Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh nhất 9 năm qua

Theo Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), hiện gạo 5% tấm Việt Nam được thu mua với mức 480 - 490 USD/tấn, đây là mức cao nhất kể từ cuối năm 2011.

Do tác động của Covid-19, giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam đạt 487,2 USD một tấn, cao nhất kể từ cuối 2011.

Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, mức giá này tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2019 và cao nhất 9 năm qua. Nguyên nhân là tác động từ yếu tố mùa vụ khi vụ thu hoạch Hè Thu đã gần kết thúc nên nguồn cung bị thu hẹp hơn. Ngoài ra, Covid-19 tái bùng phát khiến nhiều nước tăng cường dự trữ.

Hiện gạo 5% tấm Việt Nam tăng từ 470 USD một tấn lên 480-490 USD một tấn. Dự báo giá sẽ tiếp tục tăng trong vài tháng tới cho đến khi có vụ thu hoạch mới vào khoảng tháng 10.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh nhất 9 năm qua - Ảnh 1

Trên thế giới, giá gạo tại các quốc gia xuất khẩu lớn ở châu Á cũng đang có chiều hướng tăng tích cực. Trong đó, gạo xuất khẩu Ấn Độ tăng cao do ảnh hưởng của lũ lụt và sự lan rộng của Covid-19 khiến hoạt động logistics bị gián đoạn. Tại Thái Lan, giá gạo tiếp tục tăng nhẹ, tuy nhiên, nhu cầu thị trường đối với gạo nước này ở mức thấp do giá không cạnh tranh.

Thống kê của Cục cho thấy, đến 15/8, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 4,3 triệu tấn, trị giá 2,1 tỷ USD, giảm 0,3% về lượng và 12,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

7 tháng đầu năm 2020, Philippin vẫn đứng đầu về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 35,3% thị phần. Trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 1,5 triệu tấn và 688,3 triệu USD, tăng 2,7% về khối lượng và tăng 17,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất gồm Senegal (gấp 19,8 lần), Indonesia (gấp 3,1 lần) và Trung Quốc (tăng 84% ). Ở chiều ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Iraq (giảm 61,2% xuống 90,0 nghìn tấn.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cho biết, sở dĩ gạo trong nước đang được các nhà nhập khẩu thu mua với giá cao do chất lượng gạo Việt Nam đã được cải thiện.

Với những thuận lợi về thị trường, đặc biệt là nhu cầu gạo thế giới tăng cao từ đợt dịch Covid-19, các doanh nghiệp thương mại gạo nước ta đang có cơ hội đẩy tăng sản lượng lẫn giá xuất khẩu.

Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8 cũng giúp một số doanh nghiệp sở hữu chuỗi sản xuất lúa gạo quy mô lớn, đáp ứng các tiêu chí của thị trường khó tính chốt được giá xuất khẩu cao đối với một số chủng loại gạo đặc biệt. Đơn cử, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) đã ký hợp đồng bán 3.000 tấn gạo cho 3 khách hàng của CHLB Đức với 2 giống gạo thơm là ST20 và Jasmine.

Đáng chú ý, giá gạo ST20 mà Trung An xuất khẩu sang EU đạt trên 1.000 USD/tấn, gạo Jasmine đạt khoảng 600 USD/tấn. Đây đều là mức giá mơ ước, kỷ lục của gạo Việt trong xuất khẩu từ trước đến nay.

Điều đáng nói, trước khi EVFTA có hiệu lực, giá gạo ST20 xuất khẩu sang EU khoảng chỉ khoảng 800 USD/tấn, Jasmine 520 USD/tấn. Việc được giảm thuế cộng với thị trường gạo đang sôi động đã đẩy giá gạo tăng cao.

Các thương nhân và Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng bởi nhu cầu nhập khẩu của nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc khi đất nước này đang đối mặt với lũ lụt nặng nề.

PV