Ước mơ làm canh tác xanh “trái ngành, trái nghề”
Anh Bùi Anh Vũ (sinh năm 1989), cử nhân trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Quốc gia Úc với cơ hội làm việc trong ngành Tài chính, ở các Tập đoàn lớn như VinaCapital, Viettel... có thể dễ dàng sở hữu một chức vụ cùng mức lương đáng mơ ước. Thế nhưng Vũ lại quyết định chuyển hướng sang một lĩnh vực gần như là trái ngành, trái nghề, đó là quay về khởi nghiệp kinh doanh các mặt hàng hữu cơ. Công việc kinh doanh suôn sẻ nhưng ước mơ mang đến những sản phẩm sạch cho sức khỏe cộng đồng vẫn canh cánh trong lòng chàng trai trẻ. Vì thế, vào năm 2021, anh Vũ đã quyết định trở về Ba Vì - quê anh, bắt tay từ những lá chè và hướng tới canh tác cây trồng theo hướng sinh thái, không hóa chất với dự án mang tên “Thung lũng màu xanh”.
Với mong muốn mang lại những sản phẩm sạch và an toàn cho người tiêu dùng, dự án "Thung lũng màu xanh" là hành trình khởi nghiệp đầy nhiệt huyết của chàng trai trẻ Bùi Anh Vũ. Đây là mô hình chuyển đổi canh tác chè, dược liệu và các loại nông sản khác sang hướng tự nhiên, sinh thái, không hoá chất nhằm đem lại sinh kế lâu dài và bền vững cho người dân bản địa tại thôn Chóng, xã Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội.
Anh Vũ chia sẻ: “Thung lũng màu xanh” bắt đầu từ mong muốn có những sản phẩm lành, sạch cho người thân và bạn bè, mang đến môi trường canh tác bảo vệ sức khỏe người làm nông cũng như lan toả niềm tin canh tác nông nghiệp sinh thái khả thi cho các hộ dân xung quanh và đặc biệt là bảo vệ môi trường. Dự án hướng tới canh tác các loại nông sản: chè, gia vị… để có vụ mùa liên tục và thay đổi nhằm tăng thu nhập cho các hộ dân. Tuy nhiên, hiện tại chủ yếu sản phẩm canh tác chính của dự án là chè búp và trà xanh bởi Ba Vì được biết đến là nơi lý tưởng cho việc trồng chè.
Nâng tầm sản vật quê hương theo hướng canh tác sinh thái
Với địa hình đồi núi và khí hậu ôn đới, chè Ba Vì có hương vị đậm đà, ngọt hậu, được ưa chuộng ở trong và ngoài nước. Cây chè và nghề trồng chè đã có ở Ba Vì từ lâu đời, sản phẩm chè trước đây làm ra nhằm cung cấp cho nhu cầu thưởng thức của người dân trong vùng và khu vực. Sau này, chè Ba Vì được đẩy mạnh ở các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, do đó, chính phủ và UBND huyện Ba Vì đã khuyến khích các hộ, các địa phương cùng doanh nghiệp tăng cường đầu tư phát triển vùng chè.
Vốn đã có kinh nghiệm kinh doanh các sản phẩm hữu cơ nhiều năm, khi trở về quê hương, thấy phần đất canh tác của gia đình, anh Vũ nảy ra ý tưởng thực hiện nông nghiệp sinh thái. Năm 2021, chỉ với 3 thành viên, dự án của anh bước đầu được tiến hành từ chính phần đất canh tác của gia đình và một số hộ dân xung quanh. Anh Vũ bắt đầu từ việc giúp mọi người “cai” dần hoá chất, không sử dụng thuốc diệt cỏ trong trồng trọt mà để chè và các cây trồng khác phát triển tự nhiên.
Nhờ sự cố gắng và đồng hành của các thành viên và người dân, dự án đã thu được những “trái ngọt” đầu tiên. Trong vòng 3 năm, “Thung lũng màu xanh” đã mở rộng phần đất canh tác từ 2 ha lên 6 ha. Từ chỉ trồng chè và lúa, canh tác lại các vườn bị bỏ không đến việc gây dựng thành công vườn trồng cây ăn quả, cây rau, dược liệu chè và lúa canh tác sinh thái, không hoá chất. Dự án cũng thành công sản xuất các sản phẩm để bày bán trên thị trường đồng thời, hướng canh tác sinh thái đang dần lan tỏa ra tới những hộ dân khác trong thôn.
Được biết, mô hình canh tác được anh Vũ và người dân áp dụng là để cây trồng phát triển tự nhiên, như cây chè, bản chất vốn khoẻ nên không hay bị sâu bệnh ảnh hưởng nhiều. Chỉ duy có một vấn đề, theo anh Vũ, cần phải lưu ý là khi búp chè lên tốt ngon mà không thu hoạch kịp thời, sẽ bị bọ xít, muỗi đến ăn mất (châm chích làm đen, cháy lá chè).
Về quy trình sản xuất chè, anh Vũ cùng các thành viên đã tập trung vào việc tạo ra sản phẩm chất lượng cao và bảo vệ môi trường. Điều này được thực hiện bằng cách kết hợp cách làm truyền thống của các cụ ngày xưa và sự sáng tạo hiện đại. Môi trường sạch là ưu tiên hàng đầu, vì vậy quy trình sản xuất không sử dụng chất bảo quản hoặc phụ gia hóa học. Thay vào đó, anh Vũ và đội ngũ của mình tận dụng tối đa tự nhiên, nương tựa vào các yếu tố thiên nhiên như ánh nắng mặt trời và gió để phơi chè. Điều này giúp tạo ra một sản phẩm sạch và tự nhiên.
Mùi vị và hương trà của chè là điều mà anh Vũ luôn quan tâm. Để đảm bảo mùi vị thơm ngon và ngọt thanh, việc sản xuất và chế biến chè tập trung vào việc giữ nguyên hương vị tự nhiên của lá chè. Từ việc làm héo nhẹ cho đến việc phơi trên nong và sử dụng tôn quay để diệt men, sao chè, mỗi bước đều được thực hiện bằng tay với sự cẩn thận và kỹ lưỡng. Điều này giúp tạo ra một loại trà có hương vị đặc trưng, thanh mát, ngọt hậu và không có vị đắng hay chát xít từ việc sử dụng hoá chất. Từ đó tạo ra những sản phẩm chất lượng cao với mùi vị độc đáo và hương thơm ngọt ngào, khác biệt hoàn toàn so với chè sử dụng hoá chất.
Ngoài ra, các sản phẩm của “Thung lũng màu xanh” còn gây ấn tượng cho người tiêu dùng bởi bao bì thân thiện lạ mắt. Không sử dụng bao bì ni lông hay nhựa polyethylene như các sản phẩm trà khác, sản phẩm của Thung lũng màu xanh được đóng trong bao bì giấy, trên mỗi gói trà còn in mã QR dẫn đến trang web của dự án nhằm giảm thiểu rác thải khó phân hủy ra môi trường.
Những khó khăn gặp phải
Trở về quê xây dựng mô hình của riêng mình, anh Vũ trải lòng: Về những khó khăn gặp phải trong hành trình bắt đầu khởi nghiệp cho đến nay, với tôi đó là việc thuyết phục các hộ dân theo mình thực hiện canh tác sinh thái. Hiểu được việc nếu các hộ dân theo mình, họ phải đối mặt khó khăn lớn nhất với kế sinh nhai của mình là chấp nhận hi sinh sản lượng (nguồn cung thấp) và chất lượng (các vụ mùa đầu). Anh Vũ và các thành viên trong dự án đã quyết định chấp nhận bỏ nguồn vốn lớn hơn, gấp rưỡi thị trường để bù vào giá thu mua chè: Giá chè thường dao động 5-8.000đ/kg thì thu hơn 20.000đ/kg. Từ đó, đảm bảo được lòng tin của người dân khi canh tác theo hướng hữu cơ.
Trong quá trình sản xuất, cả đội cũng gặp không ít lần nản chí. Anh Vũ nhớ lại vào mùa đông năm ngoái khi sản lượng chè tăng cao, chỉ trong 3 ngày đầu phun thuốc, người ta đã có thể hái được búp chè non thì bên mình phải chờ tới tận 3 đến 4 tháng mới có thể thu hoạch được 1 búp chè. Tuy nhiên, thành phẩm mang lại chính là “trái ngọt” cho sự chờ đợi đó.
Hiện tại mọi hoạt động của dự án đang dần đi vào ổn định hơn, khi được hỏi về những ấp ủ trong tương lai, anh Vũ chia sẻ, bản thân muốn quy hoạch các khu trong dự án thành một hệ thống, thống nhất và mở rộng như đúng với cái tên: “Thung lũng màu xanh” đã đặt.
Đặc biệt, để người dân có kế sinh nhai bền vững, anh Vũ cho hay: Thời gian tới, anh và các thành viên của dự án dự định sẽ phát triển và mở rộng mô hình canh tác. Các sản phẩm sẽ không chỉ dừng lại ở chè mà còn thêm cả nhiều loại dược liệu, gia vị. Điều này sẽ tận dụng được hết phần đất vườn còn đang bị bỏ không hiện tại, đồng thời làm cho sản phẩm thu được trở nên đa dạng. Đối với anh, nông nghiệp bền vững nó không tập trung ở độc canh mà nó sẽ đa dạng để có những mùa này mùa kia để các hộ dân có thu nhập bền vững.
Hiện tại, các sản phẩm của “Thung lũng màu xanh” đang được bày bán tại chuỗi siêu thị hữu cơ Xanhsam Natural & Organic và một số điểm du lịch sinh thái ở Ba Vì, homestay ở Yên Bái, bao gồm: Trà búp truyền thống, trà thảo mộc, mật ong ngâm hoa đu đủ đực, mật ong ngâm nguyên chất hoa vườn, trà lạc tiên, bột trà xanh nguyên chất… Ngoài ra, còn có những set quà để cho các dịp lễ hay để đem đi biếu, tặng. Quý độc giả có thể tìm mua các sản phẩm trên của “Thung lũng màu xanh” tại:
https://m.facebook.com/thunglungmauxanh.bavi?mibextid=LQQJ4d.
Có thể thấy, so với các mô hình khác, dự án “Thung lũng màu xanh” của anh Bùi Anh Vũ mặc dù chưa lớn về quy mô, nhưng thể hiện tư duy sản xuất mới, có sự liên kết giữa các khâu và đón đầu xu hướng phát triển của nông nghiệp. Vẫn kiên định với lựa chọn trở thành người nông dân thế hệ mới, cùng với những giọt mồ hôi, tri thức và hoài bão của tuổi trẻ, tin chắc rằng, Bùi Anh Vũ sẽ đạt được nhiều “trái ngọt” hơn nữa trong cuộc hành trình khởi nghiệp trên cánh đồng quê hương.