Giải pháp tháo gỡ khó khăn của ngành chè tỉnh Thái Nguyên trước đại dịch Covid -19

Thời điểm này, người dân trồng chè ở huyện miền núi Thái Nguyên đang chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 khi thị trường tiêu thụ đình trệ, giá cả thu mua giảm mạnh.

Với khí hậu đặc thù, thổ nhưỡng phù hợp, Thái Nguyên là một trong những vùng sản xuất chè lớn nhất của cả nước với khoảng trên 22.000ha vùng nguyên liệu.
Với khí hậu đặc thù, thổ nhưỡng phù hợp, Thái Nguyên là một trong những vùng sản xuất chè lớn nhất của cả nước với khoảng trên 22.000ha vùng nguyên liệu.

"Chè là thế mạnh đặc biệt của tỉnh"

Trong nhiều năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển chè theo hướng vừa mở rộng quy mô diện tích, vừa phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường trong nước và thế giới. Cùng với chuyển đổi cơ cấu giống, các địa phương đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến chè an toàn, hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Diện tích chè áp dụng quy trình sản xuất an toàn tăng nhanh, nhiều tiến bộ khoa học, công nghệ đã được áp dụng như: Sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, công nghệ tưới tiết kiệm nước trong thâm canh chè. Hầu hết diện tích chè của được sản xuất theo hướng áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn, sản xuất theo hướng hữu cơ, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn trong nước và quốc tế (như: tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, UTZ Certified, hữu cơ...). Sản lượng chè chủ yếu là sản phẩm chè xanh, chè xanh chất lượng cao.

Hiện nay, 100% cơ sở chế biến chè xanh, chè xanh chất lượng cao đã ứng dụng cơ giới hóa các khâu sao, vò chè. Các thiết bị chế biến thủ công, lạc hậu đã được thay thế bằng các thiết bị chế biến mới, bán công nghiệp (tôn quay inox, máy sao bằng gas, bằng điện) bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng chè.

Ngoài việc đầu tư cho khâu chế biến, trong thời gian qua các cơ sở sản xuất cũng tăng cường đầu tư cho khâu đóng gói, bảo quản (sử dụng máy hút chân không, máy ủ hương, thiết bị bảo quản lạnh), cải tiến mẫu mã sản phẩm, bao bì, dán tem nhãn để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, vì vậy chất lượng và giá trị sản phẩm chè của Thái Nguyên cũng đã được cải tiến một cách rõ nét. Hiện đã có trên 80% hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư công nghệ đóng gói tựđộng, sử dụng tem điện tử để truy xuất sản phẩm.

Tuy nhiên, năm 2020 và đặc biệt là năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid 19 làm kinh tế trong nước và quốc tế suy giảm, ngành chè Thái Nguyên cũng đã gặp phải một số khó khăn trong quá trình sản xuất, tiêu thụ chè.

Trước đây, khi vào vụ thu hoạch, lao động tham gia thu hoạch được đảm bảo đủ số lượng thì nay do các lệnh giãn cách, phong tỏa... dẫn đến có thời điểm thu hoạch thiếu lao động, ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch. 

Dịch bệnh kéo dài cũng kéo theo tình trạng vận tải, vận chuyển chè đi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài gặp khó. Mặc dù giá chè tăng nhưng vận chuyển gặp khó khăn nên doanh nghiệp, người dân hết sức vất vả.

Tăng cường chất lượng - giải pháp bền vững cho chè sau dịch 

Để tháo gỡ khó khăn do dịch bệnh, đồng thời thúc đẩy ngành chè phát triển theo hướng bền vững, gia tăng thu nhập cho người làm chè, UBND tỉnh Thái Nguyên đã đề nghị các sở, ngành, đơn vị liên quan cần phải quan tâm nhiều hơn tới các doanh nghiệp, hợp tác xã ngay từ khâu sản xuất, chế biến cho tới tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường quản lý nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”.

Đồng thời, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng văn bản hướng dẫn doanh nghiệp quy trình sản xuất, chế biến, vận chuyển hàng hóa cho ngành chè.

Đổi mới quy trình sản xuất, chế biến, nâng cao giá trị xuất khẩu
Đổi mới quy trình sản xuất, chế biến, nâng cao giá trị xuất khẩu

Bên cạnh đó, để ngành chè có hướng đi bền vững sau đại dịch, cần áp dụng và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đổi mới quy trình sản xuất, chế biến, nâng cao giá trị xuất khẩu. Tăng nội tiêu, tăng chế biến nhằm giảm áp lực lên xuất khẩu chè.

Cùng với các ngành hàng khác, thì ngành chè cũng đang đẩy mạnh hợp tác công tư (PPP) nhằm hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Điều này giúp ngành chè Việt Nam được nâng cao cả về chất lượng và vị thế để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Phát triển ngành chè bền vững quan trọng nhất vẫn là truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm. Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT cho biết, dưới vai trò quản lý Nhà nước, Cục Bảo vệ thực vật đã tham gia vào nhóm PPP của ngành chè. Cùng với Hiệp hội Chè Việt Nam và 12 công ty, Cục Bảo vệ thực vật đã thành lập những tổ đội chuyên trách vấn đề bảo vệ thực vật.

Theo đó, những tổ đội sẽ có nhiệm vụ tập huấn cho người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, cách kiểm soát dư lượng thuốc, cách nhận biết danh sách những loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trên cây chè. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo chất lượng sản phẩm chè, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để phục vụ cho xuất khẩu. Cùng với vấn đề an toàn thực phẩm, việc truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng cũng đang được các nước nhập khẩu đặc biệt quan tâm, nhất là khi các Hiệp định FTA được thực thi.

Ngoài ra, Thái Nguyên cũng áp dụng giải phép đổi mới và phát triển hình thức tổ chức sản xuất, hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến tiêu thụ chè. Hiện nay, toàn tỉnh có 38 doanh nghiệp, 77 hợp tác xã, 230 làng nghề, làng nghề truyền thống sản xuất, chế biến, kinh doanh chè.

Ngoài vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp chè, các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh chè đóng vai trò quan trọng, hiệu quả trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ chè của tỉnh, phù hợp với đặc thù sản xuất chè của tỉnh Thái Nguyên. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ chè Thái Nguyên: Quản lý và phát triển hiệu quả “Nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên”, thương hiệu chè mang chỉ dẫn địa lý “Chè Tân Cương” thành phố Thái Nguyên và các nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý khác thuộc các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.

Tổ chức các lễ hội trà; hội chợ triển lãm sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, hội chợ triển lãm “Mỗi xã một sản phẩm”, đồng thời tổ chức, tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế về chè; công tác phát triển sản phẩm OCOP từ chè đang được quan tâm, đến năm 2020 đã có 60 sản phẩm OCOP từ chè xếp hạng từ 3 - 4 sao, trong đó có sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 5 sao (sản phẩm OCOP quốc gia).

Xây dựng thương hiệu chè gắn với làm du lịch, nhiều gia đình ở Thái Nguyên và chủ các cơ sở chè cơ sở sản xuất chè đã xây dựng không gian thẩm trà và những điểm lưu trú, sẵn sàng đón tiếp du khách trải nghiệm ngay tại gia đình. Xây dựng các sản phẩm OCOP kết hợp với phát triển du lịch ở Thái Nguyên đã tạo cơ hội cho người dân nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.

Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Nguyễn Xuân Sỹ