Giải pháp tháo gỡ khó khăn của ngành nông nghiệp sau Covid

Năm 2020 là năm khó khăn chồng chất của ngành nông nghiệp cả nước khi đối diện với dịch bệnh Covid-19. Trước bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch làm ảnh hưởng đến các thị trường tiêu thụ nông sản và sản xuất trong nước, ngành nông nghiệp đang nỗ lực trên từng lĩnh vực để đạt được mục tiêu về tốc độ tăng trưởng và kim ngạch giá trị xuất khẩu.

Chặng đường đã qua

Ngành nông nghiệp Việt Nam (bao gồm các lĩnh vực nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản) đang tạo ra khoảng 14% GDP, đóng góp tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 hơn 40 tỷ USD, trong đó xuất siêu khoảng 7 tỷ USD. Hiện, hàng chục triệu hộ nông dân, khoảng 10.500 HTX nông nghiệp và hơn 33 nghìn doanh nghiệp đang trực tiếp tổ chức sản xuất nông nghiệp trên 70 triệu mảnh ruộng; Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu đứng thứ nhất, gạo, cà-phê, sắn đứng thứ hai, cao su đứng thứ tư, thủy hải sản đứng thứ 5, chè đứng thứ 7 thế giới.

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp chỉ tăng 2,27% so với cùng kỳ (chủ yếu tăng giá trị nhóm cây ăn quả và một số cây hằng năm). Giá trị hàng hóa nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu ước đạt trên 50 triệu USD, giảm 39,7% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều sản phẩm tồn kho một thời gian không tiêu thụ được, đặc biệt là các sản phẩm xuất khẩu, như: chè, cà phê, tinh bột sắn, đường... do các nước nhập khẩu dừng không mua sản phẩm. Bên cạnh đó, một số mắt xích liên kết trong các chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản và thủy sản bị đứt gãy do giao thương bị hạn chế, mua bán sản phẩm trong các hộ dân bị đình trệ, các cửa hàng giới thiệu và kinh doanh sản phẩm bị đóng cửa.

Năm nay, thị trường trái cây tươi cũng gặp khủng hoảng về đầu ra vì nguồn cung tăng so với cùng kỳ mọi năm trong khi kênh tiêu thụ chính là xuất khẩu lại bị đình đốn vì dịch Covid-19. Cụ thể, sản lượng thu hoạch một số loại trái cây xuất khẩu chính của Đồng Nai trong 8 tháng của năm 2020 đều tăng mạnh như: xoài đạt trên 68,7 ngàn tấn, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2019; chuối đạt gần 83,9 ngàn tấn, tăng hơn 11%; thanh long đạt gần 7 ngàn tấn, tăng gần 4,5%; bưởi đạt trên 36,5 ngàn tấn, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá nhiều mặt hàng trái cây tươi đồng loạt giảm sâu khiến nhà vườn thua lỗ nặng. Thực tế khi xoài, chuối… rộ vụ thu hoạch vào đúng thời điểm Trung Quốc tạm đóng cửa khẩu vì dịch Covid-19 bùng phát, nhiều nhà vườn trắng tay, chứng kiến cảnh trái cây chín rụng đầy vườn mà không có thương lái thu mua do không xuất khẩu được. Ngay cả khi thị trường Trung Quốc mở cửa nhập hàng trở lại thì giá nông sản xuất khẩu cũng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ mọi năm.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn của ngành nông nghiệp sau Covid - Ảnh 1

Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn cho biết: Năm 2020, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện có nhiều khó khăn và thách thức như: Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng - tiêu thụ nông sản toàn cầu và sản xuất, xuất khẩu nông sản của Việt Nam; Chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước gia tăng áp dụng các biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật gây khó khăn cho sản xuất, xuất nhập khẩu nông sản; Biến đổi khí hậu dẫn đến các hình thái thời tiết cực đoan, bất thường chưa từng có: Hạn hán xảy ra ở cả 3 miền, xâm nhập mặn nghiêm trọng kéo dài từ cuối năm 2019 tại Đồng bằng Sông Cửu Long, dông lốc, mưa đá ở trung du, miền núi phía Bắc và Đồng bằng Sông Hồng; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi có nguy cơ tái diễn, xuất hiện rất cao như bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh cúm gia cầm.

Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo nhiệm vụ cho toàn ngành: Thách thức lớn, khó khăn nhiều nhưng với tinh thần hết sức khẩn trương, quyết liệt, bám sát thực tiễn… các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân cần bình tĩnh, nhận dạng kỹ, chính xác từng vấn đề để cùng nhau chung sức, đồng lòng thực hiện nhiệm vụ một cách chủ động, sáng tạo, hiệu quả để vượt qua khó khăn, thách thức. Ngành nông nghiệp phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là biến “nguy” thành “cơ”; linh hoạt phát huy lợi thế trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông lâm thủy sản, để vừa chuẩn bị các điều kiện phục vụ sản xuất, vừa phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là sau khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế.

Giải pháp biến “nguy” thành “cơ”

Trước tình hình dự báo khó khăn, để đạt mục tiêu tăng trưởng của toàn ngành đã đề ra trong năm 2020 (tăng trưởng phấn đấu đạt 2,6 - 3%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 41 tỷ USD), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp phấn đấu, nỗ lực để đạt được các kết quả cao nhất.

Trên lĩnh vực trồng trọt, bám sát tình hình thời tiết, diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn, các loại sinh vật gây hại để hướng dẫn các địa phương kịp thời điều chỉnh về thời vụ, cơ cấu giống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và các tiến bộ kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất.

Khu vực chăn nuôi trọng tâm tiếp tục đẩy mạnh kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt để không tái nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn, khôi phục đàn lợn nhằm ổn định thị trường và giá thịt lợn trong nước.

Đặc biệt là lĩnh vực lâm nghiệp -  khu vực có mức đóng góp lớn cho giá trị kim ngạch xuất khẩu, triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ Hiệp định VPA/FLEGT, tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU. Đi cùng với đó, triển khai đồng bộ các chương trình, kế hoạch về bảo vệ và phát triển rừng, tập trung trồng và chăm sóc rừng. Nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị từng loại rừng, hiệu quả kinh tế rừng trồng.

Vấn đề về thị trường càng cần được quan tâm nhiều hơn trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19. Ngành nông nghiệp cho biết, sẽ tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông, lâm, thủy sản bằng các giải pháp cụ thể. Tận dụng từng nhóm thị trường xuất khẩu kể cả những “lối mở” nhỏ nhất của các thị trường. Tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA đưa lại để tăng cường xuất khẩu những nhóm hàng có lợi thế và phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn của ngành nông nghiệp sau Covid - Ảnh 2

Đồng thời, phối hợp với Bộ Công Thương, các cơ quan, doanh nghiệp theo dõi sát sao diễn biến giá cả, cung - cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu (lúa gạo, thịt lợn, rau quả, thủy sản, đường, muối) để cân đối, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và duy trì xuất khẩu. Nâng cao chất lượng dự báo thị trường và kịp thời thông tin tới các địa phương, doanh nghiệp để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Đặc biệt, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, cần giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiềm năng nhằm hạn chế phụ thuộc vào một số thị trường. Đẩy mạnh truyền thông quảng bá giới thiệu sản phẩm, địa chỉ bán nông sản an toàn, nhất là theo phương thức bán hàng online.             

Để nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng, ngành nông nghiệp đang tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; đẩy mạnh việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP và các tiêu chuẩn tương tự; xây dựng các vùng sản xuất tập trung theo hướng hữu cơ phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, điều chỉnh cơ cấu giống vật nuôi, cây trồng có năng suất, chất lượng cao, giống rải vụ, trái vụ đảm bảo đáp ứng với nhu cầu sơ chế, chế biến, tiêu thụ.

Hương Trà