Hội thảo có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng DN vừa và nhỏ trong bối cảnh Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đang được triển khai mạnh mẽ; thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng bằng cách phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân để tạo động lực chiến lược mới phát triển đất nước.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, với những yêu cầu ngày càng khắt khe về phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, “chuyển đổi xanh” đã trở thành một xu thế tất yếu giúp doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển lâu dài.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ đào tạo nhân lực và khuyến khích đổi mới công nghệ sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệpViệt Nam không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn xanh mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI) Trần Thị Thanh Tâm chia sẻ tạ hội thảo.
Theo bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI), chuyển đổi xanh không chỉ đáp ứng yêu cầu của thị trường, mà còn mang lại nhiều giá trị thiết thực cho doanh nghiệp. Chuyển đổi xanh không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp Việt tồn tại và phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
Các thị trường xuất khẩu ngày càng khắt khe hơn khi đưa ra các tiêu chuẩn về môi trường, chứng nhận sản phẩm hữu cơ, dấu chân carbon thấp... Nếu không nhanh chóng thích ứng, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị loại khỏi "cuộc chơi". Tuy nhiên, chuyển đổi xanh không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội lớn để doanh nghiệp nâng cao uy tín, tối ưu hoá quá trình sản xuất, tiết kiệm chi phí và tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.
“Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là hai quá trình bổ trợ lẫn nhau, ứng dụng công nghệ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tự động hóa, phân tích dữ liệu, giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh”, bà Tâm nói.
Hiện xu hướng người tiêu dùng đang ngày càng không chỉ quan tâm đến chất lượng và giá cả sản phẩm, còn chú trọng đến yếu tố môi trường, quy trình sản xuất và nguồn gốc bền vững của sản phẩm. Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản đang ngày càng áp dụng các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt hơn với hàng hoá nhập khẩu. Những quy định như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU, hay các yêu cầu về chứng nhận sản phẩm hữu cơ, sản phẩm có hàm lượng carbon thấp... nếu doanh nghiệp không kịp thích ứng sẽ không thể thâm nhập vào các thị trường này.
Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Nguyễn Văn Thành cho hay, thương mại điện tử xuyên biên giới đang phát triển mạnh trong thời gian qua, tại Việt Nam năm 2022 đạt 3,5 tỷ USD, tăng 7% so với năm trước. Dự báo đến năm 2027 con số này có thể đạt 5,5 tỷ USD, vì thế để gia tăng xuất khẩu, DN cần nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng xanh hoá, phát triển bền vững đảm bảo yêu cầu đặt ra đối với các nước trên thế giới.
Cùng với đó, đẩy mạnh đào tạo cho các DN về phát triển nhân lực số, hạ tầng logistic; xây dựng tiếp cận đa kênh trên các sàn thương mại điện tử, thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá trong nước qua thương mại điện tử… để gia tăng xuất khẩu.
Ông Đàm Quang Thắng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Agricare Việt Nam, cố vấn cấp cao Ban Khởi nghiệp quốc gia.
Ông Đàm Quang Thắng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Agricare Việt Nam, cố vấn cấp cao Ban Khởi nghiệp quốc gia, nhấn mạnh: Thị trường xuất khẩu xanh và bền vững là "mỏ vàng" đầy tiềm năng cho doanh nghiệp Việt, để khai thác hiệu quả doanh nghiệp cần nỗ lực vượt qua nhiều rào cản. Rào cản kỹ thuật và các quy định kiểm dịch là một trong những thử thách lớn nhất của doanh nghiệp Việt khi bước ra thị trường quốc tế. Doanh nghiệp cần đầu tư vào việc nghiên cứu thị trường, tìm hiểu hành vi tiêu dùng và xây dựng câu chuyện "xanh" hấp dẫn, độc đáo để thu hút sự quan tâm của khách hàng quốc tế. Câu chuyện đó có thể là quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, sử dụng nguyên liệu tái chế, hỗ trợ cộng đồng địa phương hoặc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống
Hoàng Nhung