Hai năm trở lại đây, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh trên toàn thế giới, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế khiến hoạt động xúc tiến thương mại thực sự gặp nhiều khó khăn.
Phần lớn hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống vốn đòi hỏi sự giao lưu trực tiếp giữa nhà cung ứng, nhà phân phối, người mua hàng, nhà xuất khẩu, nhập khẩu không thể thực hiện được.
Việc lên kế hoạch cho hoạt động xúc tiến thương mại cũng khó triển khai do diễn biến của dịch bệnh không thể lường trước. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại đã được các đơn vị tổ chức cũng như doanh nghiệp tham gia chuẩn bị rất công phu nhưng phải hủy đột xuất do các làn sóng COVID-19 đã gây không ít thiệt hai về tài chính, nhân lực.
Tại tỉnh Thái Nguyên, các mô hình phòng thưởng trà và trưng bày sản phẩm bình thường nhộn nhịp khách tham quan, mua bán. Nhưng do dịch bệnh, hoạt động của những mô hình này cũng không đạt hiệu quả. chị Nguyễn Thị Hương Vân, Giám đốc HTX chè Hương Vân (Thái Nguyên) cho biết: Phòng thưởng trà và trưng bày sản phẩm của chị mới đi vào hoạt động hơn một năm, luôn thu hút lượng khách không nhỏ; khá nhiều khách đến Thái Nguyên công tác ghé qua để thưởng thức đặc sản xứ Trà. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, nên số khách và lượng hàng bán được đều sụt giảm nhiều. Bằng tình yêu với cây chè và các sản phẩm trà, chị Vân không để cho những khó khăn đó làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và giới thiệu văn hóa trà của HTX. Chị cùng với các hội viên của mình tiếp tục chăm sóc những diện tích chè xanh đạt chuẩn VietGAP, tận dụng khoảng thời gian này để xây dựng không gian thưởng trà mới với diện tích lớn gấp hai lần không gian cũ; tìm tòi để cho ra những sản phẩm mới như: Trà hoa, trà ướp hương sen, hương nhài; chuẩn bị các điều kiện để cho ra mắt các sản phẩm OCOP 4 sao… Bên cạnh đó, chị Vân cũng đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, các website, sàn TMĐT,... để duy trì việc làm cho công nhân trong mùa đại dịch. Chị Vân hy vọng khi dịch qua đi, với những chuẩn bị của HTX, các hoạt động sản xuất, kinh doanh chè của HTX trở lại bình thường, còn phòng thưởng trà sẽ đón được nhiều khách trong và ngoài tỉnh đến thăm quan và thưởng thức trà.
Thông tin trước báo chí, bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Chè Thái Nguyên cho biết: Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng vừa qua Hội đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày chè thế giới (21/5) và được sự hưởng ứng nhiệt tình bằng nhiều hình thức phù hợp. Các hội viên của Hội Chè đều ý thức được sự khó khăn chung nên chủ động lên kế hoạch tìm hiểu thị trường mới, duy trì tốt chất lượng sản phẩm để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Hội Chè cũng đã ký kết chương trình phối hợp với Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel chi nhánh Thái Nguyên để các sản phẩm của hội viên được lưu thông nhanh chóng và thuận lợi hơn.
Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chè, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên cũng đề nghị các doanh nghiệp, HTX chè chủ động phối hợp với Sở Công Thương, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu trên các sàn giao dịch điện tử và các kênh tiêu thụ sản phẩm khác; phối hợp với các tổ chức kéo dài thời hạn chứng nhận để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Ngành cũng đã đề nghị các bộ, ngành liên quan tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm tại các siêu thị, tập đoàn bán lẻ, nhất là trên môi trường điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ; hỗ trợ các điều kiện an toàn cho việc vận chuyển hàng hóa nông sản, các giải pháp lưu thông vận chuyển hàng hóa…
Đối với Hiệp hội chè Việt Nam đã chủ động liên hệ, là đầu mối kết nối làm việc với các đơn vị bán lẻ, siêu thị, đưa một số sản phẩm chè lên các sàn giao dịch TMĐT và bước đầu đã có hiệu quả, góp phần không nhỏ vào việc tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Thông qua sàn, các sản phẩm chè của mỗi địa phương không chỉ có thêm kênh tiêu thụ hiệu quả, tiếp cận đa dạng các đối tượng người tiêu dùng trong và ngoài nước, mà còn có thể tạo được thương hiệu riêng, nâng tầm giá trị sản phẩm.
Tuy nhiên, do việc thực hiện giao dịch bằng hình thức online, người mua và người bán không trực tiếp gặp nhau. Hiệp hội chè Việt Nam cũng mong muốn các doanh nghiệp giới thiệu, quảng cáo các sản phẩm phải uy tín và nêu cao tinh thần trách nhiệm. Từ đó, tạo được lòng tin, giữ được khách hàng thân thiết và có thêm một lượng khách hàng mới.
Đối với HTX chè La Bằng (Đại Từ, Thái Nguyên), nhờ đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên các sàn TMĐT nên mặc dù kênh phân phối truyền thống bị sụt giảm doanh số nhưng kênh bán hàng online bắt đầu phát triển, phần nào giúp cho HTX từng bước vượt qua khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Hải, Giám đốc HTX chè La Bằng cho biết: Với diện tích 30ha, trung bình mỗi ngày, HTX chè La Bằng sản xuất được 3 tạ chè búp khô. Trong vòng 2 năm trở lại đây, dịch COVID-19 khiến sản lượng tiêu thụ của HTX bị giảm tới 40%. Tuy nhiên, do đẩy mạnh quảng bá trên các sàn TMĐT nên hiện nay, mỗi ngày HTX cũng có 100 đơn hàng với số lượng hơn 1,2 tạ chè búp khô bán ra thị trường. Hiện nay, khách hàng cũng bắt đầu làm quen với việc mua sắm online nên HTX rất chú trọng đến việc bao gói, bảo quản sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Còn đối với tỉnh Phú Thọ, đến nay, nhiều nông sản thực phẩm, trong đó có các sản phẩm chè của tỉnh được các đơn vị trong và ngoài tỉnh hỗ trợ đẩy mạnh xây dựng, quảng bá thương hiệu đã được doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm, nhà hàng, khách sạn kết nối tiêu thụ, quảng bá đến với người tiêu dùng.
Đồng thời, tỉnh Phú Thọ cũng tiếp tục cơ cấu lại sản xuất theo hướng hàng hóa, chú trọng xây dựng liên kết chuỗi, có định hướng cụ thể trong sản xuất, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh Phú Thọ có 4 trung tâm thương mại, 14 siêu thị và trên 100 cửa hàng Vinmart+, cửa hàng tiện ích, có quy mô từ 100 - 500m2 đang hoạt động ổn định; 20.000 trang trại và hộ gia đình sản xuất kinh doanh sản phẩm nông sản. Hiện đã có gần 60 sản phẩm nông sản, thực phẩm được phân phối vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi như rau, củ, quả; các loại bánh đã qua chế biến; thịt các loại; chè và các loại dầu ép ra từ nông sản.
Ngoài ra, các đơn vị cũng đang đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng các kênh bán hàng, giới thiệu sản phẩm bằng hình thức trực tuyến. Các chủ thể sản xuất được hỗ trợ quảng bá sản phẩm trên các trang thương mại điện tử trong tỉnh (giaothương.net.vn và nongsan.phutho.gov.vn).
Để thích ứng với tình hình mới, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã và đang tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, chú trọng vào nhãn mác, bao bì sản phẩm.
Cùng với đó, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ đã hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối, ứng dụng phần mềm truy xuất trong tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh về lợi ích của việc tiêu thụ sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Nhận thức được vai trò của thương mại điện tử trong nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp cận khách hàng nhanh chóng, hiệu quả, nhiều doanh nghiệp đã tích cực quảng bá sản phẩm trên website, các trang thương mại điện tử, mạng xã hội, cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết để người tiêu dùng có thể đặt mua hàng trực tuyến.
Có thể thấy việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp đã giúp doanh nghiệp Việt Nam vừa tiếp cận khách hàng trong nước và quốc tế vừa đảm bảo phòng chống dịch.
Qua đó góp phần đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đóng góp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu cả nước nói chung và tăng trưởng của ngành công thương nói riêng.
Ngay từ khi dịch COVID-19 xảy ra, Bộ Công Thương đã nhanh chóng sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để kết nối thường xuyên liên tục giữa doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, hiệp hội ngành hàng, các tổ chức xúc tiến thương mại, thương vụ, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nhà nhập khẩu và đối tác nước ngoài.
Thông qua kết nối thông tin thường xuyên liên tục, hàng trăm ngàn dữ liệu về hàng hóa xuất nhập khẩu từ doanh nghiệp đã được cung cấp cho các đối tác nước ngoài.
Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các quốc gia đóng cửa phòng dịch khiến hàng loạt các hoạt động giao thương trực tiếp truyền thống không thực hiện được.
Cục Xúc tiến thương mại là đơn vị tiên phong tại Việt Nam nhanh chóng sáng tạo, ứng dụng các mô hình xúc tiến thương mại trực tuyến và hybrid (trực tiếp kết hợp trực tuyến) tại Việt Nam nhằm chia sẻ kinh nghiệm tổ chức, đưa các mô hình này lan tỏa tới nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước.
Hàng trăm chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến như các hội nghị giao thương, hội chợ triển lãm trực tuyến, ứng dụng công nghệ livestream quảng bá sản phẩm trên các nền tảng số… đã đạt được kết quả nhất định.
Điều này đã khẳng định giải pháp đổi mới hoàn toàn phù hợp với bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thay thế cho nhiều hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống bị dừng đột ngột, đồng thời bắt nhịp nhanh nhạy với chuyển đổi số trong nền kinh tế.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.