Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (Hanoisme) về những chủ trương rất kịp thời của cơ quan chức năng.
Để các doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính tiếp tục gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất trong năm 2021. Ông nghĩ sao về quyết sách này?
Giữa lúc doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, cần dòng tiền để trang trải cho sản xuất - kinh doanh, Bộ Tài chính đã có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời, có ý nghĩa rất quan trọng.
Chúng tôi đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính tham mưu trình Chính phủ tiếp tục thực hiện các gói hỗ trợ cho doanh nghiệ; trong đó có cả các đối tượng là cá nhân, hộ kinh doanh được gia hạn, giãn hoãn tiền thuế và tiền thuê đất trong năm 2021. Đây là giải pháp tích cực giúp doanh nghiệp có điều kiện về vốn lưu động được sử dụng trong thời gian chậm trả để phục vụ sản xuất kinh doanh. Thực tế cho thấy, chính sách giãn, hoãn thuế và tiền thuê đất đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp đỡ nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang khó khăn do đại dịch COVID-19.
Thời gian gần đây, một số ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay cũng như tung các gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Theo ông, lãi suất cho vay hiện nay đã hợp lý chưa?
Lãi suất hiện tuy đã giảm nhưng mới chỉ là cho vay lưu động còn vay đầu tư trung và dài hạn vẫn cao. So với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) - họ được công ty mẹ cho vay ưu đãi nên sẽ cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước.
Chúng tôi đề xuất cần giảm lãi suất những gói vay trung và dài hạn để doanh nghiệp có điều kiện đầu tư đổi mới công nghệ và sản phẩm phù hợp với điều kiện dịch bệnh hiện nay. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp phải chuyển đổi mặt hàng và phải đầu tư máy móc thiết bị cho dây chuyền sản phẩm mới, nên cần hạ lãi vay trung và dài hạn cho doanh nghiệp.
Để tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), ông có đề nghị gì?
Chúng tôi cần các giải pháp giảm chi phí bến bãi, cầu phà, giao thông và logictis hiện vẫn còn quá cao. Hanoisme kiến nghị Chính phủ có những biện pháp tích cực để hỗ trợ doanh nghiệp giảm các chi phí trên.
Trong bối cảnh COVID-19 còn phức tạp, Hanoisme cần có xu hướng thay đổi ra sao trong các ngành kinh doanh để thích nghi với COVID19, thưa ông?
Trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp cần mạnh dạn chuyển đổi số cho phù hợp, thực hiện và phục vụ việc sản xuất kinh doanh được thường xuyên liên tục, không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tiếp tục giữ mối liên hệ trao đổi thông tin với khách hàng, giao dịch và bán hàng trực tuyến, thương mại điện tử để đáp ứng tốt trong giai đoạn hiên nay. Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín bán hàng, sản phẩm đảm bảo chất lượng và hệ thống kinh doanh chuyên nghiệp, công tác quảng bá thương hiệu càng được coi trọng.
Doanh nghiệp mong muốn nhất hiện nay là đẩy mạnh cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn trong thủ tục hành chính để tạo môi trường thuận lợi trong kinh doanh. Ông có quan điểm gì về vấn đề này?
Việc cải cách thể chế và cải cách thủ tục hành chính cần phải được làm thường xuyên. Cần tiếp tục rà soát, bổ sung sửa đổi cho phù hợp với từng giai đoạn. Cải cách thủ tục hành chính là cấp thiết để giảm chi phí, nguồn lực và chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Chính phủ đồng ý đề xuất gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ Tài chính về việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính tiếp tục gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất trong năm 2021.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Thủ tướng trước ngày 20/3/2021.
Dự báo năm 2021 còn rất nhiều khó khăn, do đó, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ xây dựng nghị định về gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất trong năm 2021 cho nhiều đối tượng. Theo Bộ Tài chính, dự kiến số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn trong thời gian tới khoảng 115.000 tỷ đồng.
Trước đó đầu năm 2020, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, ngày 8/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP quy định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Nghị định đã gia hạn thời hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch COVID-19. Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Theo Bộ Tài chính, triển khai thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP có 128.619 doanh nghiệp và 56.268 hộ, cá nhân kinh doanh với tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn là 67.234,6 tỷ đồng.
Bài và ảnh: Minh Phương
Theo Báo Tin tức