Giải pháp ứng phó cho nông sản Việt trước quy định liên quan đến luật chống phá rừng của EU

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo xây dựng khung hành động để ứng phó với các quy định mới về phòng chống phá rừng, suy thoái rừng của Liên minh châu Âu.

Kể từ năm 2025, nông sản muốn xuất khẩu sang EU phải đảm bảo được sản xuất không gây mất rừng. Việt Nam không có nguy cơ mất rừng cao, tuy nhiên cần tăng cường xây dựng chuỗi cung ứng bền vững để các sản phẩm nông sản của Việt Nam có thể tiến sâu hơn vào thị trường EU. Việc này bao gồm không mở rộng diện tích nhưng tăng chất lượng và giá trị sản phẩm, đồng thời tăng cường sinh kế cho cộng đồng. Ngoài ra, cần tăng cường trao đổi, thảo luận và học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác quốc tế về các thực hành tốt để xây dựng lộ trình phát triển các ngành hàng nông sản của Việt Nam theo hướng bền vững, không gây mất rừng trong tương lai.

Những sản phẩm như cà phê, ca cao, gỗ và cao su... nếu xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sẽ không được xuất khẩu vào thị trường này. Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), hiện nay các doanh nghiệp cà phê Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu mỗi năm 1,6 - 1,7 triệu tấn cà phê. Thị trường EU là thị trường nhập khẩu lớn nhất của cà phê Việt Nam, chiếm 45% tổng lượng cà phê xuất khẩu. Vì vậy, việc EU thông qua các quy định về phòng chống phá rừng, suy thoái rừng và dự kiến áp dụng từ năm 2024 chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu cà phê vào thị trường này.

Giải pháp ứng phó cho nông sản Việt trước quy định liên quan đến luật chống phá rừng của EU - Ảnh 1

Nhận định về khả năng EU bị hạn chế nhập khẩu, nhiều chuyên gia cho rằng, nhiều năm qua, diện tích cà phê Việt Nam ổn định từ 650 - 700 nghìn hecta với khoảng 1,3 triệu nông hộ trồng cà phê, diện tích phần lớn chỉ từ 0,5 ha/hộ trở xuống. Số diện tích này thực tế là hợp pháp, không phải trồng trên đất do phá rừng, suy thoái rừng. Tuy nhiên, việc chứng minh nguồn gốc theo quy định không phải dễ. Trong trường hợp nếu các thị trường EU siết chặt việc chứng minh nguồn gốc đất trồng cà phê sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ.

Vì vậy, Vicofa đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh việc phổ biến các quy định, cảnh báo tới người dân và doanh nghiệp để các đơn vị chuẩn bị, bởi thời gian không còn nhiều khi quy định này sẽ được EU áp dụng cuối năm 2024.

Không chỉ cà phê mà các ngành nông sản liên quan khác như gỗ, điều, cao su thời gian tới cũng có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi các quy định phòng chống phá rừng mới của EU.

Phía Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết các năm qua, ngành điều không phát sinh thêm diện tích trồng mới nên có thể sẽ không bị ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, hiện nay điều thô Việt Nam nhập từ Campuchia và châu Phi khá nhiều. Do đó, nếu các nước này cũng vướng phải quy định chống phá rừng của EU thì ít nhiều việc xuất khẩu điều Việt Nam vào châu Âu sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Đại diện của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết đã thông báo đến các công ty thành viên về các quy định mới của Liên minh châu Âu (EU), nhắc nhở họ tập trung vào việc đánh giá nguồn gốc của các sản phẩm nội, ngoại thất và các loại ván công nghiệp, bởi chúng bắt buộc phải chứng minh nguồn gốc. Điều này giúp đảm bảo rằng, nếu EU yêu cầu, công ty có thể tuân thủ các thủ tục liên quan và giảm thiểu nguy cơ bị từ chối nhập khẩu.

Được biết, ngay sau khi Liên minh châu Âu thông qua các khung quy định này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu Vụ Hợp tác Quốc tế tập trung xây dựng và trình khung hành động để thực hiện quy định. Trong đó, khung hành động này cần phải đẩy mạnh truyền thông để các cơ quan chức năng và nông dân hiểu rõ quy định của EU về chống phá rừng, suy thoái rừng khi sản xuất nông sản. Đặc biệt, nội dung phải phân định rõ ràng trách nhiệm của ngành nông nghiệp, chính quyền các cấp, doanh nghiệp và người dân.

Bảo An