Ngành chè Việt Nam trong đại dịch

Đã hơn 2 năm kể từ ngày công bố ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Và ngành chè Việt Nam cũng không ngoại lệ. Kim ngạch xuất khẩu của ngành chè thay đối qua từng thời kỳ. Đây cũng là một trong những mối bận tâm lớn của ngành nông nghiệp nói chung và ngành chè nói riêng.

Lợi thế của ngành chè Việt Nam 

Việt Nam có lợi thế về trồng và sản xuất chè.
Việt Nam có lợi thế về trồng và sản xuất chè.

Việt Nam hiện đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu chè, đứng thứ 7 về sản xuất chè toàn cầu. Sản phẩm chè của Việt Nam hiện đã được xuất sang 74 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam là nước có lợi thế trồng và sản xuất chè. Đây cũng là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của cả nước. Hiện, ngành chè không chỉ sản xuất ở trong nước mà còn vươn tầm ra thế giới. Ngành chè đã đem lại giá trị kinh tế lớn cho xã hội, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển.

Theo thống kê của Hiệp hội chè Việt Nam, tính đến năm 2020, nước ta có 34 tỉnh, thành phố trồng chè với tổng diện tích ổn định ở mức 130 nghìn ha, năng suất bình quân đạt mức khoảng 8,0 tấn/ha, sản lượng chè khô đạt khoảng 192 nghìn tấn.

Cây chè được trồng chủ yếu ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc chiếm  khoảng 70% diện tích trồng chè cả nước; kế đến là vùng Tây Nguyên với khoảng 19%; vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung có diện tích chè chiếm 7,0% và khu vực đồng bằng Bắc bộ 4,0%. Một số địa phương có diện tích chè lớn: Thái Nguyên (22,3 nghìn ha), Hà Giang (21,5 nghìn ha), Phú Thọ (16,1 nghìn ha), Lâm Đồng (10,8 nghìn ha)…

Việt Nam có lịch sử trồng chè lâu đời, với những đồi chè và cây chè cổ thụ đã tồn tại qua nhiều thế hệ là những điều mà người tiêu dùng thế giới rất hứng thú, đặc biệt là đối với phân khúc chè đặc sản.

Thị trường xuất khẩu trong đại dịch

Từ những tháng đầu năm 2020, mặc dù phải đối mặt với những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, song chè là một trong những mặt hàng duy trì được sản xuất, không bị đứt gãy trong quá trình xuất khẩu, tăng trưởng xuất khẩu chè của Việt Nam sang nhiều thị trường chính được đảm bảo ổn định.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu của ngành chè năm 2020 đạt 134.964 tấn, trị giá 217,7 triệu USD, giá 1.613 USD/tấn, giảm 1,8% về lượng, giảm 7,8% về kim ngạch và giảm 6,2% về giá so với năm 2019. Cơ cấu xuất khẩu các sản phẩm chè chủ yếu gồm: chè đen chiếm 51%; chè xanh chiếm 48% (gồm cả chè ướp hương, chè Ô long); còn lại là các loại chè khác. Giá bình quân chè đen là 1.350 USD/tấn; chè xanh là 1.880 USD/tấn. Sản phẩm chè của Việt Nam hiện được xuất sang 74 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Pakistan, Đài Loan, Nga, Indonesia, Trung Quốc tiếp tục là 5 thị trường trọng điểm của chè Việt, chiếm gần 70% về lượng và hơn 70% về trị giá xuất khẩu.

Pakistan là thị trường tiêu thụ chè lớn nhất của Việt Nam trong năm 2020 đạt 43.357 tấn, tương đương 82,59 triệu USD, giá trung bình 1.905 USD/tấn, giảm 11,2% về lượng, giảm 14,4% về kim ngạch và giảm 3,5% về giá so với năm 2019; chiếm 32% trong tổng khối lượng và chiếm 37,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chè của cả nước.

Trong năm 2021, theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 6/2021 đạt 11,1 nghìn tấn, trị giá 19,6 triệu USD, giảm 7,8% về lượng và giảm 2,4% về trị giá so với tháng 6/2020. Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 6/2021, đạt 1.761,1 USD/tấn, tăng 5,8% so với tháng 6/2020. Trong nửa đầu năm 2021, xuất khẩu chè đạt 58,1 nghìn tấn, trị giá 94,9 triệu USD, tăng 0,3% về lượng và tăng 4,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè xuất khẩu bình quân trong nửa đầu năm 2021 đạt 1.632,9 USD/tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu chè trong tháng 7/2021 đạt 10 nghìn tấn, trị giá 18 triệu USD, giảm 25,2% về lượng và giảm 18,9% về trị giá so với tháng 7/2020.

Lũy kế 7 tháng năm 2021, xuất khẩu chè đạt 68 nghìn tấn, trị giá 113 triệu USD, giảm 4,2% về lượng và giảm 0,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè xuất khẩu bình quân trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 1.657,5 USD/tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Thân Văn Sửu - Chủ tịch Chi hội Doanh nghiệp sản xuất thương mại sản vật Tây Nguyên cho biết: “Năm 2021 là một năm chật vật, khó khăn với ngành chè. Các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều rào cản tại các thị trường cũng như những lí do khách quan khác về đại dịch. Điểm sáng duy nhất cả năm là lượng chè xuất khẩu tương đối ổn định, dẫn tới giá trị xuất khẩu cả năm tăng nhẹ.”

Như vậy, tính đến thời điểm này kinh tế toàn cầu đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng nặng nề nhất và đang nỗ lực duy trì đà hồi phục nhờ việc đẩy mạnh tiến trình tiêm chủng vắc xin. Tuy nhiên, tại thị trường trong nước, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến nhiều nhà máy chế biến chè phải tạm dừng sản xuất, tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu. Do đó, lượng và trị giá xuất khẩu chè trong tháng 8/2021 giảm mạnh. Triển vọng xuất khẩu chè trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả của việc kiểm soát dịch bệnh cũng như tiến trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19.

Các doanh nghiệp không ngồi yên

Các doanh nghiệp sản xuất và chế biến chè đã chủ động phương án trong thời gian dịch bệnh kéo dài.
Các doanh nghiệp sản xuất và chế biến chè đã chủ động phương án trong thời gian dịch bệnh kéo dài.

 

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu vẫn chưa thể trở lại bình thường khiến một số doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu chè gặp khó.

Theo số liệu của Cục thống kê tỉnh Thái Nguyên, sản lượng chè xuất khẩu các loại đạt 49 tấn với giá trị đạt 60 nghìn USD, chỉ bằng 45,4% về lượng và bằng 30,5% về giá trị so với cùng kỳ. Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên thương mại Hùng Thái (Thái Nguyên) chia sẻ: “Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều dịch vụ phải tạm thời đóng cửa khiến việc tiêu thụ sản phẩm của chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Nhằm kích cầu tiêu thụ sản phẩm, Công ty chấp nhận bán hàng không lợi nhuận để thu hồi vốn tái sản xuất. Cùng với đó, Công ty cũng cắt giảm tối đa chi phí sản xuất và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm cung cấp cho thị trường những sản phẩm có lợi cho sức khỏe, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.”

Ông Nguyễn Trác Long, Giám đốc Công ty TNHH Thành Long cho biết: Sản phẩm trà Thành Long đang có thị trường tiêu thụ chính là các nước Trung Đông. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp chịu tổn thất nặng nề do chè không tiêu thụ được. Ảnh hưởng từ dịch bệnh, thị trường xuất khẩu chè truyền thống đóng băng, nhiều đối tác tạm hoãn các hợp đồng, ảnh hưởng đến khả năng xoay vòng vốn. Để tháo gỡ khó khăn trước mắt, ngoài các chính sách hỗ trợ từ UBND tỉnh và các ngân hàng, công ty hiện cũng đang tìm kiếm thêm các đối tác mới, mở rộng thị trường tiêu thụ chè ở thị trường nội địa.

Bên cạnh hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, để hạn chế những tác động thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do dịch Covid-19 thì các doanh nghiệp đã chủ động lên phương án “tự cứu mình” nhằm hạn chế rủi ro nhất có thể.

Trong thời gian dịch bệnh Covid-19, hầu hết nền kinh tế trên thế giới đều đang bị ảnh hưởng và khủng hoảng, ngành chè tại Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, ngành chè vẫn giữ được mốc tăng trưởng ổn định, đặc biệt là xuất khẩu chè nhờ có sự đóng góp của nhiều doanh nghiệp trong ngành. Đó cũng là tín hiệu đáng mong đợi ở những thời cơ tiếp theo.

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Hương Trà