Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 8% và hướng tới mức 2 con số trong giai đoạn tiếp theo. Ngay từ đầu năm 2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định liên quan đến việc miễn, giảm, giãn, hoãn thuế đến hết tháng 6/2025 cho các doanh nghiệp (DN) triển khai thực hiện. Việc miễn, giảm, giãn, hoãn thuế này không chỉ hỗ trợ cho DN, mà còn hỗ trợ ngay cho người dân để có thể mua được hàng hóa nhiều hơn, thực hiện kích cầu trong nước.
Dù các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng được chú trọng, song theo khẳng định của giới chuyên gia, về lâu dài cần phải làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống.
Cụ thể, về đầu tư, kế hoạch năm 2025, các bộ, ngành và địa phương sẽ phải thực hiện giải ngân tổng vốn đầu tư công khoảng 295 nghìn tỷ đồng, cộng với số chuyển tiếp của năm 2024 theo quy định của pháp luật khoảng hơn 300 nghìn tỷ đồng. Đây là con số rất lớn, nếu chúng ta giải ngân được hết số vốn này thì sẽ tạo động lực để thu hút các thành phần kinh tế khác, làm vốn mồi để thu hút, thúc đẩy tăng trưởng.
Về tiêu dùng, năm 2025 được xác định sẽ là năm thực hiện kích cầu tiêu dùng trong nước. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, không chỉ Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới cũng thực hiện. Theo đó, năm 2025 sẽ tập trung kích cầu tiêu dùng trong nước, trong đó có thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Cụ thể, phấn đấu thu hút 120 -130 triệu lượt khách du lịch trong nước và khoảng 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Đây là một trong những nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng.
Đối với xuất khẩu, sẽ đẩy mạnh 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, trong đó có thị trường hàng hóa Halal. Đây cũng là một trong những động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo chuyên gia của Ngân hàng UOB, dựa trên động lực mạnh mẽ được tiếp nối từ năm 2024, kết hợp với việc xem xét những rủi ro và tác động ngược từ các cuộc xung đột thương mại sắp tới từ chính quyền Mỹ, UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam vào năm 2025 lên 7%. UOB cho rằng các động lực trong nước như: sản xuất, chi tiêu của người tiêu dùng và lượng khách du lịch sẽ đóng góp thêm cho tăng trưởng chung.
Ngân hàng HSBC cũng đặt ra kỳ vọng trong tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam khi ngành sản xuất đã thoát khỏi khó khăn của năm 2024 một cách mạnh mẽ, từ đó hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu với mức hai chữ số... Tiếp nối đà hồi phục của năm cũ, HSBC tiếp tục dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 của Việt Nam ở mức 6,5%.
Ngân hàng này nhận định, Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia năng động bậc nhất châu Á. Cũng như thế giới, Việt Nam lấy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh làm động lực quan trọng để phát triển.
Theo các chuyên gia kinh tế, dư địa đẩy mạnh đầu tư công vẫn còn nhiều. Bức tranh về ngân sách Nhà nước và nợ công của Việt Nam hiện ở trạng thái tích cực, từ đó tạo nhiều dư địa cho việc gia tăng thêm nợ vay của Chính phủ và thúc đẩy chi tiêu đầu tư công.
Bên cạnh đó, tầm nhìn của Chính phủ về tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2026 - 2030 là 7,5 - 8,5%/năm. Do vậy, yếu tố then chốt để đạt được kế hoạch tăng trưởng GDP này phần lớn sẽ đến từ các hoạt động giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, khi các luật mới ban hành có hiệu lực.
Tiến Hoàng