Năm 2024, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng. Con số này bằng với thời điểm năm 2019 - “năm vàng” của du lịch Việt Nam trước đại dịch Covid-19.
Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy ngành du lịch Việt Nam đang dần phục hồi sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, ngành du lịch cần nỗ lực vượt qua những thách thức, cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực.
Du lịch bền vững, du lịch trải nghiệm vẫn được du khách coi trọng
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024 sắp tới là khoảng thời gian lý tưởng để các gia đình, bạn bè lên kế hoạch du xuân. Đáp ứng nhu cầu của du khách, các công ty du lịch đã chào bán nhiều sản phẩm du lịch nội địa và quốc tế hấp dẫn.
Giới chuyên gia nhận định, sự ấm dần của thị trường du lịch Tết Nguyên đán coi như bước tạo đà cho du lịch Việt Nam bứt phá trong năm mới 2024.
Cùng với dự báo tăng trưởng tích cực, ngành du lịch cũng sẽ có những xu hướng mới. Trong khảo sát mới nhất của Booking.com chỉ ra xu hướng du lịch sẽ được du khách Việt Nam cũng như du khách trên toàn thế yêu thích năm 2024, trong đó yếu tố môi trường, du lịch bền vững vẫn được du khách Việt Nam và thế giới coi trọng.
Những xu hướng du lịch mới
Du lịch bền vững
Trước đây, “bền vững” và “phong cách” là hai khái niệm không thể dung hòa, còn “du lịch sinh thái” gợi đến hình ảnh các khu nghỉ có phần đơn sơ. Nhưng trong năm 2024, du lịch là sự giao thoa giữa thiết kế sáng tạo và trải nghiệm bền vững.
Số liệu thống kê cho thấy, 73% du khách Việt sẽ tìm kiếm những cơ sở lưu trú có kiến trúc độc đáo sở hữu ý tưởng sáng tạo, có tính thẩm mỹ cao nhưng vẫn giải quyết được các thách thức đối với môi trường và xã hội. 78% du khách tham gia khảo sát trên toàn cầu muốn thấy các sáng kiến bền vững được ứng dụng trong thực tiễn, và 83% mong muốn phòng nghỉ được thiết kế với không gian xanh và cây cỏ mô phỏng cảnh vật bên ngoài thiên nhiên.
Du lịch khám phá ẩm thực
Ẩm thực đóng góp lớn trong việc thu hút du khách đến với mỗi vùng đất, điểm đến. Ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam - đánh giá: Ẩm thực có vai trò quan trọng trong việc tạo nên cảm xúc cho du khách ở mỗi điểm đến. Do đó, ngành nhà hàng, ẩm thực không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế - xã hội mà còn đóng góp cho việc xây dựng hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên thế giới.
Theo ước tính của Tổ chức Du lịch ẩm thực thế giới (WFTA), du khách quốc tế dành khoảng 25 - 35% ngân sách du lịch cho các khoản chi tiêu liên quan đến thực phẩm và đồ uống trong suốt hành trình du lịch.
Để du lịch ẩm thực Việt Nam nói chung, du lịch ẩm thực địa phương nói riêng phát triển, theo ông Nguyễn Thường Quân - Chủ tịch Hội Đầu bếp Việt Nam, các địa phương cần quy hoạch những khu phố ẩm thực với khung thời gian muộn hơn và tạo điều kiện cho các nhà hàng chất lượng giới thiệu ẩm thực cao cấp tới du khách. Với doanh nghiệp lữ hành, trong sản phẩm du lịch nên có hoạt động thưởng thức, khám phá ẩm thực địa phương hoặc tổ chức các lớp học nấu ăn; trải nghiệm vào vườn trái cây… Bên cạnh đó, số hóa các hình thức quảng bá cũng rất cần thiết.
Những xu hướng du lịch khác
Ngoài ra, du lịch theo đuổi bản ngã, chuyến du lịch mát mẻ, du lịch thoát khỏi kiểm soát, du lịch chữa lành, du lịch tối ưu ngân sách - tăng trải nghiệm “sang chảnh”… cũng là xu hướng lựa chọn trong năm mới 2024.
Với những tín hiệu tích cực từ thị trường du lịch dịp Tết Nguyên đán, ngành du lịch Việt Nam kỳ vọng sẽ bứt phá mạnh mẽ trong năm 2024. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, ngành du lịch cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Bảo An