Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng chỉ số IIP bắt đầu chậm lại từ quý IV/2022 (chỉ tăng 3%) và giảm trong các tháng đầu năm 2023. Đây là hiện tượng hiếm thấy và ngược chiều so với cùng kỳ nhiều năm trước đây (5 tháng năm nay giảm 2%, trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 8,1%).
Đáng chú ý, IIP giảm thấp diễn ra ở 2 ngành chủ yếu là: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành khai khoáng. Ngành là sản xuất và phân phối điện tăng nhẹ 0,8%; ngành cung cấp nước và hoạt động xử lý nước thải, rác thải tăng 6,4%. Tuy nhiên, 2 ngành này chiếm tỷ trọng nhỏ.
Sự sụt giảm hoặc tăng thấp của công nghiệp diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố. Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2023, Quảng Nam giảm 36,7%; Bắc Ninh giảm 19,1%; Vĩnh Long giảm 16,6%; Sóc Trăng giảm 16,5%; Đà Nẵng giảm 4,8%; Hòa Bình giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tình trạng này có thể còn tiếp tục trong những tháng tới, do nhiều yếu tố. Trước hết, là chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp. Toàn ngành giảm 3,5%; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm sâu hơn (3,7%). Một số ngành cụ thể còn giảm sâu hơn nữa, như: sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; sản xuất kim loại; dệt, may; sản xuất da và các sản phẩm khác có liên quan; sản xuất vật liệu xây dựng…
Cùng với đó, so với cùng kỳ năm ngoái, số doanh nghiệp công nghiệp khởi nghiệp giảm 1,6%; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 7,4%; số doanh nghiệp giải thể tăng 6,5%; số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh tăng 20,3%; số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng 34,1%. Những doanh nghiệp đang hoạt động gặp rất nhiều khó khăn ở đầu ra.
Về sản xuất, những hạn chế của ngành công nghiệp tuy có cải thiện, nhưng chưa đáng kể. Công nghiệp hỗ trợ còn yếu; tính gia công, lắp ráp còn lớn; tỷ trọng doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo có trình độ kỹ thuật công nghệ cao còn thấp.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) cho rằng, khó khăn của kinh tế toàn cầu là phép thử đối với sự chống chịu của kinh tế trong nước, nhưng cũng là cơ hội để sắp xếp, điều chỉnh chính sách như: chính sách thu hút đầu tư, xác định thế mạnh xuất khẩu, phát triển thị trường nội địa. Đây cũng là thời điểm để điều chỉnh giảm thời giờ làm việc, thời giờ làm thêm cho người lao động.
Còn theo đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn Đà Nẵng), để phát huy tối đa hiệu quả các gói hỗ trợ, Chính phủ cần rà soát tất cả chính sách đã ban hành, nhất là chính sách trong phục hồi, phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để xem đã phù hợp chưa.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, thách thức các quý tới là rất khó khăn. Hiện, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, công điện, chỉ thị, giải quyết nhiều ách tắc, tháo gỡ nhiều vướng mắc khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng.
Bộ trưởng nhận định, doanh nghiệp đang gặp 3 khó khăn chính là dòng tiền, thị trường và khả năng hấp thụ vốn. Doanh nghiệp nếu không có đơn hàng thì không thể vay vốn.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ cố gắng tháo gỡ dòng tiền để doanh nghiệp có tiền trả nợ đến hạn, đóng thuế, trả lương cho nhân viên, dùng làm vốn lưu động... Còn một vấn đề nữa là tháo gỡ khó khăn về ách tắc thủ tục hành chính.
Tiến Hoàng