Giá chè có xu hướng tăng ở các thị trường lớn

Với sự bùng phát mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam và trên toàn cầu. Trong đó, thị trường xuất khẩu chè đang đối mặt với xu hướng đóng băng. Mặc dù giá chè có xu hướng tăng ở các thị trường lớn nhưng cung vượt quá cầu nên người người nông dân sống bằng nghề trồng chè gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), tính từ đầu năm đến hết tháng 8, khối lượng và trị giá xuất khẩu chè đạt 84 nghìn tấn và 134 triệu USD, tăng 3,5% về khối lượng nhưng giảm 6,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Trên thị trường thế giới, giá chè có xu hướng tăng ở các thị trường lớn. Cụ thể, giá chè tại Ấn Độ tiếp tục tăng mạnh lên mức kỷ lục chưa từng có do nguồn cung bị ảnh hưởng bởi lụt lội ở các bang trồng chính và việc nới lỏng lệnh phong tỏa ở một số bang.

Tại Kenya, giá chè cũng đã có dấu hiệu cải thiện sau khi những người mua hàng đầu như Pakistan, Anh, Ai Cập và các nước Trung Đông đang thu mua gần như tất cả các loại chè của họ ở Mombasa do giá cao hơn ở Ấn Độ.

Về mặt giá cả, tại Ấn Độ, giá chè trung bình trong tháng 8/2020 tính đến ngày 15/8 tại các phiên mở bán của Hiệp hội Thương mại chè Coonoor (CTTA) đạt 154,71Rs/kg (tương đương khoảng 2,1 USD/kg), tăng 23,92 Rs/kg (tương đương khoảng 0,3 USD/kg) so với tháng trước.

Giá chè BP1 giao ngay tại các phiên đấu giá trong tháng qua (tính đến ngày 19/8) tại sàn giao dịch Mombasa của Kenya đạt trung bình 3,73 USD/kg, tăng 0,49 USD/kg so với tháng trước.

Giá chè có xu hướng tăng ở các thị trường lớn - Ảnh 1

Tổng cục Hải quan cho biết, có 58.012 tấn chè các loại được xuất khẩu cả nước, đạt 90.97 triệu USD, trung bình là 1.568,2 USD/tấn. Về lượng tăng 1%, về giá giảm 9,4% so với năm 2019. Riêng về tháng 6/2020, con số xuất khẩu là 12.129 tấn, trị giá 20,19 triệu USD, trung bình 1.664,5 USD/tấn, tăng 27,8% về khối lượng, tăng 28,6% về kim ngạch và 0,7% về giá so với tháng 5/2020. So với tháng 6/2010 thì chỉ số tăng 15% về khối lượng, 10,9% về kim ngạch nhưng lại giảm 3,6% về giá.

Đối với thị trường Pakistan là thị trường đứng đầu trong việc tiêu thụ chè Việt Nam, đạt đến 15.425 tấn, tương đương với 29.21 triệu USD, chiếm 26,6% trong tổng số lượng chè được xuất khẩu trong cả nước và chiếm 32,1% trong tổng kim ngạch. Giảm 10,5% về lượng và giảm 15,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019. Theo sau là Đài Loan đạt 7.317 tấn, tương đương 11,5 triệu USD. Chiếm khoảng 13% tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu chè của cả nước. Giảm 14% về lượng và kim ngạch.

Một số thị trường khác cũng giảm mạnh như: Ba Lan giảm 78,2% về khối lượng và giảm 72,8% về kim ngạch, đạt 78 tấn, tương đương 0,14 triệu USD. Kuwait giảm 68% về lượng và giảm 50% về kim ngạch, đạt 8 tấn, tương đương 0,02 triệu USD. Trung Quốc giảm 48,9% về kim ngạch, đạt 5,28 triệu USD

Cuối cùng là thị trường Nga với 7.372 tấn, tương đương 11,11 triệu USD. Chiếm trên 12% tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu chè của cả nước. Tăng 12,7% về lượng và tăng 10,5% kim ngạch.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo, giá chè trên thị trường thế giới có khả năng tăng trong thời gian tới do sự suy giảm mạnh về nguồn cung. Theo thống kê từ các nước sản xuất chè cho thấy, sản lượng chè đen toàn cầu trong nửa đầu năm nay chỉ đạt 831.490 nghìn tấn, giảm 74.610 tấn (tương đương 8,23%) so với cùng kỳ năm 2019.

Nhiều quốc gia giảm sản lượng chè đen do thời tiết bất lợi, cùng với ảnh hưởng từ việc phong tỏa toàn quốc và đóng cửa các nhà máy để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Mức suy giảm sản lượng mạnh nhất diễn ra ở 2 quốc gia sản xuất chè đen lớn là Ấn Độ và Sri Lanka. Cụ thể, trong nửa đầu năm 2020, sản lượng chè đen của Ấn Độ đạt 348.260 tấn, giảm 124.700 tấn (tương đương 26,37%) so với cùng kỳ năm 2019; Sri Lanka đạt 128.640 tấn, giảm 18,52%.

Tại Việt Nam, các chuyên gia ngành chè nhận định, đối với giai đoạn khó khăn của dịch Covid-19 này, các công ty xuất khẩu chè cần có những biện pháp khắc phục đúng đắn. Từ đó, sẽ cải thiện được năng suất hoạt động và thay đổi chiến lược kinh doanh. Một ví dụ điển hình là Công ty Dung Phương (Lào Cai) - doanh nghiệp chuyên cung cấp chè chất lượng cao và có 50 ha chè. Phần lớn các sản phẩm của công ty đều được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan với con số lên đến 80 tấn trà/ năm. Các loại chè được xuất khẩu theo dạng nguyên liệu thô, giá thành thấp. Vì vậy, quá trình xuất khẩu chè của công ty vào thị trường Đài Loan là một việc rất khó khăn.

Hơn thế nữa, dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát và công ty đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sản lượng xuất khẩu chè của công ty giảm 30%. Diện tích trồng chè và giá trị sản phẩm cũng từ đó mà giảm theo. Để cải thiện được phần nào trong giai đoạn dịch bệnh, công ty đã phải nhanh chóng chuyển hướng sang sản xuất chè Organic. Tập trung nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng của mọi người thay đổi theo từng thời gian. Đại diện công ty chia sẻ, trước đây đa số mọi người đều thích các loại trà truyền thống như chè đen, trà xanh khô nhưng hiện tại số đông mọi người đều có nhu cầu sử dụng cao hơn về các loại trà đặc sản, có thể pha trộn với những thức uống khác.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn cho biết, để ngành chè phát triển bền vững, các công ty xuất khẩu chè nên đặt ra một phương hướng hợp lí để sản xuất chè đủ phục vụ cho các nhu cầu tiêu dùng trong nước. Thúc đẩy các nơi trồng chè trên khắp cả nước đẩy mạnh thay đổi mô hình sản xuất chè an toàn, đáp ứng theo tiêu chuẩn VietGAP. Quy hoạch và phát triển vùng chè ổn định, phong phú hơn cũng là một cách để giúp cho ngành xuất khẩu chè phát triển mạnh hơn.

Thy Anh (t/h)

Từ khóa: