Ngoài ra, việc triển khai đồng bộ các chính sách liên quan đến bảng giá đất cũng không hề dễ dàng. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và sự đồng thuận từ phía người dân là yếu tố then chốt để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của việc điều chỉnh này.
Tiến Hoàng