Gen Z và xu hướng tiêu dùng mới với "niềm vui tức thời"

Trong bối cảnh kinh tế biến động và áp lực cuộc sống ngày càng gia tăng, Gen Z đang định hình một xu hướng tiêu dùng mới – “Little Treat” (niềm vui tức thời). Thay vì tích lũy để sở hữu những món đồ xa xỉ, thế hệ này sẵn sàng chi tiền cho những trải nghiệm nhỏ nhưng mang lại cảm giác hài lòng ngay lúc đó.

Khi niềm vui đến từ những điều nhỏ bé

Sự trỗi dậy của xu hướng “Little Treat” phản ánh sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng của Gen Z. Thế hệ lớn lên trong bối cảnh kinh tế đầy biến động, từ đại dịch toàn cầu, biến đổi khí hậu đến áp lực tài chính ngày càng gia tăng. Chính vì vậy, thay vì tập trung vào những khoản đầu tư dài hạn hay các sản phẩm giá trị cao, Gen Z lại ưu tiên những trải nghiệm tức thời, những niềm vui nhỏ có thể cải thiện tâm trạng ngay lập tức.

Một cốc cà phê đắt tiền, một thỏi son phiên bản giới hạn, một món ăn mới nổi trên TikTok hay một vật phẩm sưu tầm – tất cả đều có thể trở thành một “little treat” đối với họ. Họ không còn xem việc mua sắm chỉ là đáp ứng nhu cầu thiết yếu mà còn là một cách thể hiện bản thân và tận hưởng cuộc sống. Theo khảo sát của McKinsey & Company, 59% người tiêu dùng Gen Z có kế hoạch tăng chi tiêu cho những khoản nhỏ trong ba tháng tới, cao hơn bất kỳ nhóm tuổi nào khác. Xu hướng này không chỉ phổ biến ở các nước phương Tây mà còn đang lan rộng tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực F&B, mỹ phẩm, thời trang và thương mại điện tử.

Gen Z và xu hướng tiêu dùng mới với "niềm vui tức thời" - Ảnh 1

Cuộc đua chinh phục khách hàng trẻ

Trong ngành F&B, các thương hiệu lớn như Highlands Coffee, Katinat hay Chesse Coffee đã nhanh chóng thích ứng bằng cách ra mắt các phiên bản đồ uống giới hạn, thiết kế bao bì độc đáo và đẩy mạnh quảng bá trên mạng xã hội. Một ly trà sữa hay cà phê không chỉ là thức uống mà còn là một trải nghiệm cá nhân, giúp Gen Z cảm thấy được nuông chiều bản thân. Không chỉ các chuỗi cà phê lớn, những cửa hàng tiện lợi như Circle K, 7-Eleven cũng đang khai thác xu hướng này bằng cách liên tục cập nhật các món ăn vặt nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc – những sản phẩm có sức hút mạnh mẽ với giới trẻ.

Lĩnh vực mỹ phẩm và thời trang cũng đang hưởng lợi từ xu hướng này khi các thương hiệu đua nhau ra mắt các sản phẩm mini-size, travel-size nhằm đáp ứng tâm lý chi tiêu linh hoạt của Gen Z. Thay vì mua cả bộ sản phẩm dưỡng da đắt đỏ, họ có xu hướng thử nghiệm các phiên bản nhỏ trước khi quyết định chi tiêu nhiều hơn. Một số thương hiệu như Some By Mi, Skin1004 hay OFÉLIA đã tận dụng chiến lược này để thu hút khách hàng trẻ tuổi. Trong thời trang, những món đồ phụ kiện nhỏ như túi mini, charm điện thoại, vòng tay cũng đang được nhiều thương hiệu khai thác triệt để.

Gen Z và xu hướng tiêu dùng mới với "niềm vui tức thời" - Ảnh 2

Thương mại điện tử cũng đang chứng kiến sự bùng nổ của xu hướng “Little Treat”. Các sàn như Shopee, Lazada liên tục tung ra các chiến dịch flash sale, ưu đãi combo, gamification (trò chơi hóa trải nghiệm mua sắm) để thu hút người trẻ. Việc săn deal không chỉ là một hoạt động mua sắm đơn thuần mà còn mang lại cảm giác phấn khích, giúp người tiêu dùng trẻ cảm thấy thỏa mãn khi sở hữu một món đồ yêu thích với giá tốt. Livestream sale cũng trở thành công cụ tiếp thị hiệu quả khi hơn 70% Gen Z tại Việt Nam từng mua hàng qua hình thức này. Việc được xem trực tiếp sản phẩm, tương tác với người bán và hưởng ưu đãi giới hạn đã giúp họ dễ dàng ra quyết định chi tiêu hơn.

Tương lai của xu hướng

Sự phát triển mạnh mẽ của “Little Treat Culture” cho thấy đây không phải là một hiện tượng ngắn hạn mà đang trở thành một phần quan trọng trong chiến lược kinh doanh của nhiều thương hiệu. Khi tâm lý tiêu dùng thay đổi, doanh nghiệp cần chủ động thích ứng bằng cách ra mắt các phiên bản sản phẩm giới hạn theo mùa để kích thích tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ) của khách hàng.

Bên cạnh đó, cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giữ chân người tiêu dùng trẻ. Việc áp dụng AI và phân tích dữ liệu khách hàng sẽ giúp các thương hiệu đề xuất sản phẩm phù hợp với sở thích và thói quen chi tiêu của từng cá nhân. Trong thời gian tới, phân khúc sản phẩm mini-size, travel-size sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, không chỉ trong ngành mỹ phẩm mà còn mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như thực phẩm, đồ gia dụng và phụ kiện thời trang.

Mạng xã hội, đặc biệt là TikTok và Instagram, cũng sẽ trở thành công cụ tiếp thị chủ lực để khai thác xu hướng này. Khi Gen Z dành phần lớn thời gian để lướt mạng và tìm kiếm những sản phẩm mới, các thương hiệu cũng đẩy mạnh sự hiện diện của mình trên nền tảng số để duy trì sự kết nối với khách hàng.

Có thể thấy, khi việc sở hữu tài sản lớn trở nên khó khăn hơn, Gen Z đang chuyển sang tận hưởng những niềm vui nhỏ bé. Chính những “niềm vui tức thời” này không chỉ giúp họ cân bằng cuộc sống mà còn tái định hình thị trường tiêu dùng, mở ra nhiều cơ hội cho những thương hiệu biết cách nắm bắt và thích ứng kịp thời.

Thủy Linh