Bất động sản - Kênh đầu tư an toàn?
Trong bối cảnh giá vàng giảm, nhiều nhà đầu tư đang cân nhắc chuyển hướng sang bất động sản (BĐS). Bất động sản từ lâu đã được coi là kênh đầu tư an toàn, có khả năng chống lạm phát tốt. Nhu cầu về nhà ở, đất đai luôn tồn tại và có xu hướng tăng lên cùng với sự gia tăng dân số và phát triển đô thị.
Theo báo cáo thị trường mới nhất của Dat Xanh Services vừa công bố, thị trường bất động sản nhà ở ghi nhận sự ổn định và tăng giá ở tất cả các phân khúc.
Cụ thể, đối với loại hình căn hộ, giá bán ở Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh duy trì ổn định theo tháng, dao động 26 - 70 triệu/m2. Trong khi đó, khu vực miền Trung dao động 29 - 104 triệu/m2 ( mức tăng cao nhất từ tăng 4 - 6%); TP. HCM và các tỉnh lân cận dao động 29 - 82 triệu/m2 (tăng 1 - 2%) và miền Tây khoảng 31 - 45 triệu/m2 (tăng 3 - 5%).
Giá đất nền tại khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận dao động 17 - 60 triệu/m2, TP. HCM và vùng ven khoảng 15 - 55 triệu/m2, miền Tây 11 - 34 triệu/m2, đều không thay đổi nhiều so với tháng trước. Trong khi đó, đất nền tại khu vực miền Trung (gồm Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Nam, Phú Yên, Quảng Bình) ghi nhận tăng giá từ 3 - 5%, dao động 14 - 54 triệu/m2.
Tại phân khúc nhà phố, giá bán tại Hà Nội và vùng ven khoảng 40 - 176 triệu/m2 (tăng 3 - 4%), tại TP. HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu dao động 31 - 103 triệu/m2 (tăng 3 - 5%). Miền Trung và miền Tây đều duy trì ổn định so với tháng 4, lần lượt ở mức 40 - 140 triệu/m2 và 22 - 45 triệu/m2.
Giá bán biệt thự tại khu vực Hà Nội và TP. HCM lần lượt đạt khoảng 29 - 231 triệu/m2 (tăng 5 - 7%) và 63 - 329 triệu/m2 (tăng 3 - 5%). Biệt thự tại các tỉnh miền Trung dao động 45 - 200 triệu/m2.
Còn shophouse, chỉ có khu vực Hà Nội và vùng lân cận ghi nhận đà tăng giá so với hồi tháng 4 (tăng 3 - 4%), dao động 38 - 242 triệu/m2. Các khu vực còn lại đều không thay đổi nhiều, miền Trung dao động 45 - 210 triệu/m2, miền Tây 25 - 41 triệu/m2, TP. HCM và vùng ven khoảng 30 - 350 triệu/m2.
Thị trường BĐS hiện nay cũng đang có nhiều điểm sáng. Các chính sách kích cầu, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, và cải cách hành chính đã tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường này phát triển. Tuy nhiên, đầu tư vào BĐS cũng đòi hỏi nguồn vốn lớn và có rủi ro thanh khoản thấp, tức là việc mua bán không thể diễn ra nhanh chóng như các kênh đầu tư khác.
Chứng khoán - Cơ hội và thách thức
Chứng khoán là một lựa chọn khác mà các nhà đầu tư có thể xem xét khi giá vàng giảm. Thị trường chứng khoán có tính thanh khoản cao hơn và khả năng sinh lời tốt nếu nhà đầu tư biết chọn đúng cổ phiếu. Hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hồi phục, nhiều doanh nghiệp đã và đang tăng trưởng mạnh mẽ, tạo ra nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn.
Tuy nhiên, chứng khoán cũng tiềm ẩn rủi ro lớn. Sự biến động của thị trường có thể khiến giá cổ phiếu dao động mạnh, và nhà đầu tư cần có kiến thức sâu rộng cùng khả năng phân tích tốt để tránh những rủi ro không đáng có.
Ở góc độ nhìn nhận khác, TS. Đinh Thế Hiển lại dự đoán, dòng tiền sẽ có xu hướng giữ và đổ vào kênh đầu tư lãi suất. Bởi nhà đầu tư cá nhân vẫn còn quan sát và chưa tin tưởng vào thị trường bất động sản sẽ tăng trong năm nay; còn kênh đầu tư chứng khoán thì khó thu hút nguồn vốn lớn. Bên cạnh đó, nhà đầu tư sẽ chùn tay với vàng, do xu thế giá vàng trong nước sẽ thu hẹp chênh lệch với thế giới. Điều đó có nghĩa là dòng tiền tiết kiệm gửi vào ngân hàng sẽ khó giảm; nếu có thì sẽ chuyển từ kỳ hạn này qua kỳ hạn khác; hoặc có sự dịch chuyển nhẹ từ ngân hàng này qua ngân hàng khác.
Mỗi kênh đầu tư đều có những ưu và nhược điểm riêng. Nếu như BĐS mang lại sự an toàn và ổn định nhưng đòi hỏi vốn lớn và rủi ro thanh khoản thấp, thì chứng khoán lại có khả năng sinh lời cao hơn nhưng cũng đòi hỏi kiến thức và kinh nghiệm.
Việc chuyển hướng từ đầu tư vàng sang BĐS hay chứng khoán phụ thuộc nhiều vào mục tiêu đầu tư, khả năng chấp nhận rủi ro và kiến thức của từng nhà đầu tư. Những ai tìm kiếm sự an toàn và có khả năng tài chính tốt có thể cân nhắc đầu tư vào BĐS. Trong khi đó, những nhà đầu tư muốn tối đa hóa lợi nhuận và chấp nhận rủi ro cao hơn có thể lựa chọn chứng khoán.
Tiến Hoàng