Việt Nam là nước có lợi thế sản xuất chè. Trong những năm qua, ngành chè đã đem lại giá trị kinh tế lớn cho xã hội, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển.
Tại thị trường trong nước, nhu cầu tiêu thụ chè của người dân Việt luôn cao, đặc biệt vào các dịp lễ Tết hay các sự kiện quan trọng. Đặc biệt, chè không đơn thuần chỉ dùng uống hằng ngày, mà còn được dùng làm quà biếu người thân thay lời chúc mừng, lời chào đón…Chính vì thế tiêu thụ chè trong nước luôn ở mức ổn định.
Thị trường tiêu thụ trong nước phần lớn là chè xanh ngược lại với thị trường xuất khẩu chủ yếu là chè đen (chiếm tỷ trọng đến 51%).
Trong những năm gần đây, ngoài người trung niên và lớn tuổi, sản lượng tiêu thụ chè của giới trẻ cũng đang có xu hướng tăng. Cùng với đó, họ có sự đòi hỏi cao hơn về tính tiện lợi, nhanh chóng và đẹp mắt. Những thị hiếu này đã tạo nên chỗ đứng cho loại chè hòa tan, chè túi nhúng…
Đáng nói, trước diễn biến dịch Covid-19 qua các đợt bùng phát, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch, nhiều nơi thực hiện giãn cách xã hội. Từ đó, xu hướng tiêu thụ chè tăng do người tiêu dùng phải ở nhà nhiều hơn.
Thế nhưng, cũng chính ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn, thậm chí, có một số địa phương giai đoạn đầu của dịch bệnh đã ban hành văn bản có tính chất “khắc nghiệt” gây cản trở lưu thông hàng hóa.
Cụ thể, thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng về các biện pháp cấp bách phòng chống COVID-19, một số nội dung của chỉ thị, nhất là khái niệm hàng hóa thiết yếu còn chưa được hiểu và thực hiện thống nhất, gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa thiết yếu.
Để gỡ khó vấn đề trên, Bộ Công Thương xác định chè là một trong những sản phẩm hàng hóa thiết yếu, qua đó tạo điều kiện để cấp thẻ xanh lưu hành trong mùa dịch. Như vậy, cơ chế chính sách liên quan việc lưu thông hàng hóa, tránh bị đứt gãy khi vận chuyển hàng hóa mùa dịch bước đầu tháo gỡ được khó khăn cho thị trường trong nước.
Thực tế, nguồn cung cấp hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân hiện nay tại các chợ, siêu thị, cơ sở, cửa hàng kinh doanh dịch vụ, hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu vẫn duy trì hoạt động bình thường để đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân.
Tuy nhiên, để giảm rủi ro lây nhiễm dịch bệnh Covid-19, người dân phải hạn chế đến các điểm bán tập trung khiến sản phẩm đến với người tiêu dùng còn chậm. Chính vì vậy, trong điều kiện hiện nay, ngoài các cách thức tiêu thụ truyền thống thông qua hội chợ, siêu thị ….thì việc tìm kiếm những hướng đi mới với những tiện ích đa năng đã và đang thôi thúc các địa phương, các doanh nghiệp có nhu cầu tìm đến kênh thương mại điện tử, hướng đến kênh phân phối hiện đại và mang tính bền vững.
Đặc biệt, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19 dẫn đến giãn cách xã hội, người với người không thể gặp gỡ trực tiếp, hệ thống vận tải, giao thương bị gián đoạn do việc phong tỏa tại các địa phương, ảnh hưởng đến giao thông tại các huyết mạch quốc lộ. Hơn nữa, việc tham gia sàn thương mại điện tử còn giúp nông sản được tiêu thụ nhanh hơn, giúp góp phần giảm thiểu thiệt hại cho người nông dân, nhất là khi đặc thù nông sản khi đến kỳ phải thu hoạch, không thể để quá lứa và cũng không thể để được lâu khi hệ thống bảo quản nông sản ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Một ưu điểm nữa của hình thức này đó chính là góp phần thúc đẩy hơn tiêu thụ nội địa, giúp giảm tải cho các sản phẩm nông sản khi đang gặp khó khăn trong vấn đề xuất khẩu trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh.
Theo chị Phạm Thị Thủy, Chủ nhiệm HTX Chè Thủy Thuật, xã Phúc Trìu, TP. Thái Nguyên cho biết, HTX đăng ký để đưa sản phẩm chè lên sàn Voso.vn từ tháng 7/2019. Đến nay, HTX được hỗ trợ thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, các sản phẩm chè của HTX được thị trường ngoài tỉnh biết đến nhiều hơn, đối tác cũng được mở rộng, do vậy mà số lượng hàng hóa sản xuất, tiêu thụ đã tăng lên đáng kể.
Còn theo anh Hà Văn Chinh – Phó Giám đốc HTX sản xuất chè an toàn Long Cốc, xã Long Cốc, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) cho biết: Bắt đầu từ năm 2020, sau khi tham gia sàn giao dịch điện tử, sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến hơn, nhờ đó thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng, HTX cũng có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh…
Được biết, khi tham gia sàn TMĐT đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp, đơn vị phải nâng cao chất lượng sản phẩm, năng động, nhanh nhạy với thị trường và am hiểu công nghệ thông tin. Không chỉ bán và giới thiệu sản phẩm qua sàn TMĐT, HTX sản xuất chè an toàn Long Cốc còn thực hiện bán hàng online thông qua trang web của công ty là chelongcocphutho.vn, qua mạng xã hội facebook và zalo…
Theo anh Chinh, việc bán hàng online, bán hàng qua sàn TMĐT giúp HTX tiếp cận với các đối tượng khách hàng ở khắp trong và ngoài tỉnh đồng thời mở thêm các đại lý, tạo kênh phân phối tiếp theo… Nhờ đó, sản lượng chè bán ra của HTX năm sau cao hơn năm trước. Trung bình 1 năm HTX bán được khoảng 70 - 80 tấn chè tươi và 10 - 12 tấn chè khô. Các sản phẩm của HTX đã được bày bán tại nhiều siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, trong đó một số sản phẩm cao cấp như chè đinh Bát Tiên, chè đinh Shan Tuyết có giá bán cao (khoảng 1,5tr đồng/ 1kg) được khách hàng rất ưa chuộng.
Đánh giá về vai trò của việc bán hàng qua kênh thương mại điện tử, chia sẻ với báo chí, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, việc đưa sản phẩm nông sản tươi và các sản phẩm nông sản có tiềm năng của các địa phương lên các sàn thương mại điện tử là một trong những phương thức bán hàng hiệu quả, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh.
Vai trò của kênh thương mại điện tử càng được thể hiện rõ khi số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, bất chấp những khó khăn và thách thức do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lĩnh vực thương mại điện tử năm 2020 vẫn chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc. Với 53% dân số tham gia mua bán trực tuyến, quy mô thị trường thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp với khách hàng) của Việt Nam năm 2020 tăng 18%, đạt 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Thực tế hiện nay, nhất là trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh COVID-19 ngày càng phức tạp, khó lường, giao dịch trên sàn thương mại điện tử đã ngày càng trở nên quen thuộc và phổ biến hơn. Đối với sản phẩm chè nói riêng và các sản phẩm nông sản nói chung, đây vẫn là hình thức còn khá mới mẻ, tuy nhiên việc đẩy mạnh các sàn giao dịch nông sản điện tử đang minh chứng cho hiệu quả khả quan cũng như tiềm năng từ kênh phân phối đắc lực này.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.