Thị trường trong nước, tại Tập đoàn DOJI, giá vàng niêm yết ở mức 56,15-57,70 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Giữ nguyên mức giá cả 2 chiều mua vào và bán ra so với mở đầu phiên giao dịch sáng ngày 12/8. Chênh lệch giá mua – bán vàng 1,55 triệu đồng/lượng.
Còn tại PNJ, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) ở cả 4 khu vực TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hà Nội ở mức giá 56.40 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57.10 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng miếng PNJ ở 4 khu vực được niêm yết ở mức 50.80 - 52.20 triệu đồng/lượng ở 2 chiều mua và bán.
Đến thời điểm này, chênh lệch giữa các thương hiệu trong nước vẫn khá lớn, tới 6,4 triệu đồng.
Trong nước, thị trường vàng bán lẻ tại Hà Nội và TP. HCM ngừng hoạt động theo các quy định đang được thực thi nhằm chống lại sự lây lan của virus Sars-CoV-2. Một số doanh nghiệp kim hoàn lớn tại Hà Nội cho biết đã ngừng hoàn toàn giao dịch và chỉ trực điện thoại để tư vấn khách hàng. Website của một số đơn vị có cập nhật giá vàng nhưng chỉ để tham khảo.
Trên thị trường thế giới, 6h sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đang giao dịch ở ngưỡng 1.754 USD/ounce, tăng 3 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua.
Giá vàng trên thị trường quốc tế chịu áp lực giảm sau phiên hồi phục liền trước. Một đồng USD mạnh lên cũng tác động tiêu cực tới giá vàng.
Bộ Lao động Mỹ vừa công bố chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 1% trong tháng 7. Số liệu này cao hơn so với dự báo của các nhà kinh tế, vốn ở mức tăng 0,6%.
Vàng tụt giảm giá trong lúc dòng tiền vào thị trường này suy giảm nghiêm trọng khi mà các thị trường chứng khoán thế giới không ngừng tăng điểm và thị trường tiền số sôi động trở lại với đồng Bitcoin leo lên trên ngưỡng 45.000 USD.
Chứng khoán Mỹ gần đây liên tục lập kỷ lục mới, trong khi chứng khoán châu Âu cũng ở mức sát đỉnh cao lịch sử. Mỹ vừa thông qua gói chi tiêu cơ sở hạ tầng trị giá lớn chưa từng có, trị giá 1 ngàn tỷ USD.