Chúng tôi xin trích lại phân tích của VDSC như sau:
Thặng dư thương mại tăng trưởng hỗ trợ cán cân thanh toán
Thặng dư thương mại của Việt Nam đạt 5 tỷ USD vào tháng 8 năm 2020, đây là mức cao kỷ lục so với mức thặng dư 3,5 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 8 năm 2020, xuất khẩu tiếp tục tăng 7,1% so với cùng kỳ (so với mức tăng 8,2% trong tháng 7) trong khi nhập khẩu tăng nhẹ 1,6% so với cùng kỳ (so với mức -3,7% trong tháng 7).
Trong 8T 2020, xuất khẩu tăng 2,2% so với cùng kỳ trong khi nhập khẩu giảm -2,9%, dẫn đến mức thặng dư thương mại 13,7 tỷ USD trong 8T 2020. VDSC cho rằng thặng dư thương mại đạt mức kỷ lục có thể bù đắp cho những tác động của nguồn kiều hối yếu hơn và dòng vốn FDI lên cán cân thanh toán (BOP) của Việt Nam.
Theo dự báo của Fitch Solutions, thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam sẽ thu hẹp xuống mức 3,7% GDP trong năm 2020, giảm từ 4,9% GDP trong năm 2019.
Xuất khẩu của khu vực nội địa tăng trưởng mạnh
Hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước duy trì tích cực ở mức 15,8% so với cùng kỳ trong 8T 2020, trái ngược với mức tăng trưởng âm 3,9% so với cùng kỳ của xuất khẩu từ khu vực FDI.
Trong số các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của khối doanh nghiệp trong nước, các mặt hàng nông sản và dệt may, giày dép, túi xách đều ghi nhận mức tăng trưởng âm trong 8T 2020, lần lượt là -6,7% và -5,5% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước vẫn tăng trưởng tích cực nhờ vào mặt hàng điện tử, tăng mạnh 89,3% so với cùng kỳ. Ngoài ra, xuất khẩu các sản phẩm máy móc từ khối doanh nghiệp trong nước cũng tăng vọt 192,9% so với cùng kỳ, góp phần đáng kể vào mức tăng trưởng mạnh của hoạt động xuất khẩu đến từ khu vực nội địa.
Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ chiến tranh thương mại bất chấp đại dịch
Yếu tố giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng xuất khẩu dương chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Mỹ.
Cụ thể, xuất khẩu máy tính sang Trung Quốc và Mỹ lần lượt tăng 28,6% và 83,1% so với cùng kỳ; xuất khẩu điện thoại sang Trung Quốc cũng tăng 54,9% so với cùng kỳ.
Tương tự, xuất khẩu máy móc sang Trung Quốc và Mỹ tăng lần lượt 18,1% và 109,1% so với cùng kỳ. Kết quả này cho thấy đang có sự tiếp tục chuyển dịch trong hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đáng ngạc nhiên hơn, xuất khẩu sang Trung Quốc cũng tăng, nhưng với tốc độ chậm hơn xuất khẩu sang Mỹ.
Lĩnh vực tăng trưởng tốt mặc dù nhu cầu toàn cầu vẫn đang yếu bao gồm: hóa chất, đồ nội thất và thép
Ngoài các sản phẩm điện tử và máy móc, một số lĩnh vực vẫn tăng trưởng tốt mặc dù nhu cầu toàn cầu suy giảm. Dữ liệu xuất khẩu của khu vực nội địa cho thấy xuất khẩu của các sản phẩm hóa chất và nhựa ghi nhận mức tăng trưởng 9,9% so với cùng kỳ trong 8T 2020, có thể do nhu cầu của các sản phẩm này tăng cao nhằm phục vụ cho việc chống virus.
Mặt khác, nhu cầu đối với đồ nội thất cũng tăng do việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, giúp cho xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam tăng trưởng mạnh 16,5%so với cùng kỳ.
Một điểm đáng chú ý nữa là xuất khẩu các sản phẩm thép từ các doanh nghiệp trong nước tăng 26,9% so với cùng kỳ trong khi xuất khẩu từ các doanh nghiệp FDI giảm 17,9%. Điều này giúp đưa ra hàm ý quan trọng rằng các doanh nghiệp thép Việt Nam đang trên đường chinh phục thị trường toàn cầu tốt hơn các doanh nghiệp thép FDI.
Tạ Thành