Tuy nhiên, hiện nay, tình hình xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc cũng đang gặp một số khó khăn do phải đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ cả về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cũng như về quy cách đóng gói. Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Trung Quốc liên tục ban hành nhiều quy định nhằm kiểm soát chặt các cửa khẩu khiến hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là nông sản xuất sang nước này khó khăn, tăng chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp.
Thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc
Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc, hỗ trợ các ngành xuất khẩu vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, mới đây, Bộ Ngoại giao cùng với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức “Tọa đàm thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc”. Tham gia tọa đàm có lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo 35 tỉnh, thành và Hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông, thủy sản; Trưởng cơ quan đại diện, Tham tán thương mại và đại diện Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc.
Xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc có nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển. Trong đó, quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc tiếp tục phát triển tốt đẹp với sự tin tưởng chính trị cao và hợp tác kinh tế thương mại đầu tư ngày càng trở thành trụ cột quan trọng trong quan hệ tổng thể, quan hệ giữa 2 nước ngày càng đi vào chiều sâu; Việt Nam và Trung Quốc cùng là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do quy mô lớn, đặc biệt là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định khu vực thương mại tự do Asean - Trung Quốc. Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế, nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc và Việt Nam có tính bổ sung cho nhau nhất định. Trung Quốc có nhu cầu cao về các sản phẩm nông sản nhiệt đới và với thị trường có quy mô dân số rất lớn nên có điều kiện thuận lợi để Việt Nam tăng cường thúc đẩy những mặt hàng có thế mạnh vào thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, nông nghiệp nói chung và rau quả nói riêng là một thế mạnh lớn của Việt Nam và ngày càng phát triển, nâng cao năng lực sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng sản phẩm của khu vực và thế giới.
Để tiếp tục phát huy vai trò là trụ đỡ vững chắc của nông nghiệp đối với quá trình phục hồi và phát triển kinh tế trong nước, nhất là trong giai đoạn thích ứng an toàn dịch bệnh Covid - 19, tọa đàm đã tập trung thảo luận về các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc. Trong đó, thông tin, đánh giá về tiềm năng, thực trạng thị trường Trung Quốc đối với sản phẩm của Việt Nam; một số quy định mới và nhu cầu của Trung Quốc đối với việc nhập khẩu nông, thủy sản, từ đó đưa ra các cảnh báo, khuyến nghị đối với các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội; chia sẻ khó khăn, thách thức trong quá trình thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc,...
Các địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp kiến nghị các Bộ, ngành của Trung ương đẩy mạnh công tác dự báo thị trường nhập khẩu; hướng dẫn doanh nghiệp kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm để đáp ứng yêu cầu từ phía Trung Quốc; cần có lộ trình chuyển đổi xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch để tránh rủi do; rà soát, quy hoạch vùng nguyên liệu để cân bằng cung và cầu; hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia hội chợ thương mại khu vực cửa khẩu và khảo sát thị trường của Trung Quốc...
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đề nghị trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc tăng cường hơn nữa chất lượng và tính toàn diện về công tác nghiên cứu cơ bản thị trường Trung Quốc đối với mặt hàng nông, thủy sản; cung cấp, cập nhật thông tin về chủ trương, chính sách, quy định mới và các phản hồi của các địa phương, bộ, ngành ở Trung Quốc liên quan đến việc xuất khẩu nông, thủy sản. Bên cạnh đó, nâng cấp, mở mới các cửa khẩu để có thêm kênh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; đưa nhiều mặt hàng hoa quả của Việt Nam vào chính ngạch; tiếp tục hỗ trợ các cơ quan liên quan tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trên quy mô lớn hơn nhằm tạo thuận lợi cho các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu nhiều mặt hàng sang thị trường Trung Quốc.
Thực hiện một số biện pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản
Tại tỉnh Lai Châu, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu các mặt hàng chè chế biến sang các thị trường truyền thống, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản của tỉnh. Cuối tháng 10 vừa qua, Đoàn công tác tỉnh Lai Châu đã làm việc với lãnh đạo Bộ Ngoại giao và một số cục, vụ, Đại sứ Việt Nam tại 1 số nước Trung Đông và Nam Á để trao đổi các nội dung liên quan đến xuất khẩu các mặt hàng nông sản của tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh Lai Châu đã có yêu cầu đối với Sở Ngoại vụ thường xuyên trao đổi với các cơ quan chuyên môn của Bộ Ngoại giao nắm bắt thông tin về các hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc với các Đại sứ quán nước ngoài, các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, các hội nghị, hội thảo quốc tế, các Đoàn Đại sứ chuẩn bị đi nhận nhiệm vụ theo nhiệm kỳ tại nước ngoài, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan thông báo cho doanh nghiệp chuẩn bị các sản phẩm để quảng bá, giới thiệu thông qua hình thức quà tặng đối ngoại hoặc trưng bày tại khu vực giới thiệu sản phẩm địa phương tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam ở các nước.
Chủ động trao đổi với các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài đề nghị cung cấp thông tin về nhu cầu thị trường, các yêu cầu, tiêu chuẩn sản phẩm, các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, phân phối, tiêu thụ của nước sở tại đối với các mặt hàng nông sản nhất là sản phẩm chè để cung cấp cho doanh nghiệp tỉnh và giúp đỡ kết nối khi có đề nghị.
Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh Lai Châu ban hành Chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh hàng năm để hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh nói chung nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ và tìm kiếm đối tác hợp tác trong phát triển sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, nhất là sản phẩm chè khô chế biến của tỉnh. Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia các hội nghị, hội thảo, kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại; phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất các sản phẩm nông sản thế mạnh của tỉnh tham gia trưng bày tại các Hội chợ quốc tế.
Đẩy mạnh hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã địa bàn tỉnh quảng bá, kết nối đưa các sản phẩm chè chế biến của tỉnh vào hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại của các tỉnh, thành phố; tham gia các gian hàng trên sàn thương mại điện tử lớn như: Alibaba.com, Amazon.com, Sendo.vn, Voso.vn, Tiki.vn, Lazada.vn... để giới thiệu và bán sản phẩm.
Kịp thời nắm bắt thông tin về nhu cầu, tiêu chuẩn chất lượng,… của thị trường trong và ngoài nước đối với mặt hàng chè khô chế biến để phổ biến thông tin đến doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất chế biến chè nắm được; đồng thời, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh định hướng và tổ chức sản xuất sản phẩm chè gắn với thị trường tiêu thụ.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tích cực tham mưu triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 22/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 03/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021- 2025, định hướng 2030; các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã...; tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh và nông sản có chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, phù hợp với nhu cầu thị trường.
Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, hướng dẫn các doanh nghiệp,hợp tác xã sản xuất,chế biến xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, chứng nhận vv... cho các sản phẩm nông sản hàng hóa đảm bảo đáp ứng theo yêu cầu của thị trường.
UBND tỉnh Lai Châu cũng đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên trong tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh, mở rộng thị trường. Hỗ trợ doanh nghiệp trong giải quyết các vướng mắc phát sinh với các đối tác nước ngoài, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.