Chung sức tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch diễn biến phức tạp
Theo báo cáo của ngành Công Thương tỉnh Tuyên Quang, hiện nay trên địa bàn tỉnh các sản phẩm nông sản na, bưởi, cam có diện tích lớn đang ở thời điểm cho thu hoạch. Theo đó, phấn đấu tiêu thụ trên 2.324 tấn na, trên 95.531 tấn cam, trên 30.822 tấn bưởi. Ngành Công Thương dự kiến phương án tiêu thụ sản phẩm cam khoảng 17% sản lượng tiêu thụ trong tỉnh và 83% tiêu thụ ngoài tỉnh, na khoảng 40% sản lượng tiêu thụ trong tỉnh và 60% tiêu thụ ngoài tỉnh, bưởi khoảng 30% sản lượng tiêu thụ trong tỉnh và 70% tiêu thụ ngoài tỉnh. Các sở, ban, ngành phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản; phối hợp với UBND các huyện, thành phố thực hiện các giải pháp đẩy mạnh chế biến, kết nối tiêu thụ để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh.
Nông sản của tỉnh Tuyên Quang vốn đa dạng, chất lượng, được trải đều cả bốn mùa và đặc biệt, mỗi huyện, mỗi khu vực lại ưu tiên tập trung phát triển một loại nông sản chủ lực. Các vùng chuyên canh này hàng năm cung cấp cho thị trường, trong đó chủ yếu là thị trường ngoại tỉnh một sản lượng lớn rau màu, hoa quả, thực phẩm các loại. Thời điểm thu hoạch các loại nông sản, đặc biệt là hoa quả chủ yếu tập trung từ tháng 7, tháng 8 đến hết năm, trong đó nhiều nhất là cam và bưởi.
Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản của hầu hết các tỉnh, thành phố nói chung đang gặp nhiều khó khăn. Tuyên Quang cũng không nằm ngoài ảnh hưởng.
Ngày 30/8, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành kế hoạch số 142/KH-UBND về việc hỗ trợ tiêu thụ một số sản phẩm nông sản của tỉnh trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhằm hạn chế các tác động của dịch đến tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh trong năm 2021.
Theo đó, để thực hiện kế hoạch, tỉnh Tuyên Quang luôn theo dõi sát diễn biến dịch bệnh và các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 để cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch tổ chức các sự kiện xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản Tuyên Quang diễn ra hiệu quả, đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.
Cùng với đó, kết nối với Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến các tỉnh, thành phố hỗ trợ tiêu thụ nông sản tỉnh Tuyên Quang; kết nối với các nhà máy chế biến nông sản ngoài tỉnh để hỗ trợ thu mua, chế biến sản phẩm nông sản của tỉnh.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân đến Tuyên Quang nghiên cứu, khảo sát kết nối tiêu thụ nông sản của tỉnh. Đảm bảo các quy định về phòng chống dịch bệnh khi tổ chức sản xuất, sơ chế, thu gom tiêu thụ các sản phẩm theo vùng; thành lập đội thu gom, vận tải của tỉnh để vận chuyển các sản phẩm đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố đảm bảo điều kiện công tác phòng chống dịch Covid-19 (theo luồng xanh). Kiểm soát nghiêm công tác phòng dịch, ưu tiên tiêm vacxin cho thương lái, người vận chuyển thu mua, khử trùng đối với các xe chuyên vận chuyển nông sản ra vào trên địa bàn tỉnh; điều tiết, phân luồng vận chuyển nông sản đi các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động các cấp, các ngành và người dân trên địa bàn tỉnh ưu tiên lựa chọn sử dụng, chung tay hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh Tuyên Quang; phát động cuộc vận động "Người Tuyên Quang ưu tiên sử dụng nông sản Tuyên Quang"..
Nghiên cứu xây dựng các điểm trưng bày, bán sản phẩm Tuyên Quang tại các tỉnh thành tập trung đông dân cư, khu công nghiệp như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Nguyên...
Ngoài ra, hỗ trợ các doanh nghiệp, Hợp tác xã của tỉnh kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa với các Tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như: Big C, GO, Lan Chi, Vinmart&Vinmart+, MM Mega Market, Aeon, Lotte, Co.opmart, Co.opFood, Fivimart và Citimart…; kết nối tiêu thụ trên các Sàn Thương mại điện tử như: Sendo, Voso, PostMart, Cuccu, Shopee…, các mạng xã hội...
"Người Tuyên Quang dùng nông sản Tuyên Quang"
Ngay sau đó, Sở Công Thương cũng đã xây dựng kế hoạch phát động phong trào Người Tuyên Quang ưu tiên dùng nông sản Tuyên Quang. Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Anh Tuân, Trưởng phòng Quản lý thương mại và xuất nhập khẩu, Sở Công Thương cho biết, ngoài việc xây dựng kế hoạch phát động phong trào Người Tuyên Quang ưu tiên sử dụng nông sản Tuyên Quang, đơn vị đã tham mưu đề xuất Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) làm việc với Vinmart và một số siêu thị lớn để đưa các nông sản của tỉnh, đặc biệt là sản phẩm cam đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch vào hệ thống. Tiến tới xây dựng kế hoạch triển khai Ngày nông sản, Tuần nông sản của từng địa phương, theo từng mùa vụ.
Theo đó, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được phát động và triển khai sâu rộng nhiều năm nay đã tạo ra những hiệu ứng tích cực để hàng Việt Nam nói chung, hàng sản xuất tại Tuyên Quang nói riêng có được chỗ đứng nhất định với người tiêu dùng.
Chia sẻ với báo chí, chị Đặng Vân Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thành Tuyên sau nhiều lần sử dụng hàng Việt Nam và hàng sản xuất tại Tuyên Quang đã bị “chinh phục” bởi chính chất lượng sản phẩm. Bản thân mình bị chinh phục, chị cũng muốn chinh phục thêm nhiều đối tượng khách hàng khác nữa. Và một gian hàng bày bán, giới thiệu các sản phẩm OCOP của Tuyên Quang ra đời cuối năm 2020. Chị Đặng Vân Anh cho biết, mặc dù chỉ hoạt động trong trạng thái bình thường được khoảng 2 tháng, nhưng đúng thời điểm cận Tết nên các mặt hàng của cửa hàng chị được “xuất kho” liên tục.
Thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng với sự linh hoạt của mình, chị Đặng Vân Anh đã giúp nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đến được với người tiêu dùng, không chỉ trong tỉnh mà ở nhiều tỉnh, thành phố của cả nước. Tranh thủ quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các hội nhóm, tận dụng sức mạnh của nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, chị đã đưa mật ong Tuyên Quang, chè xanh Ngọc Thúy, chè Shan tuyết Na Hang, tinh bột nghệ Tiến Phát, bột sắn dây Sơn Dương… đến với đông đảo người tiêu dùng.
Có thể thấy, cùng với hệ thống chợ truyền thống, các cửa hàng, gian hàng bày bán nông sản Tuyên Quang đang được mở rộng trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh, thành phố lớn. Như gian hàng của Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Duy Phát tại Hà Nội, TP Tuyên Quang; điểm bán hàng OCOP của Hợp tác xã Nông sản an toàn Tâm Hương tại TP Tuyên Quang; điểm bán hàng OCOP của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát tại xã Hòa Phú (Chiêm Hóa)… Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cũng đã khảo sát tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh. Chi cục trưởng Chi cục nông lâm sản và thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Thuấn cho biết, qua khảo sát, lượng nông sản của Tuyên Quang vẫn chiếm đa số trong các mặt hàng nông sản. Đây chính là tiền đề, là lợi thế để nông sản tỉnh chiếm ưu thế đối với khách hàng.
Ngay sau khi dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có những tỉnh, thành phố là khách hàng truyền thống của các sản phẩm nông sản của tỉnh như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… ngành Nông nghiệp đã phối hợp với ngành Công Thương và một số sở ngành liên quan xây dựng kế hoạch và ký kết hợp tác tiêu thụ các loại nông sản của người dân trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, để nông sản địa phương thực sự trở thành lựa chọn của người tiêu dùng, thì uy tín của người sản xuất, chất lượng của sản phẩm phải được đặt lên hàng đầu. Như sản phẩm cam sành Hàm Yên sau nhiều năm xây dựng, phát triển thương hiệu, hiện nay, vùng cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ của cam Hàm Yên và một số địa phương khác đang ngày càng được mở rộng.
Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện có hơn 200 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, trong đó có hơn 60 sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản, 2 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý là Cam sành Hàm Yên và Chè Shan tuyết Na Hang. Đây là bước đi phù hợp, để thuận tiện, dễ dàng hơn cho người tiêu dùng trong việc truy xuất nguồn gốc, đồng thời bảo vệ được công sức của người nông dân khi có sản phẩm tham gia vào thị trường.
Như nhiều cơ sở khác như Hợp tác xã chè Sử Anh cũng chật vật tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm chè. Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, do tập trung vào phân khúc thị trường cao cấp, thị trường quà biếu nên cơ sở hầu như xuất bán sản phẩm ra ngoài tỉnh. Thị trường nội tỉnh chỉ chiếm khoảng 20% tổng sản lượng. Dịch bệnh Covid-19 đã khiến lượng khách hàng giảm 60% so với trước, anh Sử phải xây dựng lại chiến lược kinh doanh của mình. Một gian hàng bày bán, giới thiệu sản phẩm được anh mở ngay tại gia đình. Các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn tỉnh được anh tập trung đưa sản phẩm đến giới thiệu. Mạng xã hội, các kênh bán hàng thương mại điện tử cũng được tận dụng để giới thiệu sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng.
Để hạn chế tối đa tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đến tiêu thụ sản phẩm nông sản, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng 2 phương án, gồm: tiêu thụ sản phẩm nông sản trong điều kiện tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, một số tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội và phương án phải giãn cách toàn xã hội.
Mục tiêu cao nhất của 2 phương án là tiêu thụ 100% sản lượng na, cam và bưởi cho nông dân. Bên cạnh việc đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa, tỉnh còn tập trung tiêu thụ tại thị trường các tỉnh, thành phố lân cận. Đặc biệt, là đẩy mạnh tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử: Vỏ Sò, Postmart… để tiếp cận được nhiều thị trường hơn…
Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền để người dân trên địa bàn tham gia phong trào “Người Tuyên Quang ưu tiên dùng hàng Tuyên Quang”; kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài tỉnh giúp nông dân tiêu thụ nông sản…
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.