Du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới: Xu hướng tất yếu để phát triển bền vững

Du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) là hướng đi đúng, là xu hướng tất yếu và có nhiều cơ hội để phát triển trong tương lai, nhất là sau đại dịch Covid-19

Báo cáo của Bộ NN&PTNT và Bộ VH-TT&DL về thực trạng và định hướng phát triển du lịch nông thôn ở nước ta nhằm đề xuất với Chính phủ những chính sách thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn trong thời gian tới diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Trần Thanh Nam nhận định: Trong 5 năm qua, vai trò của du lịch nông thôn thể hiện rõ trên ba khía cạnh: Góp phần đưa giá trị của nông nghiệp và nông thôn lên cao, góp phần phát triển ngành nghề nông thôn bằng các sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) và phát huy giá trị văn hóa của các vùng miền.

Du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới: Xu hướng tất yếu để phát triển bền vững - Ảnh 1

Sở hữu nhiều lợi thế nhưng hiện tại, việc phát triển du lịch nông thôn vẫn tồn tại một số hạn chế như công tác quy hoạch cho du lịch cộng đồng, làng nghề, trang trại sinh thái gần như chưa có, rà soát cơ chế quản lý cho mô hình du lịch nông thôn, hạ tầng và nguồn nhân lực (mỗi điểm du lịch có ít nhất 1 hướng dẫn viên biết tiếng Anh) và đảm bảo chuỗi du lịch với các công ty lữ hành còn nhiều kẽ hở.

Xóa bỏ tự phát, xây dựng hướng đi bài bản

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, các loại hình du lịch nông thôn chủ đạo là du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Các sản phẩm du lịch nông thôn hiện đang khai thác tập trung vào giá trị cảnh quan sinh thái nông thôn, hoạt động sản xuất nông nghiệp, giá trị văn hóa truyền thống của khu vực, sản phẩm nghỉ dưỡng nông thôn chất lượng cao,…

Hiện cả nước có 73 tuyến du lịch có dẫn khách đến các điểm du lịch nông thôn, có 365 điểm du lịch nông thôn. Số lao động tham gia vào lực lượng du lịch nông thôn chưa nhiều; ước tính mỗi tỉnh, thành phố có khoảng 500- 1.000 lao động trong lĩnh vực du lịch, lao động du lịch nông thôn chỉ chiếm khoảng 5-10% tổng lực lượng lao động trong ngành Du lịch, 2/3 trong đó là lao động gián tiếp.

Du lịch nông thôn chủ yếu quy mô nhỏ, do các doanh nghiệp, hộ gia đình, tổ hợp tác cung cấp. Hiện nay, mô hình tổ chức du lịch nông thôn chủ yếu mang tính chất tự phát và chưa có chính sách tổng thể cho phát triển du lịch nông thôn ở cấp quốc gia. Các chính sách phát triển chủ yếu hiện nay lồng ghép vào các chương trình phát triển và các chính sách đặc thù của từng địa phương.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định mối quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực du lịch nông thôn. “Phát triển du lịch nông thôn phải được xác định là một trong những giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy xây dựng NTM bền vững, đồng thời NTM là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp phát triển đa dạng, bền vững của du lịch”.

Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch lồng ghép nội dung phát triển du lịch nông thôn vào Chương trình MTQG xây dựng NTM. Để thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn, Bộ NN&PTNT đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM phù hợp với định hướng xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 để trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Đây là cơ sở để đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển du lịch nông thôn thời gian tới.

Đại diện Tổng cục Du lịch tán thành đề xuất của Bộ NN&PTNT về việc xây dựng Đề án này trên cơ sở Đề án của năm 2019 đã trình lên Chính phủ và sẽ có sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình Covid-19 hiện nay. Bà cho rằng phát triển du lịch nông thôn trong thời kỳ Covid-19 lại là một cơ hội cho ngành du lịch phát triển bởi khách du lịch ngày càng có xu hướng đến với thiên nhiên, các điểm du lịch hoang sơ và tránh xa các điểm du lịch đông khách truyền thống. 

Theo đại diện Tổng cục Du lịch, tiêu chí về du lịch cộng đồng đã có cần áp dụng bài bản rộng rãi hơn. Địa điểm du lịch cộng đồng phải đảm bảo ba điều kiện, có đăng ký kinh doanh, đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự, PCCC, ATVSTP và đảm bảo các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật để phục vụ khách du lịch.

Sản phẩm du lịch được xây dựng cần đảm bảo 3 yếu tố đa dạng, đặc sắc và gia tăng giá trị. Từ đó, đẩy mạnh phát triển, hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi địa phương, luôn luôn đổi mới sáng tạo cho điểm đến và kết hợp nông nghiệp trong du lịch nhằm quảng bá, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống; thực hiện tốt công tác bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị văn hoá. Phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm (OCOP), quảng bá sản phẩm OCOP.

Cũng đồng thuận với những đề xuất của Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đoàn Văn Việt cho rằng: “Du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới là hướng đi đúng, là xu hướng tất yếu và có nhiều cơ hội để phát triển trong tương lai, nhất là sau đại dịch Covid-19, nhu cầu du lịch của người dân tới các vùng quê dân dã, gần gũi thiên nhiên, mong muốn được trải nghiệm, khám phá những giá trị văn hoá độc đáo ở địa phương tại điểm đến. Đồng thời hướng đến một nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững; phát triển sản phẩm OCOP, làm sống dậy những làng nghề truyền thống… Tuy nhiên, việc tổ chức quản lý hoàn toàn tự do, không có kinh nghiệm. Điều đó cho thấy việc xây dựng Đề án phát triển hiệu quả gắn với xây dựng NTM, OCOP để có hành lang pháp lý, định hướng chung là rất cần thiết.

Để thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn trong giai đoạn tới theo hướng bền vững, cần có các định hướng giải pháp phát triển du lịch nông thôn phải đảm bảo các nguyên tắc về tôn trọng văn hóa địa phương, chia sẻ lợi ích, đảm bảo phát triển bền vững và có trách nhiệm. Các mô hình phát triển du lịch nông thôn phải phù hợp với thực tế của từng vùng, từng địa phương.

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Bảo Anh