Dưa hấu chính ngạch vào Trung Quốc: Cơ hội mới cho nông sản Việt

Với việc dưa hấu được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, Việt Nam hiện có 14 loại nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tỷ dân này. Đây là cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt hơn 11,5 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2023, chiếm tỷ trọng 23,2%. Với quy mô dân số hơn 1,4 tỷ người, tầng lớp trung lưu ngày càng lớn, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới với nhu cầu nhập khẩu rất lớn. Ngược lại, Việt Nam cũng trở thành đối tác thương mại quan trọng thứ tư của Trung Quốc, là nguồn cung chủ lực các mặt hàng như trái vải, thanh long, hạt điều... vào thị trường này.  Trong đó, có 14 loại nông sản của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này, gồm: thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, thạch đen, chanh dây, sầu riêng, khoai lang và yến sào.

Việc Trung Quốc bãi bỏ chính sách Zero Covid, giảm bớt và đi đến bãi bỏ các biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ đã giúp giải phóng nhu cầu tiêu dùng khổng lồ của thị trường, đồng thời giúp quá trình thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa, nhanh chóng, thuận lợi hơn.

Dưa hấu chính ngạch vào Trung Quốc: Cơ hội mới cho nông sản Việt - Ảnh 1

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dưa hấu tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Đây là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nông nghiệp truyền thống của Việt Nam và chuẩn hóa các quy định về xuất khẩu nông sản giữa hai nước.

Theo Nghị định thư này, quả dưa hấu tươi của Việt Nam không được nhiễm 5 loài đối tượng kiểm dịch thực vật còn sống mà Trung Quốc quan tâm bao gồm các loại ruồi đục quả Bactrocera correcta, Bactrocera zonata, Bactrocera latifrons, rệp Phenacoccus solenopsi và vi khuẩn Acidovorax avenae subsp. citrulli; lá hoặc đất.

Hiện hai bên đang phối hợp chặt để hoàn thiện các thủ tục, tiến tới sớm ký Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, dược liệu và một số loại trái cây có thế mạnh của Việt Nam sang Trung Quốc. Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.

Để tận dụng được cơ hội tăng tốc xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các doanh nghiệp, địa phương, hiệp hội ngành hàng đặc biệt lưu ý về chất lượng vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, cơ sở đóng gói. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường tiêu thụ tại Trung Quốc.  

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tăng cường đàm phán với phía Trung Quốc về xuất khẩu chính ngạch, đảm bảo nông, lâm, thủy sản xuất khẩu được chuẩn hóa, đồng bộ về chất lượng, bao bì, nhãn mác, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, có logo, nhãn hiệu, thương hiệu quốc gia.

Việc dưa hấu chính ngạch Trung Quốc là cơ hội mới cho nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường tiêu thụ tiềm năng. Để tận dụng được cơ hội này, các doanh nghiệp xuất khẩu cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu của Trung Quốc.

Bảo Anh