Đôi điều suy ngẫm về SÁCH

Sách là gì? Có vô số câu trả lời ứng với vô vàn định nghĩa về sản phẩm văn hóa này…

Nhân loại đã sáng tạo ra “Bát đại kỳ thư” – Tám trước tác lớn, hầu như bao hàm toàn bộ nền văn hóa Phương Đông và Phương Tây, đó là “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung, “Tây du ký” của Ngô Thời Ân, “Hồng lâu mộng” của Tào Tuyết Cần, “Thủy hử” của Thi Nại Am, “Ba chàng ngự lâm pháo thủ” của A Lếch Xăng Đuyma, “Chiến tranh và hòa bình” của Lép Tôn Tôi, “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” của Cô Lin Mác Ca Lâu, “Bố già” của Mario Pu Zô.

Sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sách - bản thân nó có cả quyền lực cứng và quyền lực mềm. Toàn thể nhân loại, từ em bé trẻ thơ năm bảy tuổi đến các cụ già đầu bạc đều đọc nó, học nó và làm theo nó. Sách có mặt ở khắp mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ nơi đô hội đến nơi “thôn cùng xóm vắng”, nó len lỏi vào tâm can của mọi người và định nghĩa quan trọng nhất - sách là sức mạnh vì “tri thức là sức mạnh” mà sách bao hàm phần lớn tri thức của nhân loại. Sách là thứ ngoại thân khi sinh không mang đến và khi chết không mang đi. Sinh thời lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản Vladimir Ilich Lenin – nổi tiếng là người ham đọc sách, với câu nói nổi tiếng đã nằm lòng biết bao nhiêu thế hệ những người cộng sản Việt Nam: “Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa Xã hội và chủ nghĩa cộng sản”.

Nhân loại viết ra sách, sáng tạo ra sách nhưng éo le thay không hiểu hết nó mà thậm chí có những chữ ở trong đó mà giảng mười năm không hết, suy nghĩ nghìn năm không thấu tỏ. Đơn cử như chữ “Dịch” trong cuốn “Kinh dịch” - một cuốn “sách lạ” trong giới văn học và học giả của nhân loại.

Trong “Kinh thi” một trước tác lớn của nước Trung Hoa cổ đại cách nay 3000 năm có đoạn viết:

Thiên tử trọng hiền hào

Văn chương giáo nhĩ tào

Vạn ban giai hạ phẩm

Duy hữu độc thư cao

Ở đây, vừa là đánh giá tổng quát về sách, vừa có ý nghĩa mạnh mẽ về sách và có ý nghĩa cao về khuyến học: Nhà vua, Triều đình, Quốc gia trọng hiền tài, Nhà vua dạy chúng dân học văn chương, muôn việc đều là sản phẩm thấp, chỉ có đọc sách là cao.

Trong thực tế cuộc sống có câu: “nói có sách mách có chứng”, điều này cho thấy sách đáng tin cậy hơn nói. Thuộc tính cơ bản của sách là tính chính xác, tính lưu trữ lâu dài là văn bản gốc. Nhiều câu danh ngôn đã xác định vị trí đặc biệt và tính tôn quý của sách:

Dưỡng tử giáo dục thư

Thư trung hữu kim ngọc

Nuôi con cho học sách

Trong sách có vàng và ngọc

Di tử kim mẫu doanh

Hà như giáo nhất kinh (sách)

Để cho con hòm vàng đầy

Không bằng dạy cho con đọc một cuốn sách

Hai câu sau đánh giá sách cao hơn hai câu trước vì hai câu trước: Sách ứng với vàng ngọc, rất có thể vàng rời, ngọc vụn giá trị thấp. Còn hai câu sau: Sách được ứng với hòm (doanh) vàng đầy và có giá trị cao.

Người xưa có câu: “Thư trung hữu nữ nhan như ngọc” nhằm khuyên con cháu cứ cố gắng “khổ học” đi, trong sách có người con gái đẹp như ngọc. Đây là câu châm ngôn đánh giá về sách cao nhất vì sách được ví với con người là thứ quý giá nhất trong vũ trụ, hơn nữa lại là người con gái đẹp. Vì thế có biết bao nhiêu chàng trai ưu tú có cốt cách cao đẹp, phong nhã hào hoa, ngày đêm dùi mài kinh sử để mong “phong vân gặp hội, anh hào ra tay”, để mong thành đạt và cầu được người con gái đẹp ở trong sách.

Đây là một trong những câu hay nhất về khuyến học, khuyến tài, nó ám ảnh và động viên, thôi thúc các trang nam nhi từ các công tử quý tộc đến bình dân, cứ cố gắng hết sức học đi để tới ngày “Đại đăng khoa” đỗ đạt đi rồi tới ngày Tiểu đăng khoa - cưới vợ và là người vợ đẹp. Câu này còn bao hàm cả ý nghĩa lãng mạn trong mọi thời đại vì nó chạm đến những tâm tưởng những ước mơ thầm kín của mọi con người về một bóng hồng lung linh huyền ảo mà gần gũi, trong tầm tay với của những người trai khổ công bền chí học hành, trở thành bậc đại tài. Ở đất Việt, trong lịch sử cổ đại và hiện đại không thiếu những người như vậy. Có thể nêu danh một người cụ thể đó là Bảng nhãn Lê Quý Đôn, người có trí nhớ chụp ảnh, được nhân dân tôn vinh bằng câu: “Thiên hạ vô tri vấn bảng Đôn” trong thiên hạ mọi người không biết, không hiểu điều gì thì đến hỏi Bảng nhãn Lê Quý Đôn thì sẽ được giải đáp.

Chuyện kể rằng, một ngày nọ Cụ Lê Quý Đôn đến thăm người Lý trưởng đứng đầu một xã, trên bàn trà có để một cuốn sổ nợ tiền thuế của người dân trong xã, Cụ đọc kỹ một lần để nắm được tình hình làm ăn kinh tế biểu hiện bằng số tiền đóng thuế và nợ thuế ra sao.

Sau đấy ba ngày nhà Lý trưởng bị cháy và cuốn sổ nợ cũng bị cháy theo. Với tâm thế vô cùng sợ hãi ông ta đến thưa chuyện với Cụ Bảng và được Cụ chép lại nguyên văn cuốn sổ nợ ngày bố cáo các khoản nợ, ông Lý toát mồ hôi hột nín thở đọc từng khoản nợ và nhận thấy đúng hoàn toàn.

Lê Quý Đôn là nhà Bác học, nhà Văn người làng Diên Hà, Huyện Diên Hà, Trấn Sơn Nam nay là Tỉnh Thái Bình. Ông có trí nhớ siêu việt, thông minh từ bé. Người đương thời gọi ông là thần đồng. Ông thi đỗ cả Giải nguyên, Hội nguyên và Đình nguyên, song hội thi ấy không lấy Trạng nguyên nên ông chỉ là Bảng nhãn. Ông tham gia biên tập Quốc sử kiêm Tư nghiệp Quốc tử giám.

Xưa nay trên thế giới cũng xuất hiện nhiều người có trí nhớ chụp ảnh. Người đời thường nhắc đến hai nhân vật trong cuốn sách “Tam quốc diễn nghĩa” là Đại Đô đốc Chu Công Cẩn (Chu Du) ở nước Đông Ngô và Ngọa Long tiên sinh Gia Cát Lượng Khổng Minh – Ngọa Long (Rồng nằm) là thừa tướng nước Tây Thục. Tại cuộc hội kiến để bàn kế sách đối phó với địch trong trận Xích Bích được diễn ra trong thư phòng của Chu Du, sau khi quan sát một lúc, Gia Cát hỏi Chu Du:

Tại sao trên giá sách lại không có cuốn sách nào?

Trả lời: “Tôi đọc xong cuốn nào thì thuộc và hóa (đốt) luôn”, Gia Cát Lượng nói: “tôi cũng vậy nhưng thư phòng của tôi nhiều hơn một cuốn sách đó là cuốn Hồng lịch. Tôi là người hay du ngoạn sơn thủy, nếu không có lịch thi không biết Tần Hán là thế nào”.

Từ đó trong thiên hạ mới biết Trung Hoa cổ cũng xuất hiện hai bậc đại tài có trí nhớ chụp ảnh.

Chung quy lại, người đọc cần biết đọc sách, hiểu sách, thuộc sách, là những công đoạn cần thiết mà mỗi công đoạn là một quá trình, ngoài yếu tố thiên bẩm còn cần kiên trì, khổ công học tập theo phương châm “Mười ngày đọc mà suy ngẫm một chữ hơn là một ngày đọc mười chữ”. Hơn nữa, cần biết mình là ai và đang ở đâu, bối cảnh ra sao bởi vì người xưa thường dạy rằng: Người nhỏ tuổi đọc sách như “ngắm trăng qua kẽ lá”. Người trung niên đọc sách như “ngắm trăng ngoài sân”. Bậc trưởng lão, cao niên đọc sách như “thưởng trăng trên đồi cao”. Do vốn sống nhiều ít mà thu hoạch khác nhau.

Trong thời đại cách mạng siêu công nghiệp đang tiến triển như vũ bão, lượng thông tin như núi và mọi thứ đều biến đổi cực nhanh, song thời gian mà tạo hóa ban cho mỗi người là như nhau và có hạn. Mỗi người cần chạy đua với thời gian theo hướng chủ động, tốc độ, hiệu quả và phải tính toán chi ly từng phút. Yếu tố sách vở cũng phải thay đổi, năm nay, hiện giờ cuốn sách này có nội dung hay, đúng song tương lai rất ngắn có thể sẽ không còn phù hợp nữa, cần phải thay đổi, sửa chữa, bổ xung để đồng bộ với bước tiến của thời gian. Bởi vậy trí nhớ, dù là trí nhớ chụp ảnh, cũng phải vận động thay đổi liên tục, không ngừng nghỉ để mang lại lợi ích cho mọi người và cho chính mình.

Thăng Long – Hà Nội – Thu Đông 2022

Tiến Khải

Từ khóa: