Epigallocatechin gallate (EGCG) trong trà xanh: Tăng cường sức khỏe tim mạch

Bệnh tim mạch luôn được xem như “kẻ giết người số 1 thế giới”. Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người tử vong vì các bệnh này, với 25% người trưởng thành mắc bệnh và xu hướng ngày càng trẻ hóa. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng EGCG - hợp chất quý trong trà xanh có thể cải thiện sức khỏe tim mạch bằng cách giảm cholesterol xấu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch và giảm nguy cơ đột quỵ, mở ra hướng đi mới trong phòng ngừa bệnh lý nguy hiểm này.

Trà xanh là thực phẩm rất giàu chất chống oxy hóa nhóm polyphenol (đặc biệt quan trọng là nhóm Catechin và Flavonoid) - được biết đến với khả năng loại bỏ các gốc tự do, không để chúng tấn công các tế bào trong cơ thể. Nhóm hợp chất Catechin, đặc biệt là Epigallocatechin Gallate (EGCG) - một chất chống oxy hóa rất mạnh, được nghiên cứu nhiều và rất phổ biến. Bên cạnh việc ngăn chặn và giảm thiểu sự tạo thành gốc tự do, ngăn ngừa ung thư, EGCG còn giúp ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch.

EGCG giúp cải thiện sức khỏe tim mạch. Ảnh minh họa (nguồn Internet)
EGCG giúp cải thiện sức khỏe tim mạch. Ảnh minh họa (nguồn Internet)

EGCG cải thiện sức khỏe tim mạch thông qua việc giảm cholesterol xấu, giảm các chỉ số mỡ máu, ngăn ngừa tích tụ mảng xơ vữa động mạch, từ đó làm giảm nguy cơ đột quy. Nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng EGCG có khả năng làm giảm nguy cơ đột quỵ bằng cách giảm viêm và cải thiện lưu thông máu. Việc duy trì thói quen uống trà xanh hàng ngày được khuyến khích để bảo vệ tim mạch một cách tự nhiên và hiệu quả.

Tác động lên cholesterol và chức năng nội mô

Theo nghiên cứu đăng trên Journal of Nutritional Science năm 2023, EGCG không chỉ có khả năng làm giảm cholesterol LDL (cholesterol xấu), tăng cholesterol HDL (loại tốt) giúp cải thiện sự cân bằng lipid máu; mà còn ngăn ngừa tình trạng xơ vữa động mạch. LDL cao là yếu tố chính dẫn đến sự hình thành các mảng bám trong động mạch, gây hẹp lòng mạch và tăng nguy cơ đột quỵ hoặc bệnh mạch vành. Một phân tích tổng hợp dựa trên 55 thử nghiệm lâm sàng với gần 4.874 người tham gia đã cho thấy trà xanh, đặc biệt là EGCG, giúp giảm đáng kể mức cholesterol toàn phần (TC) và LDL (cholesterol xấu.

Bên cạnh đó, EGCG cũng hỗ trợ chức năng nội mô, cải thiện sự giãn nở của mạch máu thông qua kích thích sản sinh oxit nitric (NO)- một chất làm giãn mạch tự nhiên, từ đó ngăn ngừa tăng huyết áp và xơ vữa mạch máu.

Ngăn ngừa đột quỵ

Một nghiên cứu kéo dài 6 tháng tại Nhật Bản với sự tham gia của hơn 100 người cao tuổi đã chứng minh rằng việc tiêu thụ trà xanh hàng ngày có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc đột quỵ. Nhóm người uống trà xanh có chức năng mạch máu tốt hơn và tỷ lệ đột quỵ thấp hơn so với nhóm không uống. Các nhà khoa học giải thích rằng khả năng này đến từ việc EGCG ức chế các yếu tố viêm và cải thiện lưu lượng máu, đồng thời giảm thiểu tổn thương mạch máu do stress oxy hóa.

Một báo cáo khác trên tạp chí Nutrients (2023) cho thấy rằng việc uống trà xanh đều đặn có thể giảm viêm mạch, một nguyên nhân quan trọng gây đột quỵ. Nghiên cứu nhấn mạnh rằng polyphenol, đặc biệt là EGCG đóng vai trò bảo vệ tế bào mạch máu, từ đó giảm thiểu tổn thương do các gốc tự do gây ra.

EGCG và phòng ngừa xơ vữa động mạch

EGCG đã được chứng minh là ngăn ngừa sự hình thành mảng bám trong động mạch thông qua ức chế quá trình oxy hóa lipid và giảm tích tụ cholesterol. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng EGCG ức chế hoạt động của các phân tử gây viêm như NF-κB, một yếu tố làm tăng nguy cơ tổn thương mạch máu và hình thành mảng xơ vữa.

Theo một báo cáo tổng hợp trên Bentham Science năm 2024, ngoài tác dụng trực tiếp lên mạch máu, EGCG còn giúp điều hòa hoạt động của các enzyme liên quan đến chuyển hóa lipid, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Cách sử dụng trà xanh để tốt cho sức khỏe tim mạch

Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Các nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ từ 2–3 tách trà xanh mỗi ngày (tương đương 200 - 400 mg EGCG) là hiệu quả trong việc giảm cholesterol xấu và cải thiện chức năng mạch máu. Nếu dùng viên bổ sung EGCG, cần tuân thủ liều khuyến cáo (thường khoảng 300 mg/ngày), tránh sử dụng quá liều vì có thể gây tổn thương gan.

Ngoài ra, nên uống trà xanh và buổi sáng sau khi ăn no để tối ưu hóa việc hấp thu EGCG và giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến giấc ngủ, vì trà xanh có chứa caffeine. Tránh uống vào lúc đói, vì EGCG khi uống lúc dạ dày trống có thể gây kích ứng dạ dày đối với một số người nhạy cảm.

Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều EGCG có thể gây ra tác dụng phụ như buồn nôn, chóng mặt hoặc tổn thương gan, do đó cần cân nhắc liều lượng hợp lý. Đặc biệt, đối với những người có tiền sử bệnh tim mạch hoặc đang dùng thuốc chống đông (aspirin,…), cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng EGCG, vì hợp chất này có thể tương tác với các loại thuốc điều trị.

EGCG trong trà xanh không chỉ là một hợp chất chống oxy hóa mạnh mà còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe tim mạch, bao gồm cải thiện lipid máu, tăng cường chức năng nội mô và giảm nguy cơ đột quỵ. Các bằng chứng từ nghiên cứu gần đây cho thấy rằng việc uống trà xanh thường xuyên có thể trở thành một thói quen hữu ích trong việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh tim mạch. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, cần tuân thủ liều lượng khuyến nghị, kết hợp với lối sống lành mạnh.

Phương Linh

Từ khóa: