Dịch Covid-19 và hướng tiêu thụ trong nông nghiệp

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng to lớn tới tình hình sản xuất cũng như tiêu thụ, làm đứt gãy chuỗi lưu thông từ sản xuất, nguyên vật liệu vật tư nông nghiệp đầu vào cho đến các khâu như thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, phân phối tới các tỉnh thành phố để tiêu thụ cũng như xuất khẩu. Đặc biệt mới đây, Trung Quốc dựng thêm nhiều rào cản kỹ thuật với hàng hoá nhập khẩu. Nếu không thay đổi, nông sản Việt sang thị trường này sẽ ngày càng khó.

Chủ động kết nối, khơi thông tiêu thụ nông sản

Tại Nghệ An, do ảnh hưởng dịch bệnh, thời gian qua, việc tiêu thụ sản phẩm nông sản của Nghệ An chịu tác động mạnh. Các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh xuất khẩu chủ yếu vào các thị trường như Trung Quốc; Trung Đông, một số thị trường ở châu Âu và Lào đều gặp khó khăn, một số thị trường đóng cửa. Trong khi đó, sức tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh cũng giảm mạnh, sản phẩm tiêu thụ chậm, giá xuống thấp, trong đó 4 sản phẩm bị tác động nhiều nhất là thịt lợn, lạc, chè và rau, củ, quả.

Ông Nguyễn Văn Hà - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản Nghệ An cho biết: “Dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Sức mua giảm, giá bán giảm, trong khi đó chi phí logistics tăng, một số nước nhập khẩu dựng thêm hàng rào kỹ thuật, chi phí kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa xuất khẩu tăng; một số sản phẩm rau, củ, quả lại sẽ vào vụ thu hoạch tập trung. Do đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến trong nước và quốc tế, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản Nghệ An được tham gia các hoạt động tiêu thụ là yêu cầu bức thiết”.

Vừa qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ký kết thỏa thuận tiêu thụ sản phẩm nông sản trên Sàn thương mại điện tử (TMĐT) VOSO.VN của Tập đoàn Viettel. Cùng với Sàn thương mại điện tử postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, VOSO.VN là 1 trong 2 sàn được Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ định hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, với mục tiêu đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, HTX đăng ký các sàn TMĐT để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn TMĐT; thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian.

Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An phối hợp với Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel tổ chức ký kết hợp tác thúc đẩy tiêu thụ nông sản Nghệ An trên sàn thương mại điện tử VOSO.VN tháng 9/2021. Ảnh: Phú Hương.
Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An phối hợp với Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel tổ chức ký kết hợp tác thúc đẩy tiêu thụ nông sản Nghệ An trên sàn thương mại điện tử VOSO.VN tháng 9/2021. Ảnh: Phú Hương.

Để thực hiện hiệu quả kênh tiêu thụ nông sản Nghệ An trên sàn TMĐT, hai bên đã thống nhất phối hợp xây dựng tài liệu, quy trình, hướng dẫn các cơ sở SXKD nông sản đăng ký tài khoản và đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn với nhiều hình thức khác nhau; đào tạo, hướng dẫn các hộ sản xuất, kinh doanh về cách thức sử dụng các thiết bị di động thông minh trong quá trình giao dịch trên sàn; xây dựng quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận để hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ trong quá trình kết nối, mua bán; đồng thời triển khai giải pháp về truy xuất nguồn gốc hàng hóa uy tín trên sàn TMĐT.

Xuất khẩu chè giảm cả lượng và kim ngạch

Chè là một trong những nông sản chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid-19 khi thị trường bị đứt gãy, giá cước tăng cao, giá chè xuống thấp, tiêu thụ chậm. Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng về diện tích và thứ 6 trong bảng xếp hạng về sản lượng chè trên toàn thế giới. Thế nhưng, hiện tổng doanh thu của toàn ngành chè chỉ đạt khoảng 552 triệu USD trong năm 2020, trong đó xuất khẩu chè chỉ đem về 217,7 triệu USD, quá thấp nếu đem so sánh với nhiều loại nông sản khác như cà phê, tiêu, điều, cao su…

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2021 cả nước xuất khẩu 91.595 tấn chè các loại, tương đương 153,29  triệu USD, giá trung bình 1.673,6 USD/tấn, giảm 6,6% về lượng, giảm 2,5% về kim ngạch nhưng tăng 4,4% về giá so với cùng kỳ năm 2020.

Riêng tháng 9/2021 xuất khẩu 11.695 tấn, đạt 20,33 triệu USD, giá 1.738,5 USD/tấn, tăng 13% về lượng và tăng 16,6% kim ngạch và tăng 3% về giá so với tháng 8/2021.

Xuất khẩu chè 9 tháng năm 2021 giảm cả lượng và kim ngạch - Ảnh minh họa.
Xuất khẩu chè 9 tháng năm 2021 giảm cả lượng và kim ngạch - Ảnh minh họa.

Chè của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Pakistan, chiếm 30,4% trong tổng khối lượng và chiếm 35,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chè của cả nước, đạt 27.821 tấn, tương đương 54,69 triệu USD, giá trung bình 1.965,9 USD/tấn, giảm 4,9% về lượng, giảm 2% về kim ngạch nhưng tăng 3% về giá so với cùng kỳ năm 2020.

Đài Loan đứng vị trí thứ 2, chiếm 15,2% trong tổng khối lượng và chiếm 14% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chè của cả nước, đạt 13.958 tấn, tương đương 21,38 triệu USD, giá trung bình 1.531,8 USD/tấn, tăng 10,5% về lượng, tăng 9% kim ngạch nhưng giảm 1,4% về giá.

Sau đó là thị trường Nga, chiếm trên 10% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch, đạt 9.883 tấn, tương đương 15,99 triệu USD, giá trung bình 1.618,4 USD/tấn, giảm 12,2% về lượng và giảm 6,3% về kim ngạch nhưng giá tăng 6,7%.

Đáng chú ý, xuất khẩu chè sang các thị trường Trung Quốc 9 tháng năm 2021 tăng mạnh 30,5% về lượng và tăng 43% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, đạt 7.709 tấn, tương đương 12,23 triệu USD; giá cũng tăng 9,7%, đạt 1.587 USD/tấn.

Với những thị trường lớn trên thế giới là EU, Mỹ… thì chè Việt Nam vẫn chưa tìm được chỗ đứng. Bởi các thị trường này có yêu cầu cao và khó tính, trong khi sản phẩm chè Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được chất lượng cũng như mẫu mã.

Trong vài năm qua, xuất khẩu của ngành chè Việt Nam sang EU giảm rõ rệt về cả kim ngạch và lượng. Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này là do sản phẩm chè của Việt Nam không đa dạng chủng loại cũng như chất lượng chè không được đánh giá cao, đi đôi với đó là mẫu mã và quy chuẩn kém dẫn đến tình trạng chè Việt Nam không có khả năng cạnh tranh với sản phẩm chè của các quốc gia khác.  

Theo Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas), tính đến năm 2021 Việt Nam có 34 tỉnh, thành phố trồng chè, với diện tích lên đến 130 nghìn ha, đạt năng suất trung bình 8 tấn/ha, sản lượng chè khô đạt 192 nghìn tấn/năm.

Một số tỉnh của nước ta có diện tích đất trồng chè lớn phải kể đến như: Thái Nguyên (22,3 nghìn ha), Lâm Đồng (10,8 nghìn ha), Hà Giang (21,5 nghìn ha), Phú Thọ (16,1 nghìn ha).

Thống kê tại Việt Nam có đến 170 giống chè các loại, trong đó có một số giống mang hương vị đặc biệt được thế giới ưa chuộng. Tổng doanh thu của ngành chè năm 2020 đạt 552 triệu USD, trong đó tiêu thụ trong nước khoảng 315 triệu USD, xuất khẩu chính ngạch khoảng 220 triệu USD và xuất khẩu tiểu ngạch đạt 17 triệu USD.

Vitas cho rằng, Việt Nam có nhiều sản phẩm chè đặc sản như Trà Tân Cương (Thái Nguyên); Trà đen; Trà Shan tuyết; Trà ướp hoa sen; Trà Ô Long…trong đó, dòng chè Shan tuyết khá được ưa chuộng và có giá bán cao trong thị trường tiêu thụ.

Đây là những sản phẩm thế mạnh của Việt Nam có triển vọng tìm được chỗ đứng tại thị trường EU, Mỹ nếu đáp ứng được yêu cầu về an toàn thực phẩm và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, cần chuẩn hóa quy trình canh tác và chế biến các loại chè đặc sản, đầu tư vào khâu bao bì mẫu mã, để nâng cao giá trị xuất khẩu cho chè Việt Nam.

Trung Quốc ngày càng kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới - Doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức về sản xuất, chế biến

Những năm vừa qua, Trung Quốc có nhiều thay đổi trong việc quản lý an toàn thực phẩm và an toàn sinh học đối với thực phẩm và nông sản nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc phải tuân thủ Luật An toàn thực phẩm và Luật An toàn sinh học.

Thông tin trước báo chí, ông Thân Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) cho biết, qua Diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên thứ 10, với chủ đề "Chia sẻ thông tin, thích ứng với quy định mới trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc (Lệnh 248 & 249)", doanh nghiệp Việt Nam đã thay đổi được nhận thức về sản xuất, chế biến và chuẩn bị tinh thần để đáp ứng các điều kiện cho thị trường Trung Quốc.

Cũng theo ông Hùng, hiện nay việc sử dụng các sản phẩm sạch, thân thiện môi trường ngày càng phổ biến. Trung Quốc cũng không nằm ngoài xu hướng này. Thay mặt VIDA, ông Hùng mong các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp để đáp ứng được những yêu cầu mới từ các thị trường, trong đó có Trung Quốc.

Một số quy định của Lệnh 248, 249 thực tế đã nằm trong yêu cầu của nhiều thị trường như EU, Mỹ, nhưng với doanh nghiệp Việt Nam, đa số còn bỡ ngỡ. 

Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH An Huy thì quan tâm đến thị trường biên mậu (tiểu ngạch). Một số sản phẩm truyền thống, người dân và doanh nghiệp có xu hướng đi qua kênh này. Do đó, ông Huy lưu ý ngành nông nghiệp cần có định hướng, chính sách để hỗ trợ bà con nông dân, tránh rơi tình trạng “được mùa mất giá”.

"Trung Quốc - Việt Nam có giao thương phát triển. Vấn đề là làm thế nào để chúng ta hài hòa các quy định giữa hai bên, để hướng đến một nền sản xuất hàng hóa”, ông Huy nói.

Về góc độ địa phương, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An cho biết, từ năm 2015, tỉnh đã nhận thức phải chuẩn hóa vùng nguyên liệu, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu để đón đầu xu hướng nâng cao yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm. 

Hiện Long An cấp được 217 mã số vùng trồng, trong đó 69 mã cho Trung Quốc. Tỉnh chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu có thể truy xuất được nguồn gốc, gắn với trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh xuất khẩu, lãnh đạo tỉnh Long An vẫn trăn trở về vấn đề chất lượng nông sản ở thị trường nội địa. “Hiện tượng rau hai luống, lợn hai chuồng còn tồn tại. Cơ quan chuyên môn của địa phương hiện gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý, định hướng tập quán canh tác của bà con”, bà Khanh nói.

Trong quá trình thích ứng Lệnh 248, 249, Sở NN-PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh Long An về việc xây dựng bộ quy chế, đồng thời tập hợp được 26 doanh nghiệp trên địa bàn để đăng ký trước ngày 1/11.

Ông Lê Thanh Hoà, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho rằng, những năm qua có rất nhiều thay đổi trong việc quản lý an toàn thực phẩm và an toàn sinh học đối với thực phẩm và nông sản nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc. Mới đây, có thêm lệnh Lệnh 248, 249. Song theo ông, nếu xét tổng thể, 2 lệnh này không tác động nhiều đến các doanh nghiệp nông nghiệp. .

Riêng Lệnh 249, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về ATTP ngay cả khi sản phẩm đã xuất khẩu sang Trung Quốc. Do đó, các doanh nghiệp lựa chọn những đối tác đảm bảo, tin cậy nhằm giúp việc lưu trữ hồ sơ (tối thiểu 6 tháng), bên cạnh các yếu tố như kho bãi, vận chuyển.

Yêu cầu từ phía Trung Quốc đang dần tiệm cận với những nước phát triển. Vì thế, doanh nghiệp cần lưu ý tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong hai Lệnh trên, tránh để xuất khẩu ngưng trệ. 

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.