Doanh nghiệp chè: Khó khăn trong việc ổn định đời sống công nhân

Trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp ngành chè chịu thiệt hại nặng nề, hoạt động sản xuất và xuất khẩu bị gián đoạn, ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu toàn ngành.

Ông Hoàng Vĩnh Long - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chè Việt Nam nhận định, năm 2020, ngành chè gặp rất nhiều khó khăn, khi các hợp đồng xuất khẩu của các doanh nghiệp đã ký kết nhưng do dịch Covid-19 khiến nhiều hợp đồng bị giãn, hoãn, thậm chí một số hợp động còn bị yêu cầu giảm giá, trong khi đó, các hợp đồng mới gần như không có. Đáng chú ý, vấn đề chi phí vận tải cũng gây khó khăn cho nhiều ngành hàng nông sản, trong đó có ngành chè. Nếu như mọi năm, chi phí vận tải chỉ khoảng 700-900 USD/container thì năm nay lên tới 2.700-3.000 USD/container, cao gấp 3 lần, tạo sức ép rất lớn về chi phí, trong khi giá chè lại giảm.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), triển vọng xuất khẩu chè trong năm 2021 vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khả quan, bởi dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, sản lượng chè tại các nước sản xuất chính tăng nhờ thời tiết thuận lợi như Ấn Độ và Kenia, trong khi nhu cầu vẫn chưa được cải thiện. Xu hướng xuất khẩu tiếp tục ảm đạm nếu tình hình dịch Covid-19 vẫn chưa được khống chế.

Về thị trường, cũng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, xuất khẩu chè sang các thị trường giảm trong 11 tháng năm 2020, đặc biệt hai thị trường chính là Pakistan và thị trường Đài Loan. Trong đó, lượng chè xuất khẩu sang thị trường Pakistan chiếm tỷ trọng lớn nhất, với 32,1% tổng lượng chè xuất khẩu, đạt 39.800 tấn, trị giá 75,8 triệu USD, giảm 7,3% về lượng và giảm 10,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu chè sang thị trường Đài Loan đạt 15,9 nghìn tấn, trị giá 24,7 triệu USD, giảm 10,2% về lượng và giảm 10,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Đáng chú ý, chè xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ tăng mạnh trong 11 tháng năm 2020, đạt 4.500 tấn, trị giá 4,96 triệu USD, tăng 368,4% về lượng và tăng 300,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá chè xuất khẩu bình quân tới thị trường Ấn Độ đạt 1.195,4 USD/tấn, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Mặt khác, nguyên liệu chè phục vụ cho chế biến chủ yếu từ các giống chất lượng thấp; sản phẩm chè hàng hóa phần lớn ở dạng nguyên liệu thô, nghèo nàn về chủng loại, chất lượng, mẫu mã chưa hấp dẫn, sức cạnh tranh thấp. Đồng thời, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tạo ra nhiều khó khăn và thách thức cho doanh nghiệp, đòi hỏi những sự thay đổi trong cơ cấu sản xuất cũng như chất lượng mẫu mã sản phẩm chè của các đơn vị kinh doanh nói chung và các doanh nghiệp chè nói riêng để nâng cao sức cạnh tranh, đảm bảo cuộc sống ổn định cho công nhân.

Doanh nghiệp chè: Khó khăn trong việc ổn định đời sống công nhân - Ảnh 1

Là một trong những đơn vị xuất khẩu chè chủ lực, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, phần lớn sản lượng chè khô của tỉnh Tuyên Quang được xuất khẩu nhưng chủ yếu ở mức giá thấp. Để nông dân có thu nhập cao và bền vững hơn thì yêu cầu về xây dựng vùng chè phải an toàn, đạt các tiêu chuẩn quốc tế. Trước tình hình trên công ty CP Chè Sông Lô đã nhanh chóng có động thái đối thoại với nông dân vùng trồng chè đặc sản, để thay đổi phương pháp chăm sóc chè.

Khi hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh Châu Âu chính thức có hiệu lực, công ty CP Chè Sông Lô cũng nhanh chóng đối thoại với nông dân vùng trồng chè đặc sản, để thay đổi phương pháp chăm sóc chè. Vấn đề cốt lõi là nâng cao chất lượng sản lượng chè búp và mở rộng diện tích, để đáp ứng những đơn hàng lớn. Nếu năm 2019 chè chất lượng cao được mua với giá 8 nghìn đồng thì năm 2020 công ty đang mua là giá 10 nghìn đồng/1kg. Khi áp dụng nghiêm ngặt quy trình canh tác hữu cơ hoặc quy trình canh tác GLOBALGAP theo chuẩn châu Âu, giá mua chè búp tươi chắc chắn là được nâng lên cao hơn.

“Phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho các hộ làm chè là tập trung thâm canh, tăng năng suất, để công ty có nguyên liệu đầu vào chất lượng. Phía công ty đã tập trung đầu tư vào dây chuyền công nghệ, chúng tôi đang xây dựng thương hiệu và đã làm việc với cục sở hữu trí tuệ để đăng ký nhã hiệu độc quyền cho sản phẩm của công ty”. Ông Vũ Đức Tráng, Phó tổng Giám đốc Công ty chia sẻ.

Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, với những mong muốn để ngành sản xuất chè có thể tạo được chuyển biến mạnh hơn trong sản xuất, kinh doanh, trong thời gian tới, Hiệp hội tập trung vào một số vấn đề trước mắt cần kíp như xây dựng vùng nguyên liệu; đề nghị các địa phương không cấp phép xây dựng nhà máy chè mới; phối hợp trong việc thanh tra tình hình sản xuất tại các nhà máy, nếu không đạt yêu cầu, sẽ khuyến cáo doanh nghiệp phải thay đổi cách thức sản xuất, thậm chí đề nghị đóng cửa các cơ sở sản xuất, chế biến không đủ tiêu chuẩn.

Thời gian qua, nhằm đẩy mạnh nâng cao giá trị cho các sản phẩm chè, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quy hoạch phát triển ngành chè theo hướng sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Các dự án tập trung vào việc giải quyết một số nhiệm vụ trọng tâm về thâm canh chè, nâng cao năng suất, chất lượng, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu... Nhiều địa phương đã hình thành vùng sản xuất tập trung, đưa khoa học kỹ thuật để sản xuất ra chè chất lượng cao như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Nghệ An… Cùng với đó, thí điểm xây dựng vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến sản phẩm để tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao giá trị, bảo đảm an toàn thực phẩm. Tức là, sản phẩm đã bảo đảm đủ tiêu chuẩn.

Dinh Vũ