Theo Cục Trồng trọt, tính đến năm 2020, cả nước ta có 34 tỉnh, thành trồng chè, với 123,3 nghìn ha. Cây chè được phát triển chủ yếu ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc với khoảng 70% diện tích trồng chè cả nước; kế đến là vùng Tây Nguyên với khoảng 19%; vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung có diện tích chè chiếm 7,0% và khu vực đồng bằng Bắc bộ 4,0%. Một số địa phương có diện tích chè lớn: Thái Nguyên (22,3 nghìn ha), Hà Giang (21,5 nghìn ha), Phú Thọ (16,1 nghìn ha), Lâm Đồng (10,8 nghìn ha).
Về giá trị, ước cả năm 2020 đạt khoảng 220 triệu USD. Sản lượng xuất khẩu tăng nhưng kim ngạch xuất khẩu giảm, nguyên nhân do giá xuất khẩu giảm 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau khi hết thời gian giãn cách xã hội, các doanh nghiệp, HTX sản xuất chè đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm vừa đảm bảo chống dịch, vừa khôi phục sản xuất. Cùng với đó, cắt giảm tối đa chi phí và huy động các nguồn lực để tái đầu tư sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo việc làm ổn định cho người lao động.
Tuy nhiên, khi bắt tay vào khôi phục thị trường, những hạn chế bắt đầu bộc lộ rõ. Thị trường chè tươi ngày càng hỗn loạn. Người nông dân chỉ biết sản xuất theo phong trào, thậm chí bị tư thương lợi dụng làm chè bẩn để xuất khẩu tiểu ngạch, ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu chè Việt Nam trên thế giới. Nhưng nguy hại hơn là các doanh nghiệp chỉ tập trung vào cạnh tranh không lành mạnh trong nội bộ ngành; khó có thể có doanh nghiệp nào phát triển chè bền vững; ngành chè không thể tập trung nguồn lực để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài và các tiến bộ về khoa học - công nghệ không thể áp dụng được vào thực tiễn, nhất là cho nông dân trồng chè.
Về môi trường, tình trạng thiếu tổ chức hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học đã gây ra ô nhiễm sản phẩm và môi trường. Các cơ sở chế biến được xây dựng tự do không theo một quy hoạch tổng thể, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và gây ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn cho cả dân cư và các ngành nghề khác.
Nhằm đẩy mạnh nâng cao giá trị cho các sản phẩm chè, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quy hoạch phát triển ngành chè theo hướng sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Các dự án tập trung vào việc giải quyết một số nhiệm vụ trọng tâm về thâm canh chè, nâng cao năng suất, chất lượng, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu...
Nhiều địa phương đã hình thành vùng sản xuất tập trung, đưa khoa học kỹ thuật để sản xuất ra chè chất lượng cao như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lào Cai… Cùng với đó, thí điểm xây dựng vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến sản phẩm để tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao giá trị, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Công ty cổ phần Chè Phong Hải Lào Cai sau nhiều tháng chật vật tìm thị trường cho chè xuất khẩu, giờ đã bắt đầu nhộn nhịp khi số đơn hàng từ các bạn hàng quen thuộc tăng trở lại. Ông Vũ Minh Đức - Giám đốc điều hành công ty cổ phần Phong Hải Lào Cai chia sẻ: Phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho các hộ làm chè là tập trung thâm canh, tăng năng suất, để công ty có nguyên liệu đầu vào chất lượng. Phía công ty đã tập trung đầu tư vào dây chuyền công nghệ, chúng tôi đang xây dựng thương hiệu và đã làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ để đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho sản phẩm của công ty.
Trên địa bàn tỉnh hiện có vùng chè xã Phú Nhuận (diện tích lên tới 350 ha) là vùng chè mới hình thành khoảng 15 năm nên toàn bộ được trồng bằng chè râm hom. Đây cũng là vùng chè đạt tỉ lệ đồng đều cao, khoảng cách ổn định, không bị mất khoảng. Là vùng chè mới nên nhiều biện pháp kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc, thu hái cũng được nông dân tiếp cận. Nhờ đó, Phú Nhuận trở thành vùng có năng suất chè cao nhất tỉnh.
Sản xuất, chế biến và xuất khẩu chè của tỉnh nói riêng và của cả nước nói chung được nhận định là vẫn có bước tăng trưởng ổn định so với nhiều nước trong khu vực. Thời điểm những tháng cuối năm, các doanh nghiệp sản xuất cần tận dụng tốt cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU mà Việt Nam vừa ký kết với các nước thuộc Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, theo Sở Công Thương, để không mất cơ hội tại những thị trường truyền thống và các thị trường mới, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cần khai thác tốt thế mạnh, làm ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn, có như vậy mới không lo mất ưu thế hậu Covid-19.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhận định: Những năm tới đây, để giữ ổn định diện tích cây chè, nhưng phải nâng cao giá trị gia tăng của chè và sản phẩm trà. Do đó, các địa phương cần đánh giá lại thực trạng sản xuất, kinh doanh, đầu tư, chỉ đạo, tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu. Nhằm nâng cao chất lượng chè, cần đẩy mạnh chế biến, liên kết; phân khúc sản phẩm chè, từ đó gắn với chọn giống và chế biến trà; chú ý phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm mới, nhưng đồng thời cũng phải nâng cao chất lượng sản phầm truyền thống.
Đồng thời, để ngành chè có hướng đi bền vững riêng, các địa phương cần áp dụng và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đổi mới quy trình sản xuất, chế biến, nâng cao giá trị xuất khẩu, hạn chế những bất cập, từng bước xây dựng thương hiệu chè Việt trên thế giới.